22 thg 8, 2023

Quê ngoại tui, Đông Hòa Hiệp

Quê ngoại tui ở Cái Bè. Đó là tui nghe nói vậy chớ chưa hề sống ở đó, cũng không hề có dịp về quê ngoại. Đơn giản là vì cả gia đình ông bà ngoại đã rời Cái Bè từ khi má tui... chưa có chồng (và kéo theo là khi đó chưa có tui trên cõi đời này)!

Lâu, lâu thiệt lâu sau đó tui biết thêm một chi tiết rằng quê ngoại ở xã Đông Hòa Hiệp, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Biết và nhớ cái tên hay hay đó thôi, chớ cũng không biết nó có gì đặc biệt.

Không lâu sau đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng du lịch, tui biết thêm một thông tin bất ngờ: Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở Cái Bè là một trong bốn ngôi làng cổ nổi tiếng nhứt, đẹp nhứt Việt Nam!

Bản đồ Làng cổ Đông Hòa Hiệp ở lối vào làng

Việt Nam có nhiều làng cổ, trong đó có 4 ngôi làng cổ được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, đó là: Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Làng cổ Phước Tích (Huế), Làng cổ Lộc Yên (Quảng Nam) và Làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè, Tiền Giang).

Ông bà ngoại, ba má tui đều đã qua đời. Các dì, cậu đều đã rất già và rất mong mỏi được tìm về chốn quê xưa đã xa lìa hơn nửa thế kỷ. Vậy là kết hợp chuyến tìm về thăm quê, tui đi thăm ngôi làng cổ đẹp nhứt Việt Nam!

xXx

Tư liệu lịch sử cho biết, năm 1732 Chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay để làm lỵ sở của dinh. Đến năm 1757, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay. 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ, làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan lại và đại địa chủ sinh sống, làm cho vùng đất này trở nên trù phú.

Nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý, mái lợp ngói, xây cao và rộng theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thoáng mát, đã góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các làng khác từ cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ 20. Các ngôi nhà ở đây dù trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống của người Việt.


Hiện nay làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80 – 100 năm.

Như ta thấy, chủ nhân (ban đầu) của các ngôi nhà cổ này là các quan lại hoặc đại địa chủ giàu có nên chẳng những ngôi nhà to, khuôn viên là khu vườn rộng mà cạnh đó còn là những vườn cây ăn trái sum suê. Do vậy nhà này cách nhà kia một khoảng khá xa, đủ cho du khách tản bộ tham quan có thêm những cảm nhận sâu lắng.

Bước vào làng, du khách sẽ gặp những bảng chỉ đường đến những ngôi nhà cổ khác nhau

Do đặc điểm sông nước ở Cái Bè nên để đến các ngôi nhà cổ ta có thể đi ghe hoặc xe hơi, xe máy. Đi ghe thú vị hơn, và tất nhiên sẽ có những đoạn đi bộ để đến nơi cần đến.

Sau lần thăm làng cổ cùng các dì cậu, tui còn quay lại Đông Hòa Hiệp vài lần nữa nhưng không có thời gian thăm nhiều nhà cổ mà chỉ thăm 2 ngôi nhà tiêu biểu nhứt là nhà cổ Ba Đứcnhà cổ Ông Kiệt.

Nhà cổ Ông Kiệt






Có lẽ đây là ngôi nhà cổ được nhiều người biết đến nhứt ở Đông Hòa Hiệp. Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1838, có kiến trúc kiểu chữ Đinh với 3 gian, 2 chái, rộng gần 1.000 m², với 108 cây cột, toàn bộ được làm từ các loại gỗ quý như lim, cẩm lai, giáng hương, căm se. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam Bộ.

Năm 2002, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sang khảo sát và xác định ngôi nhà cổ ông Kiệt là một trong 9 ngôi nhà đẹp nhất Việt Nam (Cửu đại mỹ gia), nhưng đang xuống cấp nghiêm trọng nên họ quyết định tài trợ hơn 1,8 tỷ đồng để trùng tu.

Nhà cổ Ba Đức



Khung cảnh nhà cổ Ba Đức


Gian thờ


Cổ vật

Nhà cổ Ba Đức thuộc sở hữu của dòng họ Phan. Gọi tên Ba Đức là theo tên người chủ nhà hiện nay là Phan văn Đức, truyền nhân đời thứ 6.

Nhà cổ Ba Đức không rộng như nhà cổ Ông Kiệt nhưng 
nằm trong khuôn viên rộng trên 2 ha, bao quanh nhà là vườn cây cảnh và  cây ăn trái đa chủng loại đặc sản của địa phương. Nhà có nét kiến trúc kết hợp hài hòa Á - Âu, được cất trên nền cao 0,5 m so với mặt đất, vì vậy vào mùa nước lũ nhà không thể ngập.  Đặc biệt trong nhà có rất nhiều cổ vật.

xXx

Làng cổ Đông Hòa Hiệp bây giờ là di tích cấp quốc gia, thu hút nhiều du khách, được sự quan tâm của xã hội. Vậy là mừng cho quê ngoại của tui quá.

Ấy nhưng mà có chút kỳ kỳ. Đó là ở cái danh hiệu này đây:


Nông thôn mới thì tạm hiểu rồi, còn Nông thôn mới nâng cao là sao ta?

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét