Vì miền Nam phát âm ít và ích giống nhau nên khi viết có người viết là bánh ít, có người viết là bánh ích. Hai cách viết này đều được xem là đúng, nhưng tên gọi bánh ít được dùng nhiều hơn (có thể dùng Google để kiểm chứng điều này).
Về tên gọi bánh ít, có câu ca dao sau:
Bánh cả mâm, sao em kêu rằng bánh ít?
Trầu cả chợ, sao em gọi là trầu không?
Một lý giải về tên bánh là bánh ích, do nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Nhật Quang nêu ra như sau: Tên gọi đúng của bánh là bánh ích, dựa trên hình dáng của nó. Bánh có hình tam giác, theo Hán tự là hình chữ Ích (益).
Trong kinh dịch, 1 trong 64 quẻ dịch là “Phong lôi ích” hay còn gọi tắt là quẻ ích (phong là gió, lôi là sấm, có gió có sấm là sẽ có mưa xuống, là điềm tốt, có ích). Ích có nghĩa là thêm được lợi, vươn lên suôn sẻ, là tăng lên, làm tốt cho nhau.
Hình dáng bánh như hình tam giác mang hình ảnh rất đặc sắc của dân khai khẩn, đó là hình lều trại.
Thuở khai hoang của cư dân Việt thế kỷ 16, 17, miền Nam rất hoang vu, lưu dân vùng Ngũ quảng đến phương Nam phải dựng lều trại để nương thân, lập nghiệp. Mép gấp của bánh tượng trưng cánh cửa của lều. Người miền Nam khi gói bánh ích còn gấp đỉnh đầu xuống một chút, có nơi gọi là bánh nóc chùa. Điều này mô tả thời khai khẩn, người ta phải nương náu cùng nhau trong những đền chùa.
Ông Hồ Nhật Quang cắt nghĩa bánh ích miền Nam. Hình Phương Nguyệt trên VOH online
Tui nghe mà lùng bùng lỗ tai và... không tin chút nào. Tui không nghĩ rằng người dân quê đặt tên món bánh dân dã của mình từ những ý tưởng cao siêu như vậy, mà có lẽ nhà nghiên cứu đã từ tên ít suy ra ích rồi tiếp tục suy diễn thêm những điều ông muốn nói.
Dù không tin, nhưng tui cũng đăng lại đây để mọi người cùng tham khảo, biết đâu tui nghĩ sai!
Một giải thích khác cho rằng tên bánh đúng là bánh ếch, vì có hình dáng giống con ếch. Tui cũng cho rằng giải thích này chỉ là... tưởng tượng chơi cho vui thôi chớ không có cơ sở.
Một giải thích khác rất... huyền sử, rằng bánh ít do nàng công chúa Út của vua Hùng Vương thứ 6 tạo ra. Sự tích kể rằng sau khi chàng Lang Liêu sáng chế ra món bánh dày bánh chưng thì nàng con gái út của vua Hùng Vương thứ 6 nảy ra ý định tạo một loại bánh mới có mùi vị giống 2 loại bánh trên nhưng nhỏ hơn để tỏ sự khiêm nhường của nàng Út. Người ta gọi bánh này là Bánh nàng Út Ít. Lâu ngày gọi tắt thành bánh ít.
Không biết có ai tin không, chớ tui cho rằng giải thích này là... tầm phào và không có cơ sở.
Anh Khiếu văn Chí dẫn ra lời giải thích khá đơn giản như sau: Bánh ít là món bánh của người Chăm, tiếng Chăm là "Tapei Baik", người Việt làm rớt hết chỉ còn âm cuối "ik".
Theo tui, cách giải thích này tuy đơn giản nhưng hợp lý và có cơ sở nhất. Đúng hay sai thì không chắc, và tùy quan điểm của mỗi người. Vấn đề xin để mở ở đây.
Một thông tin mới nhất và có liên quan đến bánh ít là: Mới đây trang tin ẩm thực nổi tiếng thế giới TasteAtlas vừa công bố danh sách 44 Worst Rated Vietnamese Foods (44 món ăn được đánh giá tệ nhất của Việt Nam). Đứng đầu danh sách chính là món bánh ít thân thuộc của chúng ta! Bánh ít được cho điểm thấp nhất, với 2,7 sao.
Danh sách bình chọn này được công bố dựa trên 6,039 phiếu bình chọn được ghi nhận, trong đó có 3,737 phiếu hợp lệ tính đến ngày 19/6/2024.
Cần nói thêm là danh sách này không phải là bình chọn món ăn dở nhất mà là chấm điểm các món ăn ngon nhất Việt Nam, sau đó đọc ngược từ dưới trở lên để nêu ra các món được bình chọn thấp nhất.
Điều cần nói thêm thứ hai là bình chọn này là của độc giả quốc tế chớ không chỉ của riêng Việt Nam, do đó khẩu vị của họ không hạp với món bánh ít cũng là chuyện thường thôi.
Điều cần nói thêm thứ ba là bình chọn này từ một số độc giả không hẳn là tiêu biểu, trong khoảng thời gian ngắn. Do đó không hề được xem là kết luận chính thức về chất lượng các món ăn.
Tóm lại là tham khảo cho vui thôi chớ không có lăn tăn gì hết.
Trong danh sách 44 món ăn Việt dở nhất này còn có những món mà theo tui là... rất ngon, như: cá kho tộ, bún mắm, cơm lam... Tui sẽ liệt kê các món này trong một bài khác, nghen?
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét