Nhà thờ giáo xứ Tân Triều. Ảnh: PHN
Tân Triều là một cù lao trên sông Đồng Nai, cách trung tâm TP. Biên Hoà khoảng 10 km về phía Bắc, thuộc huyện Vĩnh Cửu (tức là nói một cách chính xác về mặt địa lý hành chánh thì Tân Triều không phải ở Biên Hoà!). Du khách phương xa đến Biên Hoà thường ghé thăm khu du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều, hay còn được gọi là Vườn bưởi Năm Huệ.
Khu Du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều. Ảnh: PHN
Đến khu vực vườn bưởi Năm Huệ thì bên trái là lối vào vườn bưởi, bên phải là Nhà thờ Tân Triều. Đây là một ngôi nhà thờ nhỏ, kiến trúc cũng không nổi bật, do đó dễ bị bạn đi ngang qua mà không chú ý, nhất là nếu bạn đang nôn nao bước vào vườn bưởi, và không là tín đồ công giáo. Tuy nhiên, nếu bạn biết vài điều lý thú về lịch sử ngôi nhà thờ này có lẽ bạn sẽ dừng chân để nhớ về quá khứ...
- Đây là một trong những ngôi nhà thờ cổ nhất miền Nam.
- Trên tháp chuông nhà thờ có 2 quả chuông, được đúc ở châu Âu từ giữa thế kỷ 19
- Nhà thờ có một thánh tích vô giá đối với người công giáo. Đó là tượng chúa Jesus trên thập giá trong nhà thờ có gắn một mảnh thánh giá thật.
- Bưởi Tân Triều nổi tiếng vốn có xuất xứ từ... nhà thờ Tân Triều.
1.
Nhà thờ Tân Triều có từ năm 1778, nghĩa là có trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn gần 100 năm! (nhà thờ Đức Bà Sài Gòn xây dựng xong năm 1865). Lược sử giáo xứ được ghi nhận lại như sau:
Nhà thờ Tân Triều có từ năm 1778, nghĩa là có trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn gần 100 năm! (nhà thờ Đức Bà Sài Gòn xây dựng xong năm 1865). Lược sử giáo xứ được ghi nhận lại như sau:
Từ đầu thế kỷ XVIII, thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, từng đoàn lưu dân vào Phương Nam lập nghiệp và các Cha Thừa sai cũng theo để truyền giáo. Năm 1777, chúa Huệ Vương Nguyễn Phúc Thuần và cả gia đình bị sát hại; hậu duệ duy nhất có quyền nối nghiệp ngôi chúa còn sống sót là Nguyễn Ánh. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1778, sau khi đã chiếm lại được Gia Định thì Nguyễn Ánh (Gia Long) lập triều đình mới tại Đá Lửa. Trong số những người theo Nguyễn Ánh vào Đá Lửa, có cả những người theo đạo Công Giáo.
Từ ngày Nguyễn Ánh (năm 1778) đóng đô tại đây và tự xưng là chúa, lấy niên hiệu là Gia Long, Đá Lửa được đổi tên thành Tân Triều. Từ đó tên họ đạo này được gọi là họ Tân Triều (theo bản phúc trình của Tòa Giám Mục Sài Gòn năm 1891 của Cha Sở Le Golf).
Nhà thờ Tân Triều. Ảnh: PHN
Theo tư liệu này thì cái tên Tân Triều có nghĩa là triều đại/triều đình mới xuất phát từ việc Nguyễn Ánh đóng đô tại đây. Hiện nay có một số nhà nghiên cứu không đồng ý với giả thuyết này, tui chỉ xin trích dẫn để mọi người tham khảo.
Từ ngày xây dựng đầu tiên (1778) đến nay nhà thờ Tân Triều đã nhiều lần xuống cấp hoặc quy mô không đủ cho sự phát triển của giáo dân nên được xây mới vào các năm 1850, 1873, 1994... Ngôi nhà thờ với kiến trúc hiện nay được xây dựng năm 2003. Chính vì vậy, về kiến trúc ngôi nhà thờ hiện nay không phải nhà thờ cổ dù đã xuất hiện từ rất sớm (1778). Đây cũng không phải ngôi nhà thờ lớn, do đó ít được mọi người biết đến.
2.
Trên tháp chuông nhà thờ có 2 quả chuông, được đúc ở châu Âu từ giữa thế kỷ 19, trong đó có 1 quả chuông đúc từ năm 1867 đã được dùng tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Lai lịch quả chuông đã được dùng tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn như sau:
Sau khi Biên Hòa thất thủ, quân Pháp lập lại trật tự tại đây. Cha Besombes được cử đến coi sóc Tân Triều (ngài ở đây cho đến 1864). Công việc đầu tiên là quy tụ các giáo hữu tản mác khắp nơi trở về và xây cất lại ngôi thánh đường. Việc xây cất gặp rất nhiều khó khăn, phải đi nhặt các vật liệu từ các mái nhà, đình chùa sụp đổ hoặc bị bỏ hoang … Và trong khi thu nhặt đã lượm được một cái chiêng và một quả chuông chùa (chuông Việt). Cái chiêng hiện vẫn còn nhưng đã cũ lủng hư, còn quả chuông Việt thì đem đổi lấy một quả chuông Tây của nhà thờ Sài Gòn (nhà thờ chánh tòa cũ) quả chuông hiện còn đang dùng. (*)
Tháp chuông được xây dựng lại năm 1994.
Tháp chuông nhà thờ Tân Triều. Ảnh: PHN
3.
Tui đọc trong một tài liệu thấy nói rằng nhà thờ Tân Triều có một thánh tích vô giá đối với người công giáo. Đó là tượng chúa Jesus trên thập giá trong nhà thờ có gắn một mảnh thánh giá thật, tức mảnh gỗ trên cây thánh giá mà chúa Jesus đã tuẫn nạn ngày xưa. Tuy nhiên, sau khi dọ hỏi từ nhiều người thì không ai xác nhận thông tin này cả. Do vậy tui nghĩ rằng đây là thông tin không đúng sự thật. Tui vẫn đăng thông tin này lên như một câu hỏi: Do đâu lại phát xuất thông tin này? Ắt phải có một nguyên nhân nào đó chớ!
4.
Điều thú vị cuối cùng về nhà thờ Tân Triều lại có liên quan đến... nguồn gốc của bưởi Tân Triều. Người ta nói rằng năm 1869, một cha xứ ở nhà thờ Tân Triều đã mang hai cây bưởi gốc từ Brazil về trồng trong sân nhà thờ, hằng năm cho trái sum suê. Thấy vậy, người dân ở đây xin chiết nhánh bưởi về trồng. Và cứ thế nhân rộng ra cùng với một số giống bưởi khác... Không ngờ, hơn một thế kỷ sau, Tân Triều trở thành làng bưởi nổi tiếng.
Về việc này, có thêm một thông tin khá thú vị như sau:
Vào đầu thế kỷ 20, Tân Triều không hẳn là nơi trồng nhiều bưởi nhất mà trồng nhiều loại cây ăn trái khác, trong đó thu huê lợi nhiều nhất là trồng trầu. Lúc bấy giờ nơi đây phong thổ độc hại vì những lý do:
- Vườn cây rậm rạp: Dân trồng nhiều cây ăn trái và các loại cây khác nữa. Họ tiết kiệm đất đến nỗi không chừa chỗ để làm đường đi, lối đi là những đường mòn chật hẹp xuyên qua vườn sát nhà ở, làm cho bầu khí ngột ngạt, ẩm thấp, sinh nhiều giống muỗi gây bệnh sốt rét giết người.
- Ô nhiễm: Nguồn lợi lớn nhất của họ là trồng trầu, trầu thì cần rất nhiều phân bón. Do đó, họ sử dụng hàng tấn phân khiến cho không khí bị ô nhiễm, giếng nước bị nhiễm độc.
- Đường nước sình lầy: Con rạch trước kia rất sâu dần dần bị lấp đầy; thủy triều lên xuống không lưu thông được, sỉnh lầy bốc mùi hôi thối thành chướng khí sinh bệnh.
Tương truyền rằng, trong trận lụt năm 1952, tất cả các loại cây cối đều chết vì úng nước. Riêng có cây bưởi ở nhà thờ Tân Triều do các Cha Thừa sai mang sang là sống sót. Từ đó, người ta chiết nhánh và nhân rộng giống bưởi này. Cũng theo các cụ kể lại thì chỉ có bưởi ở gần khu vực nhà thờ Tân Triều mới ngon, ngọt và đem lại giá trị kinh tế cao. (*)
Phạm Hoài Nhân
Thông tin trong tượng Chúa chịu nạn trên Thánh giá trong nhà thờ có gỗ Thánh giá thật, là sai nhé! Thật ra trong nhà xứ hiện đang lưu giữ một cái hào quang có hình Thánh giá làm bằng đồng thau. Trong cái hào quang này mới là có gỗ Thánh giá thật. Gỗ Thánh giá thật này rất nhỏ, chỉ như hai cái dằm gỗ dài khoảng gần nữa cm và dày chắc khoảng 1 milimet thôi. Hai cái dằm này xếp thành hình Thánh giá và dưới đó có một hàng chữ La tinh nói đây là gỗ Thánh giá. Hào quang có gỗ Thánh giá thật này rất hiếm khi được trưng bày, chỉ khi nào có lễ lớn gì đó thôi. Trong nhà thờ Đức Bà-Sài Gòn cũng có gỗ Thánh giá thật như vậy. Trong toàn nước Việt nam chỉ có hai nhà thờ đó là có gỗ Thánh giá thật thôi. Và những mảnh gỗ đó rất nhỏ, chỉ như cái dằm.
Trả lờiXóaXin cám ơn đã góp ý.
Xóa