11 thg 6, 2024

Biệt thự cổ 6B Đường Thành, Hà Nội

Trong bài viết trước tui kể chuyện cùng gia đình đi ăn ở nhà hàng Chả Cá Thăng Long, vô tình phát hiện ra đây là một ngôi biệt thự cổ và được bảo tồn tương đối tốt.

Tò mò, về nhà tui tìm hiểu thêm về ngôi biệt thự này và biết thêm một số thông tin thú vị, xin ghi lại tại đây. Hầu hết thông tin này đều ghi theo loạt bài viết Níu giữ "chứng nhân lịch sử" trong biệt thự cổ Hà Nội của tác giả Vân Quế trên báo An ninh Thủ đô từ ngày 7 đến 11/8/2020.

Biệt thự 6B Phố Đường Thành – tức Nhà hàng Chả Cá Thăng Long, Hà Nội. Ảnh trên trang Michelin Guide. Nhà hàng Chả Cá Thăng Long là 1 trong những nhà hàng được gắn nhãn Michelin Guide ở Việt Nam.

Nghe người ta kể rằng tòa nhà số 6B phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vốn là dinh thự của một vị quan lớn thời xưa, tuy nhiên đó là ai thì tui vẫn chưa tìm biết được. Chỉ biết rằng sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản thì ngôi nhà này đã được phân cho một lãnh đạo cao cấp của Đảng là ông Hoàng Tùng (1920–2010), nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật, Đại biểu Quốc hội nước CHXHCNVN các khóa III, IV, V, VI, VII. Ông Hoàng Tùng cư ngụ ở đây cho đến khi qua đời năm 2010.

Chủ nhân hiện tại của biệt thự 6B Đường Thành là bà Nguyễn thị Bích Hợp, sang nhượng từ năm 2017. Hiện nay, biệt thự 6B Đường Thành được sử dụng làm nhà hàng Chả Cá Thăng Long. Tuy nhiên, không phải thương hiệu Chả Cá Thăng Long có từ năm 2017 mà đây là thương hiệu nổi tiếng hơn 30 năm qua, trước đây không phải ở 6B Đường Thành.

Cổng vào biệt thự 6B Đường Thành. Ảnh Phạm Hoài Nhân

Trước khi bà Bích Hợp sang nhượng lại thì ngôi biệt thự này cũng từng được làm nhà hàng, nhưng không phải chả cá. Nhà hàng có tên là Mộc quán, chuyên bán các món ăn dân dã như: lẩu cua đồng Hải Dương, bê thui Quảng Nam…

Gia đình bà Bích Hợp mua lại ngôi nhà này từ gia đình ông Hoàng Tùng năm 2017. Bắt đầu sửa chữa năm 2018. Hoàn thành năm 2020.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh – người tư vấn thiết kế cải tạo ngôi nhà 6B Đường Thành – kể lại: 

“Có lần đi café với tôi, tôi bảo Huy - con trai út bà Bích Hợp, nhà đẹp lắm, đừng phá đi xây mới. Rồi gia đình thống nhất bảo tồn, phục chế lại nguyên trạng căn biệt thự. Ở trường hợp này, kiến trúc sư như tôi chỉ làm bà đỡ, không nên sáng tạo. Văn hóa đấy! Cảnh quan đấy! Chỉ cần giữ nguyên mà thôi!”.

Phóng viên Vân Quế của báo An ninh Thủ đô đã tìm gặp anh Trịnh Xuân Huy để tìm hiểu về quá trình tu sửa ngôi nhà và kể lại như sau:

Ngõ trúc vào biệt thự 6B Đường Thành. Ảnh Facebook Chả cá Thăng Long

“Ngôi nhà 6B Đường Thành tuy nằm sâu trong lòng phố nhưng có một ngõ nhỏ thông ra phía mặt đường. Ngôi nhà được thiết kế hai tầng với một khoảng sân rộng phía trước và phía sau. Anh Trịnh Xuân Huy kể, để có thể tu bổ ngôi nhà theo đúng nguyên bản, anh Huy phải thuyết phục bố mẹ và các anh chị em trong gia đình một thời gian đủ lâu, bởi lẽ, chưa tính chuyện cả căn biệt thự, riêng tiền sửa chữa thôi đã là một khoản quá lớn rồi.

Dẫn tôi đi vòng quanh nhà, anh Huy nói về từng bậc cầu thang, từng tay nắm cửa, chiếc quạt trần... Ví như cái lan can cầu thang bằng đồng kia, để làm được phải thuê thợ làm cầu thang bằng gỗ, tỷ lệ 1/1 rồi mới đúc đồng. Toàn bộ lan can từ cầu thang ra đến ngoài ban công tầng 2 là hết hơn 400kg đồng, giá thành khi đó là 1,2 triệu/kg. Anh Huy bảo, mọi thứ đều làm theo đúng như cũ, không sai một chút nào. Ngay cả vết đạn bắn trên hoa sắt ở cửa ra vào cũng giữ nguyên, đó cũng là một dấu ấn lịch sử cho ngôi nhà. 

Hôm tôi đến cũng là lúc nhà anh Huy vừa mở hàng trở lại sau đợt giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, khách đến cũng chưa thể gọi là đông. Anh Trịnh Xuân Huy cười bảo, thôi thế cũng là tạm ổn. Dịch giã, cứ túc tắc thế này là được rồi, chứ bình thường, nhà anh Huy đón khoảng vài trăm khách du lịch châu Âu/ngày, chưa kể khách đoàn khác”.

Nội thất biệt thự 6B Đường Thành. Ảnh: An ninh Thủ đô

Cầu thang bằng đồng đúc được làm theo nguyên bản. Ảnh: An ninh Thủ đô


Song sắt với vết đạn bắn từ thời Pháp vẫn được chủ nhân giữ lại. Ảnh: An ninh Thủ đô

Không biết tiền mua lại ngôi biệt thự là bao nhiêu, nhưng chắc chắn là con số rất lớn. Riêng tiền tu sửa ngôi biệt thự thì theo chủ nhân cho biết đã là 20 tỷ đồng, thời điểm 2020.

Hà Nội có nhiều ngôi biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp, trong đó đa số đã xuống cấp trầm trọng, nhất là những biệt thự được phân cho hàng chục hộ cùng cư ngụ, kiểu như nhà tập thể. Biệt thự số 6B Đường Thành được xếp hạng di tích và được thành phố đưa vào danh sách những công trình cần bảo tồn từ năm 2010. Điều may mắn hơn nữa cho ngôi biệt thự này là chủ nhân hiện nay của nó có điều kiện tài chánh và có tâm bảo tồn di tích.

Là tư gia chớ không phải công trình công cộng, nên muốn tham quan di tích này bạn phải có quen biết với gia chủ, còn không thì bạn cũng có thể đến thăm bằng cách… vô nhà hàng ăn chả cá!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét