23 thg 1, 2022

Xu hướng mua hàng second-hand online hiện nay ra sao?

Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển nhanh chóng, lại càng phổ biến hơn nữa bởi tác động của đại dịch. Bên cạnh các sàn giao dịch TMĐT chuyên bán sản phẩm mới, những trang TMĐT chuyên mua bán hàng đã qua sử dụng ít được chú ý hơn. Trong tình hình đó, tập đoàn Carousell vừa công bố báo cáo khảo sát về xu hướng mua hàng second-hand online ở khu vực Đông Nam Á.

Carousell đưa ra Báo cáo về xu hướng mua hàng đã qua sử dụng

Carousell là một công ty kinh doanh hàng hóa cả cũ và mới trên nền tảng web và smartphone, được thành lập từ 2012, có trụ sở chính tại Singapore và hoạt động tại: Đông Nam Á, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Úc, New Zealand và Canada. Tại Việt Nam, trang web rao vặt và mua bán hàng hóa Chợ Tốt là đơn vị trực thuộc của Carousell. Giữa tháng 9 năm nay, Carousell được định giá 1,1 tỷ USD và hiện là một trong những tập đoàn mua bán, rao vặt online lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Trong báo cáo năm 2021 (The Carousell Recommerce Index 2021 Report) vừa công bố, Carousell đã thảo luận về chủ đề sự tiêu dùng quá mức (overconsumption). Báo cáo này nhằm nêu bật tầm quan trọng của tiêu dùng bền vững và lối sống bền vững thông qua mua bán, trao đổi trên nền tảng re-commerce (mua bán lại) ở khu vực Đông Nam Á. Báo cáo tổng hợp các khảo sát từ 4 công ty trực thuộc tập đoàn Carousell là Carousell, Chợ Tốt, Mudah và OneKyat, tại 8 thị trường – Hong Kong, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam, với sự tham gia khảo sát của hơn 3.000 người mua và người bán.

Tầm quan trọng của việc mua – bán hàng đã qua sử dụng

Recommerce, hay tái kinh doanh, bán những thứ mình không còn cần cần dùng và mua lại những thứ người khác không còn cần dùng là một giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế. Minh họa: Carousell.

Ngoài tác dụng mua bán sản phẩm đơn thuần như các sàn giao dịch TMĐT khác, việc mua bán lại (recommerce) hay mua bán hàng second-hand còn có những ý nghĩa to lớn khác, đó là: Tiết kiệm tài sản chung cho toàn xã hội (thay vì bỏ đi hàng hóa dư thừa thì nhượng lại cho người khác với mức giá hợp lý) và Bảo vệ môi trường (hàng hóa được tái sử dụng thay vì vất đi).

Quek Siu Rui, người đồng sáng lập kiêm CEO của Carousell nhận định: “Chỉ với một chiếc smartphone nhỏ gọn, người dân có thể thanh lý các đồ không cần dùng tới để kiếm thêm thu nhập. Mặt khác, người mua có thể tiết kiệm được một khoản tiền khi mua lại những thứ này. Với tình trạng thu nhập chung đang bị bấp bênh do đại dịch, những khoản tiền này đem lại rất nhiều ý nghĩa cho người dùng”.

Ông Siu Rui nói thêm: “Hàng chục triệu người dùng của chúng tôi vẫn đang tích cực tham gia mua bán mỗi ngày. Có người vì muốn thanh lý, có người vì muốn mua đồ giá hời, hoặc cũng có nhiều người chỉ đơn giản là muốn tái sử dụng sản phẩm để bảo vệ môi trường”.

Ai mua hàng second-hand?

Khảo sát của Carousell cho thấy 72% trong số những người được phỏng vấn ở 8 quốc gia đã từng mua hàng second-hand. Tỷ lệ này thay đổi theo từng quốc gia, nhưng hầu hết đều ở mức trên 75%, chỉ trừ Myanmar là 59%. Cao nhất là Philipines 92%, Việt Nam ở mức 83%.

Tỷ lệ người đã từng mua hàng second-hand ở mỗi quốc gia. Nguồn: Carousell

Tại sao mua/không mua hàng second-hand?

Trong số 72% người đã từng mua hàng second-hand, lý do khiến họ mua hàng là:

  • Tiết kiệm hơn so với mua hàng mới: Cư dân của những quốc gia chọn lý do này nhiều nhất là Hồng Kông (82%). Malaysia (78%), Singapore và Philipines (74%).
  • Bảo vệ môi trường: Cư dân của những quốc gia chọn lý do này nhiều nhất là Hồng Kông (45%), Đài Loan (30%), Singapore (30%).

Trong số 28% người chưa từng mua hàng second-hand, khi được hỏi cần có điều gì để họ mua hàng, câu trả lời là:

  • Cần có kiểm tra chất lượng và bảo hành sản phẩm: Cư dân của những quốc gia chọn lý do này nhiều nhất là Philipines (72%), Singapore (56%), Malaysia (39%).

Ngành hàng second-hand nào được mua bán nhiều nhất?

Với câu hỏi Bạn ưa chuộng mua/bán ngành hàng second-hand nào nhất?, câu trả lời khá khác biệt đối với từng quốc gia. Cụ thể như sau:

Quốc gia

Mua

Bán

Hồng Kông

Đồ chơi và Game (bao gồm máy chơi game, video game) 44%

Đồ chơi và Game (bao gồm máy chơi game, video game) 41%

Indonesia

Hàng may mặc 74%

Hàng may mặc 85%

Malaysia

Ảnh và đồ điện tử (Máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động) 46%

Đồ nội thất, đồ gia dụng 48%

Myanmar

Ảnh và đồ điện tử (Máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động) 64%

Ảnh và đồ điện tử (Máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động) 64%

Philipines

Hàng may mặc 58%

Hàng may mặc 75%

Singapore

Trang thiết bị giải trí (Sách, nhạc, máy chơi game) 39%

Đồ nội thất, đồ gia dụng 40%

Đài Loan

Hàng may mặc 52%

Hàng may mặc 62%

Việt Nam

Đồ điện tử (Máy chụp hình, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, TV) 65%

Đồ điện tử (Máy chụp hình, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, TV) 69%

Xu hướng mua bán hàng hóa second-hand online tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê đối với những người thường xuyên hoạt động trên trang Chợ Tốt ở Việt Nam trong thời gian từ 2018 đến 2021 (trong đó năm 2020 không có số liệu vì chuyển đổi hệ thống) thì 2 ngành hàng luôn được quan tâm nhiều nhất là xe hơi và thiết bị điện tử. Xếp vị trí thứ ba trong hai năm 2018-2019 là ngành hàng thời trang. Tuy nhiên, bước qua năm 2021 với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid đã có một sự thay đổi thú vị. Xếp thứ ba là ngành hàng đồ gia dụng, đồ nội thất và cây trồng.

Thứ hạng

2018

2019

2021

1

Xe hơi

Xe hơi

Xe hơi

2

Đồ điện tử

Đồ điện tử

Đồ điện tử

3

Thời trang

Thời trang

Đồ gia dụng, nội thất, cây trồng

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhiều quy định về giãn cách xã hội đã được áp dụng tại Việt Nam, dẫn đến một số sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, và tất nhiên xu hướng mua hàng second-hand cũng thay đổi theo. Theo đó, “máy tính xách tay” và “máy tính để bàn” là hai từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Chợ Tốt. Giãn cách xã hội đã khiến số lượng người làm việc tại nhà gia tăng khiến cho nhu cầu sử dụng máy tính để làm việc từ xa cũng tăng theo.

Giãn cách xã hội cũng thúc đẩy nhiều người Việt Nam có lối sống lành mạnh hơn. Trong giai đoạn giãn cách, nhu cầu về xe đạp tăng nhanh chóng. Không chỉ mang lợi ích về chi phí, chiếc xe đạp còn là một loại hình di chuyển an toàn đến các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, các mặt hàng phục vụ cho mục đích giải trí cũng thu hút sự quan tâm đáng kể, cụ thể là hai mặt hàng trò chơi điện tử và sách ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượt từ khóa được tìm kiếm.

Định hướng phát triển sắp tới của Carousell và Chợ Tốt

Với kết quả khảo sát của báo cáo, có thể thấy ngành hàng xe hơi đã qua sử dụng chiếm một vị trí rất quan trọng. Đại diện Carousell nhận định: “Chắc chắn ngày càng nhiều người mua ô tô đang lựa chọn xe cũ thay vì xe mới. Chúng tôi có các đại lý bán hàng đến từ các đại lý ô tô hoàn toàn mới và họ đã xác nhận điều này. Vì đại dịch, mọi người thấy cần phải di chuyển cá nhân để đảm bảo an toàn. Vì vậy, mọi người đã bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn so với ô tô mới tinh, đặc biệt là kể từ khi các ngân hàng thắt chặt khả năng tiếp cận tài chính tiêu dùng, đặc biệt là các khoản vay mua ô tô. Vì vậy, ô tô đã qua sử dụng chắc chắn cung cấp lựa chọn đáng đồng tiền cho thị trường”.

Trong xu thế mua sắm hàng đã qua sử dụng ngày càng phát triển, tập đoàn Carousell tiếp tục tạo sự lan tỏa lối sống bền vững và mua sắm dạng tái sử dụng. Tại Chợ Tốt, chiến dịch “Tặng đồ 0 đồng, tăng độ ấm lòng” là một trong những hoạt động thúc đẩy lối sống trên. Người bán tham gia chiến dịch được khuyến khích trao tặng các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc ít sử dụng với hashtag #chợsẻchia. Chiến dịch này là sáng kiến mới của Chợ Tốt trong giai đoạn giãn cách, kêu gọi trao tặng đồ dư dùng đến người đang gặp khó trong đại dịch giúp lan tỏa yêu thương và xây dựng lối sống tiêu dùng bền vững.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét