19 thg 1, 2023

Bài tụng ca về phở

Anh Mai Việt Hùng đưa tui tới ăn phở tại một tiệm mà anh gọi là Phở Thơ, ngoài lý do đây là một tiệm phở ngon còn có một lý do khác: giữa quán có một tấm bảng thiệt lớn, đăng nguyên bài thơ ca ngợi phở của nhà thơ nổi tiếng Tú Mỡ


Đây là quán phở Cao Vân, một quán phở Bắc nổi tiếng ở Sài Gòn hơn 7 thập niên qua. Thông tin chi tiết về quán phở này các bạn có thể đọc tại các đường link sau đây: 
Tui chỉ xin tóm tắt ít dòng cho liền mạch câu chuyện: 

Chủ quán, cũng là người sáng lập quán, là một cụ ông tên Trần văn Phồn, sinh ra ở Hà Nam và đã bán phở từ năm 16 tuổi.

Cụ Trần văn Phồn tại quán Cao Vân năm 2018, lúc này cụ đã trên 90. Ảnh: Lưu Trân trên Thanh niên online. 

Năm 1947, chàng trai Phồn vào Nam và cũng chọn nghề bán phở để kiếm sống. Lúc đầu anh bán phở gánh ở đường Nguyễn Văn Giai (phường Tân Định, quận 1), sau đó thuê một chỗ rộng và dựng quán lợp tôn ở đường Trần Cao Vân. Khi có quán rồi thì quán đặt theo tên đường luôn, mà 3 chữ dài quá nên đặt 2 chữ sau là Cao Vân thôi. Sau này chủ đất lấy lại nên quán dời sang 25 Mạc Đĩnh Chi, là địa chỉ hiện tại. Tên Cao Vân được giữ để khách hàng dễ nhận ra.

Cụ Phồn qua đời cách nay vài năm ở tuổi trên 90. Hiện giờ quán do người con út của cụ trông nom.

Quán phở Cao Vân năm 2018. Ảnh: Lưu Trân trên Thanh niên online. 

Có thể thấy rằng cụ Phồn rất tâm đắc bài thơ về phở của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ nên đã cho đăng nó trên vách quán suốt mấy chục năm qua. Bài thơ có tựa đề chính thức là "Phở" đức tụng, suốt mấy chục năm qua đã được các fan hâm mộ phở và yêu văn thơ xác định rằng bài thơ viết về phở bình dân và hay nhất (cùng sánh đôi với tùy bút Phở của Nguyễn Tuân là bài văn xuôi viết về phở mang tính quý tộc hơn). Không biết nhà thơ sáng tác bài này lúc nào, nhưng nó được in trong tập thơ Giòng nước ngược, xuất bản năm 1934 (như vậy ghi chú cuối bài ở hình trên là 1937 có lẽ nhầm lẫn).


Bìa và trang trong của tập thơ Giòng nước ngược, do Đời Nay xuất bản lần đầu năm 1934


Trang 99 và 100 của bản in này đăng bài "Phở" đức tụng

Để các bạn dễ đọc (và copy, nếu cần), tui xin đăng lại dạng text toàn bài như sau:

"PHỞ" ĐỨC TỤNG

Trong các món ăn “quân tử vị”,
Phở là quà đáng quý trên đời.
Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi,
Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.
Náy bánh cuốn, này thịt bò, này nước dùng sao nhánh mỡ,
Ngọn rau thơm, hành củ thái trên.
Nước mắm, hồ tiêu, cùng dấm, ớt điểm thêm,
Khói nghi ngút đưa lên thơm điếc mũi...
Như xúc động tới ruột gan bàn phổi...
Như dục khơi cái đói của con tì.
Dẫu sơn hào, hải vị khôn bì,
Xơi một bát nhiều khi chưa thích miệng.
Kẻ phú quý cho chí người bần tiện,
Hỏi ai là đã nếm, chẳng ưa,
Thầy thông, thấy phán đi sớm về trưa,
Điểm tâm phở, ngon ơ và chắc dạ.
Cánh thuyền thợ làm ăn vất vả,
Phở xơi no cũng đỡ nhọc nhằn.
Khách làng thơ đêm thức viết văn,
Được bát phở cũng đỡ băn khoăn óc bí…
Bọn đào kép, con nhà ca kĩ,
Lấy phở làm đầu vị giải lao.
Chúng chị em sớm mận tối đào,
Nhờ có phở cũng đỡ hao nhan sắc.
Phở là đại bổ, tốt bằng mười thang thuốc bắc,
Quế, phụ sâm, nhưng chưa chắc đã hơn gì.
Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì,
Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch...
Anh em lao động đồng tiền không rúc rích,
Coi phở là môn thuốc ích vô song.
Các bậc vương tôn thường chả phượng, nem công,
Chưa chén phở, vẫn còn chưa đủ món.
Chớ chê phở là đồ ăn hèn mọn,
Đấu xảo thành Pha-Lê còn phải đón phở sang.
Cùng các cao lương vạn quốc phô trương,
Ngon lại rẻ, phở thường tranh quán giải.
Sống trên đời, phở không ăn cũng dại,
Lúc buông tay ắt phải cúng kem.
Ai ơi, nếm thử kẻo thèm...

Tui gõ lại theo sát bản in năm 1934, dù có vài chỗ cảm thấy... hơi sai sai chánh tả.

Điều tui băn khoăn là không biết thời đó (1934) phở có được hiểu theo cái nghĩa bóng mà bây giờ người ta thường hiểu hay không (chán cơm, thèm phở). Và nếu có thì 3 câu cuối nên hiểu như thế nào đây ta?

Sống trên đời, phở không ăn cũng dại,
Lúc buông tay ắt phải cúng kem.
Ai ơi, nếm thử kẻo thèm...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét