4 thg 10, 2024

Miễu Ông Cù - Đình thần Bưng Cù, những dòng ghi chép

Mặc dù là một ngôi đình cổ lâu năm được nhân dân tôn kính, một địa điểm được nhiều người biết tới, lại tọa lạc trên khuôn viên khá rộng (6.261,5 m²) nhưng kiến trúc của Đình thần Bưng Cù/Miễu Ông Cù lại khá đơn sơ và hầu như không có nét cổ kính so với các ngôi đình cùng thời.


Điều này có thể được lý giải phần nào khi ta tìm hiểu về lịch sử ngôi đình/miễu này.

Theo ghi nhận, đình thần Bưng Cù được xây dựng khoảng năm 1850 và được vua Tự Đức phong sắc thần năm 1852.


Lễ Kỳ Yên năm 1945 diễn ra khi Thực dân Pháp trở mặt chiếm lại Miền Nam, ông Nguyễn Văn Ngang – Tổng ủy viên quân sự đã lên sân khấu xin dừng chương trình hát cúng đình, kêu gọi nhân dân không đi lính, không tiếp tế, không dẫn đường cho Pháp. Sau đó, ông cùng Ban quý tế thắp hương xin thần đốt đình để đình không rơi vào tay thực dân Pháp, quyết tâm hưởng ứng lệnh tiêu thổ kháng chiến của chính phủ.

Như vậy, sau gần trăm năm tồn tại, đến 1945 đình Bưng Cù đã hoàn toàn bị thiêu hủy.

Mãi đến 1954, dưới thời VNCH đình mới được xây dựng lại bằng gỗ, lợp thiếc. Tuy nhiên, thời kỳ này khu vực đình Bưng Cù được du kích ba xã Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Bình Chuẩn đào hầm trú ẩn và hoạt động. Tình hình mất an ninh khiến người dân e ngại không dám ra đình.


Bình phong trước đình, chữ ghi trên đó cho thấy bình phong được tạo năm 1972.

Sau năm 1975, một thời gian dài đình Bưng Cù vẫn nằm trong tình trạng hoang tàn vì dân còn xiêu tán, đời sống dân làng còn nhiều khổ cực. Đó là cách nói của ngày nay, tuy đúng nhưng chưa đủ. Những ai sống ở đây từ 1975 đến đầu thập niên 1990 đều biết rằng khi ấy dưới quan điểm của chính quyền cách mạng, đình chùa miếu mạo đều là những cơ sở mê tín. Chưa đập bỏ là còn may chớ nói gì đến việc trùng tu hay bảo tồn.

Mãi tới năm 1995, ông Lương Văn Gọn, ông Phan Văn Đồi đứng ra kêu gọi bà con cùng chung tay xây lại đình xưa.

Những chi tiết lịch sử nêu trên cho thấy ngôi đình ngày nay về cơ bản mới được xây nên từ 1995 dưới sự góp công sức của người dân, nên không có nét cổ kính và về kiến trúc cũng không có quy mô lớn, hoành tráng.

Hiện tại, đình khá khang trang với đầy đủ các hạng mục thiết yếu. Sân đình và các hạng mục được láng xi măng hoặc gạch nung, được lợp mái tôn thoáng mát. Xung quanh đình có Đông Lang, Tây Lang rộng rãi, có vườn cây dầu bao quanh. Trong khuôn viên đình còn có đền thờ Hùng Vương.





Chánh điện đình thần Bưng Cù

Khu nhà bia Tổ Quốc ghi công, xây dựng năm 2013

Nhà túc Tây Lang

Đền thờ Hùng Vương

Bên phải là khu đền thờ, xây dựng năm 2015. Nơi đây đặt án thờ của các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Âu Cơ Thánh Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ.


Bàn thờ tiền hiền

Bàn thờ hậu hiền

Thiên Hậu Thánh Mẫu

Bà Chúa Xứ

Ngũ hành Nương Nương

Tổ Mẫu Âu Cơ

Đặc biệt, vùng Tân Khánh là nơi hình thành và phát triển môn võ cổ truyền Tân Khánh - Bà Trà, do đó đình thần Bưng Cù (tức đình Tân Phước Khánh) có án thờ tổ nghề của môn võ.



Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 3/2/2021. Đây là môn võ thứ 2 được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia, sau võ Bình Định (được công nhận năm 2012).


Vậy là trong ngôi đình là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh có một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét