10 thg 1, 2025

Hai vị vương thời Lý trong ngôi đình cổ phương Nam

Đình Thông Tây Hội ở Gò Vấp là ngôi đình cổ nhất ở TPHCM. Đình được xây dựng từ năm 1679, tức 19 năm trước khi thiết lập nền hành chánh Sài Gòn (Phiên Trấn, 1698). Đọc tới đây lại liên tưởng tới Thất phủ cổ miếu (tức chùa Ông), ngôi miếu của người Hoa cổ nhất ở Biên Hòa được xây dựng năm 1684, tức 14 năm trước khi thiết lập nền hành chánh Biên Hòa (Trấn Biên, 1698). Trước khi triều đình thiết lập sự quản lý hành chánh, người dân đã tự tổ chức lấy cho mình, nơi là người Việt, nơi là người Hoa.


TP Hồ Chí Minh hiện còn khoảng 300 ngôi đình, trong số đó có 10 ngôi đình được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Là ngôi đình cổ nhất và có kiến trúc đặc sắc, đình Thông Tây Hội được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia từ năm 1998.


Đây là thông tin giới thiệu về đình thần Thông Tây Hội. Phần ảnh minh họa do tui chụp tháng 12/2024.



Đình thần Thông Tây Hội do những người di dân quê gốc Nghệ An xây dựng từ năm 1679. Đến năm 1883, Đình thần Thông Tây Hội mới xây dựng theo kiến trúc như hiện nay.


Bình phong trước đình

Đình thần Thông Tây Hội thờ Thành Hoàng là hai vị thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ (974- 1028). Đình có 3 thành phần chính là Võ ca, Chánh điện và Hội sở. Trong đó, Chánh điện là "điểm nhấn" kiến trúc của đình được tạo nên bởi hai nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc". Trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh, đúng theo kiểu truyền thống ở các ngôi đình, chùa.


Chánh điện

Đình Thông Tây Hội là ngôi đình có cấu trúc thuộc dạng đình cổ ở miền Nam thế kỷ 19, hiện vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ. Đình quay về hướng Đông, cống đình xây theo kiểu tam quan, sân rộng. Mặt bằng kiến trúc của đình tạo thành hai trục song song với nhau: một trục dài (trục chính) gồm võ ca, chánh điện; một trục ngắn (trục phụ): nhà hội sở.

Phía trước chánh điện là nhà võ ca, ngang 14 m, sâu 17,5 m, cao 4m, gồm 7 nếp nhà và 52 cột gỗ. Chánh điện gồm 2 nếp nhà ghép trùng nhau theo kiểu "trùng thiềm điệp ốc". Mái của hai nếp nhà cạnh sát nhau, có 48 cột, chia thành 8 dây cột, mỗi dãy có 6 cột. Bốn cột giữa cao nhất là 4,5 m, có đường kính là 30 cm (thường được gọi là "tử tượng") là nơi quan trọng nhất, linh thiêng nhất - nơi đặt bàn thờ thần.



Nhà hội sở là văn phòng ban trị sự, nơi tiếp khách và chuẩn bị tế lê, kích thước ngang 12 m, dài 19 m, cao 4,2 m; có 56 cột, chân cột kê đá xanh, có 3 nếp nhà "trùng thiềm điệp ốc"; có vách ván ngăn phòng làm việc với nhà kho. Ban quản lý Đình có 13 thành viên, do ông Nguyễn Văn Tỷ làm Trưởng ban quản lý Đình.

Trong di tích đình Thông Tây Hội còn giữ 37 hiện vật quí, là các tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng, không bị phết lên những lớp son mới như một số ngôi đình khác thường làm.

Nhà hội sở

Bên ngoài chánh điện và nhà hội sở còn có các kiến trúc  thờ cúng khác như miếu Bà Chúa Xứ, miếu Ngũ Hành...


Miếu Bà Chúa Xứ

Miếu Ngũ Hành

Điểm đặc biệt ờ đình thần Thông Tây Hội là hai vị thần được thờ chính tại đây, đó là Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ. Hầu hết thần thành hoàng của các ngôi đình làng Nam bộ đều hoặc là các bậc tiền nhân có công lớn trong thời mở cõi ở phương Nam (thế kỷ 17 trở về sau) hoặc các hình tượng thần thoại. Thế nhưng thành hoàng ở đình thần Thông Tây Hội lại là 2 vị vương thất sống từ thế kỷ 11, khi ấy đất nước ta chưa hề có vùng đất phương Nam này.

Điều này được lý giải do đình thần Thông Tây Hội là ngôi đình cổ xưa, được tạo dựng nên khi lưu dân Nghệ An mới vào đất phương Nam (khi đó còn chưa có chính quyền hay nền hành chánh nơi đây nữa kia mà). Do đó họ mang theo hình tượng vị thần mà họ đã thờ kính từ làng quê ngoài phương Bắc, chớ còn nơi đây... chưa có ai để thờ!

Ngay tiểu sử của Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương trong chính sử cũng có nét gợn. 2 ngài là con vua Lý Thái Tổ và từng có công lớn trong việc dẹp giặc phương Bắc giữ yên bờ cõi. Thế nhưng khi vua Thái Tổ băng hà và truyền ngôi cho thái tử Khai Thiên Vương (vua Lý Thái Tông) thì 2 ngài không phục và cùng với chú là Vũ Đức Vương nổi loạn. Vụ nổi loạn này thất bại, Vũ Đức Vương bị giết chết, Dực Thánh vương và Đông Chinh vương chạy trốn. Sử gọi đây là loạn tam vương.

Có một tài liệu nói rằng do hành động làm chính biến của Dực Thánh vương và Đông Chinh vương nên đình Thông Tây Hội không tổ chức lễ kỳ yên lẫn hát chầu (Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý, Lễ hội Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, trang 1066-1067). Không biết điều này xảy ra bao giờ và các tác giả căn cứ vào đâu để viết, chớ hiện nay đình Thông Tây Hội vẫn diễn ra lễ kỳ yên hàng năm.

Từ việc đình thần Thông Tây Hội thờ 2 vị vương triều Lý, tui có dịp tiếp cận một tình huống lý thú. Ở trước chánh điện có 2 tượng ngựa như sau:



Thoáng nhìn dễ liên tưởng tới ngựa Xích thố của Quan Công, thế nhưng khi hỏi một vị trong ban quản lý đình về xuất xứ cặp ngựa thì ông gạt phăng đi: Không có Quan Công nào hết. Đây là nơi thờ 2 vị vương của Việt Nam, ngựa dành cho 2 ngài cỡi, không ai khác được chen vô. Ngay cả việc thờ chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây chúng tôi cũng không chấp nhận!

Tới đây tui mới để ý tới chi tiết, khác với hầu hết các ngôi đình khác mà tui đã có dịp ghé qua, ngôi nào cũng có tượng Hồ Chủ tịch - hoặc tối thiểu là ảnh - được bài trí thờ cùng các vị thánh thần, nơi đây tuyệt nhiên không thấy bóng dáng cụ Hồ đâu cả. Âu cũng là điều đặc sắc!

Dù là ngôi đình cổ nhất phương Nam, là di tích cấp quốc gia, đình Thông Tây Hội đã có thời gian xuống cấp trầm trọng, hoang tàn. Đình chỉ mới vừa được cấp kinh phí nâng cấp sửa chữa, khánh thành nhà hội sở ngày 28/8/2019.

Nằm ngay trục đường chính, nhưng khung cảnh đình Thông Tây Hội khá yên ả, tĩnh mịch với khoảng sân rộng và hàng cây cao. Nhiều người dân Sài Gòn, kể cả dân Gò Vấp nhiều lần đi ngang đây mà không hề quan tâm rằng đây là di tích quốc gia, là ngôi đình cổ nhất phương Nam.


Gọi đây là một chốn trang nghiêm cũng được, mà gọi là nơi... buồn vắng cũng được!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét