14 thg 5, 2025

Lan man ở một ngôi chùa Nam tông Việt - Chùa Phật Bảo

1. 
Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ở Việt Nam có 18.544 ngôi tự viện, trong đó có 462 ngôi chùa Nam tông Khmer và 106 ngôi chùa Nam tông Việt. Tức là số chùa Nam tông Việt chỉ chiếm 0,6% tổng số chùa trên toàn quốc.

Ở TPHCM có 1.469 ngôi chùa, trong đó chùa Nam tông khoảng 25 ngôi. Ngược với tỷ lệ chung của cả nước, chùa Nam tông Việt nhiều hơn hẳn chùa Nam tông Khmer. Khoảng 22 ngôi chùa Nam tông Việt so với 3 ngôi chùa Nam tông Khmer. Dù vậy, tỷ lệ chùa Nam tông Việt cũng chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số chùa ở TPHCM.

Trong số hơn 20 ngôi chùa Nam tông Việt ở TPHCM, có lẽ Tổ đình Bửu Long ở đường Nguyễn Xiển là được nhiều người biết đến nhất. Ngoài ra còn những ngôi chùa Nam tông khác nữa, thí dụ như chùa Phật Bảo mà tui sắp nói tới đây.

Mặt tiền chùa Phật Bảo. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

2.
Chùa Phật Bảo tọa lạc tại 673/3 đường Lạc Long Quân, Phường 10, Quận Tân Bình trên diện tích 4.600 m². Ở mặt tiền chùa, phía trên bảng tên Phật Bảo Tự là chữ Theravada tức Phật giáo nguyên thủy, hay Nam tông. Phía dưới là tên chùa bằng tiếng Pali Buddharatanaràma (Buddha: Đức Phật, Ratana: bảo vật, Ārāma: chùa).

Mặt tiền chùa Phật Bảo. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Chùa được xây dựng năm 1965. Khởi công đại trùng tu năm 2012 và làm lễ khánh thành ngày 20/10/2018.

Theo báo Giác Ngộ, công trình xây dựng chánh điện chùa Phật Bảo khởi công vào ngày 12/3/2012 với tổng kinh phí dự kiến ban đầu 27 tỷ đồng. Công trình gồm sảnh trệt phục vụ sinh hoạt chung, tầng 1 làm giảng đường và tầng 2 làm chánh điện, tầng 3 gồm 1 bảo tháp 2 tầng tôn trí xá lợi, tượng Phật Niết bàn, Phật cảnh chuyển pháp luân.

Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng chánh điện chùa Phật Bảo nhằm ngày 20/11/2011. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Bảng lưu niệm tương tự như ảnh trên, bằng tiếng Thái, ghi nhận sự chủ trì buổi lễ chủ trì bởi một vị Đại Trưởng lão đến từ tỉnh Ubon Ratchathani

Trong lễ khánh thành, chư tăng hệ phái đã tổ chức kiết giới Si-ma theo truyền thống Phật giáo Nam tông.

Kiết giới (Sima) là một nghi lễ của Phật giáo nguyên thủy xác lập ranh giới pháp lý để chư Tăng thực hiện các nghi lễ Tăng sự. Trong nghi thức này, đặt 8 trụ đá tại 8 hướng chính: Đông, Tây, Nam, Bắc, và 4 hướng phụ, mỗi trụ đá đều có ghi ngày kiết giới, năm Phật lịch, và được an vị cố định.

Một trụ kiết giới Sima ở  chùa Phật Bảo. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

3.
Là một ngôi chùa Nam tông Việt nên chùa Pháp Bảo không mang nét kiến trúc như các ngôi chùa Nam tông Khmer, nhưng cũng không có nét kiến trúc của các ngôi chùa Nam tông Đông Nam Á (Myanmar, Thái Lan) như chùa Bửu Long. Kiến trúc chùa Phật Bảo phảng phất nét Ấn Độ.

Như tất cả các ngôi chùa Phật giáo Nam tông (Theravāda), tượng thờ và cách bài trí ở chùa Phật Bảo rất đơn giản và mang đậm tinh thần nguyên thủy, tập trung chủ yếu vào Đức Phật lịch sử.

Cổng chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Chánh điện chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Chuông chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phù điêu trong chánh điện, diễn tả sự kiện Đức Phật xuất gia. Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) đang giơ gươm để tự tay cắt mái tóc của mình. Bên cạnh đó là người hầu Xa-nặc (Channa) và chú ngựa Kiền-trắc (Kanthaka). Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phù điêu trong chánh điện, diễn tả khoảnh khắc Thái tử Tất Đạt Đa rời bỏ cung điện, vợ con và cuộc sống vương giả để tìm con đường giải thoát cho chúng sinh. Thái tử lặng lẽ nhìn vợ con lần cuối vào đêm khuya trước khi ra đi. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Hành lang chánh điện ở tầng 1. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Hành lang chánh điện ở tầng trệt. Ảnh: Phạm Hoài Nhân


Tượng thiên nhân (deva) đang đảnh lễ Đức Phật, đặt ở lối vào chính điện để biểu hiện sự tôn kính. Những tượng này mang phong cách tượng Thái Lan. Ảnh: Phạm Hoài Nhân


Khung cảnh trước sân chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét