18 thg 7, 2023

Từ du đãng Cầu Muối trở thành bậc Hiển thánh

Dạo bước trong khuôn viên nhà thờ Tân Triều, tui thấy bức tượng một vị thánh giơ cao cây thánh giá, phía sau mang dòng chữ: Tôi là Kitô hữu, không bao giờ tôi chối chúa. Bệ tượng ghi tên vị thánh này là Trần văn Hạnh.


Vốn không phải người công giáo, tui không biết nhiều về các vị hiển thánh trừ những vị rất nổi tiếng, do đó tui ra về với chút tò mò: Trần văn Hạnh là ai?

Về nhà tìm hiểu, tui rất bất ngờ với thông tin này: Trần văn Hạnh vốn là một tay du đãng khét tiếng ở Cầu Muối!

Tui xin trích đăng tiểu sử của Thánh Trần văn Hạnh theo thông tin từ giáo xứ Tân Triều:

Trần văn Hạnh chào đời tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa khoảng năm 1827. Lớn lên Hạnh cùng hai người anh đến vùng Cầu Muối, Chợ Quán, Sài Gòn để buôn bán. Nói tới Cầu Muối là nói tới những băng đảng. Dư luận đồn đại về anh nhiều điều xấu. Trong nghề buôn bán, anh giao dịch với một số tay anh chị chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế cô thân. Hạnh đã từng quy tụ một nhóm đàn em choai choai trong vùng, lang thang đây đó, cướp giật khắp vùng. Hạnh sống ung dung, rượu chè trai gái với tiền cướp giật do đàn em cung phụng. Sống trong tội lỗi với cái nghề bất lương, nhưng anh lại luôn cảm thấy lương tâm bất ổn. Nhiều lần anh tìm cách thoát khỏi con đường dìm đời anh vào vũng lầy nhầy nhụa, ghê tởm, nhưng không dễ dàng vì chốn giang hồ có luật giang hồ: Ai lật tẩy đường dây thì phải đền mạng!

Hạt mầm đức tin được gieo thuở ấu thơ vẫn âm thầm nẩy nở trong anh dù chính anh không hay biết. Một lần kia, chứng kiến đàn em bóc lột một thiếu phụ nghèo khổ không thương tiếc, anh bỗng xúc động, ra tay can thiệp. Anh dùng áp lực bắt đàn em phải trả lại cho nạn nhân tất cả của cải chiếm đoạt, dù biết trước thái độ hào hiệp ấy sẽ mang lại cho mình hậu quả không hay theo luật giang hồ.


Đàn em tức giận quyết tâm trả thù bằng giải pháp hèn hạ “ném đá giấu tay” là đi tố cáo với chính quyền rằng: tên Hạnh là người Kitô hữu và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp.


Khi bị bắt nộp cho quan toà ở Bà Quẹo và bị tra hỏi: “Có phải anh đã liên lạc với người Pháp âm mưu làm loạn không?”, thì Hạnh trả lời: “Tôi không bao giờ liên lạc hay giúp người Âu Châu.” Thế mà khi bị hỏi: “Anh có phải là người theo đạo Gia Tô không?”, thì Hạnh, dù biết mình không giữ đạo tử tế, biết nguy hiểm đến tính mạng, vẫn can đảm nhìn nhận: “Phải, tôi là người theo đạo Gia Tô!”

Suốt thời gian bị giam, các quan tìm đủ cách dụ anh bỏ đạo. Họ áp dụng những hình khổ dã man nhất đã được vua Tự Đức cho phép. Người ta căng thân thể anh ra đánh đòn, người ta dùng kìm nguội để kẹp vào đùi anh tóe máu, dùng những thanh sắt nung đỏ dí vào người anh xông mùi khét nồng nặc. Vậy mà anh vẫn cương quyết tuyên bố: “Tôi là một Kitô hữu, dù có phải chết tôi cũng không bao giờ bỏ đạo.” Phaolô Hạnh đã yếu đuối trong đường tội lỗi, nhưng khi đã trở về lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa thì lại nhận được sức mạnh lạ lùng.

Không làm anh chối bỏ đức tin, vua Tự Đức đã chuẩn tấu án xử trảm Phaolô Hạnh. Ngày 28/5/1859, anh Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa khi mới 32 tuổi. Thi thể vị Tử đạo được mai táng ở Chợ Quán. Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02/5/1909. Ngày 19/6/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn Ngài lên bậc Hiển thánh.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét