Trong số đó, chắc không ít người đã lên đến tận đỉnh núi để chiêm bái tượng Chúa. Và hơn thế nữa, chui vào lòng tượng để theo những bậc thang lên đến tận cánh tay của Chúa.
Dạo đó, cách nay cũng hơn mười năm rồi, tui thất bại, thất vọng (hông có thất tình), thất tha thất thểu đi lang thang trên con đường ven biển ở Bãi Sau Vũng Tàu giữa trưa nắng chang chang.
Dù chất liệu xây dựng là bê tông cốt thép, bên ngoài tô đá rửa, nhưng các chi tiết như tư thế tượng, nét mặt, trang phục ... đều được thể hiện một cách mềm mại, sinh động, giàu thẩm mỹ. Tượng cao 32 m, toạ lạc trên độ cao 170 m nhìn ra biển. Tượng có sải tay dài 18,4 m, hai bàn tay tượng dài 2,2 m, ngón giữa dài 1,1 m có 9 tia hào quang làm bằng kim loại vừa trang trí vừa có tác dụng thu lôi.
Tượng Chúa đặt trên một bệ bê tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10 m, dài 12 m, thực chất là một gian phòng với bốn mặt bên ngoài trang trí phù điêu. Mặt trước là bức "Bữa tiệc ly" phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của Leonard de Vinci; mặt sau là bức "Đức Chúa trao chìa khóa cho Phêrô".
Hai mặt bên là các bức "Chúa đứng trước toà án Philato" và "Ba đạo sĩ từ phương Đông đến bái lạy Chúa Hài Đồng"
Có một tượng Chúa giang tay khác, nổi tiếng thế giới, đó là tượng chúa Jesus ở Rio de Janerio (Brazil). Tượng có hình dạng Chúa giang tay, đứng trên đỉnh núi Corcovado nhìn ra biển, tương tự như tượng Chúa Jesus ở Vũng Tàu. Giới truyền thông cho rằng đây là bức tượng Đức Chúa Trời cao nhất thế giới. Tượng cao 30 met, đặt trên bệ cao 8 met.
Kỳ thật, như vậy tượng Chúa ở Vũng Tàu (cao 32 met) cao hơn tượng Chúa ở Rio de Janerio (cao 30 met)! Tại sao tượng Chúa ở Việt Nam không được công nhận là cao nhất thế giới? Có lẽ tại vị trí đặt tượng. Vị trí đặt tượng của Brasil ở đỉnh Corcovado cao 710 met so với mặt nước biển, còn tượng Chúa ở Vũng Tàu đặt trên núi Tao Phùng chỉ ở độ cao 170 met so với mặt nước biển.
Tượng Chúa giang tay ở Rio de Janeiro
Từ chân núi, tui leo 811 bậc thang để đến chân tượng Chúa. Từ đây, tui tiếp tục leo thêm 133 bậc cầu thang xoắn ốc bên trong tượng, cao 32 m chạy từ bệ lên cổ tượng và bước ra bờ vai tượng để ngắm biển Vũng Tàu từ trên cao.
Như đã nói, tui tới đây lúc đang buồn bã, thất... đủ thứ, lại thêm quá đuối khi leo gần cả ngàn bậc thang, nên gương mặt khi đứng ở cánh tay tượng ngó có vẻ... thất thần!
Thế nhưng...
Tui lên đến đỉnh Tao Phùng giữa nắng trưa gay gắt, chiêm ngưỡng tượng Chúa, rồi lên những bậc thang để đến cánh tay Người, nghe mát rượi giữa gió biển lồng lộng trên độ cao 200 met…
Bỗng nhiên tui nghe lòng mình thanh thản, bao buồn lo và cả giận hờn lắng xuống. Tui tự nhủ với lòng mình: Hãy sống tốt, bao dung và tha thứ!
Ảnh do Phạm Hoài Nhân, Phạm Tường Nhân chụp năm 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét