19 thg 8, 2017

Tam Tông Miếu - Long đong số phận một ngôi chùa

Nghe 3 chữ "Tam Tông Miếu" mọi người (ở miền Nam) đều nghĩ ngay đến một loại lịch dùng để xem ngày tốt xấu. Một số ít người khác biết thêm rằng đây là tên một ngôi chùa ở đường Cao Thắng, Sài Gòn, nơi biên soạn và phát hành những bộ lịch này (trước 1975).

Ấy, xin dừng lại một chút ở cái tên Chùa Tam Tông Miếu. Đã "chùa" sao lại còn "miếu"? Bạn có thấy kỳ không?

Nói thiệt, cho tới gần đây, tui vẫn nghĩ Tam Tông Miếu là một ngôi chùa, tức là nơi thờ Phật. Nhưng đi tới nơi rồi, tìm hiểu thêm thì mới biết không phải. Tam Tông Miếu đâu phải là ngôi chùa Phật giáo! Vậy Tam Tông Miếu là gì?

Tam Tông Miếu là cơ sở tín ngưỡng của Minh Lý đạo, và tên chính thức Minh Lý đạo gọi nơi đây là: Thánh Sở Tam Tông Miếu.


Thánh sở Tam Tông Miếu, tại 82 Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn

Sự hình thành Minh Lý đạo

Minh Lý Đạo hay Đạo Minh Lý, nói tắt là Minh Lý, là một chi trong Ngũ Chi Minh Đạo, gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân. Tuy nhiên, trong ngũ chi này hiện nay dường như chỉ còn Minh Lý tồn tại độc lập (?).

Bắt nguồn từ đầu những năm 1920, ông Âu Kiệt Lâm (1896 - 1941), người gốc Minh Hương, cùng một số thân hữu vốn là trí thức, công chức đã tập trung và cùng nghiên cứu, tìm hiểu về giáo lý của tam giáo: Thích – Lão – Nho, mua sách từ Pháp nghiên cứu về nhân điện. Đến năm 1924, những người đó đã giác ngộ chơn lý của đạo và sáng lập tôn giáo lấy tên là Minh Lý đạo.


Đêm 27/11 Giáp Tý (23/12/1924) (thuộc tháng Bính Tý, ngày Bính Tý, giờ Mậu Tý), Minh Lý Đạo Khai Minh tại Thiên Bàn nhà Ngài Âu Minh Chánh.

Trong tên Minh Lý Đạo, Minh có nghĩa là thông hiểu nhận biết rõ ràng, Lý là lẽ phải tuyệt đối. Minh Lý là thông hiểu đến sự tuyệt đối đạt tới lẽ phải mà thành đạo.


Sáu vị chức sắc khai đạo Minh Lý gồm có ông Âu Kiệt Lâm (pháp danh Minh Chánh), ông Nguyễn Văn Xưng (Minh Giáo), ông Nguyễn Văn Đề (Minh Đạo), ông Lê Văn Ngọc (Minh Truyền), ông Nguyễn Văn Miết (Minh Thiện), ông Võ Văn Thạnh (Minh Trực). Trong 6 vị này, sau ngài Âu Minh Chánh (chủ trì từ đầu đến 1938) thì ngài Minh Thiện (chủ trì từ 1938 đến khi quy tiên năm 1972) là người góp công sức lớn nhất cho việc phát triển Minh Lý đạo.

Xây dựng Tam Tông Miếu

Sau khi khai đạo cuối năm 1924, Minh Lý đạo chưa có nơi để tụ tập lễ bái, tu học... Chư vị sau đó được trụ trì Linh Sơn Tự (đường Cô Giang) cho mượn chùa làm nơi lễ bái, tụng kinh. Cũng chính do mượn chùa, các đạo hữu phải tránh các ngày rằm và mùng Một – nhường cho gia chủ – nên lệ cúng hằng tháng vào các ngày 14 và 30 âm lịch còn giữ đến nay.

Nhờ ông bà Trần Kim Ký hiến đất vùng Bàn Cờ (lúc ấy trước chùa chỉ là một con hẻm đất, sau mới mở thành đường Cao Thắng) cùng một số vị khác giúp một phần tài chánh, ngày 10/8/1926 ngôi chùa của Minh Lý đạo đặt viên đá đầu tiên. Cuối tháng 1/1927 việc xây dựng hoàn tất. Ngày 2/2/1927 khai buổi cúng đầu tại chùa mới.


Tượng ghi ơn ông bà Trần Kim Ký

Tam Tông Miếu năm 1927

Theo tư liệu của Minh Lý đạo, khi chuẩn bị xây dựng, Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng đàn ban đạo hiệu chùa là Tam Tông Miếu. Trong đó:


Tam: là Tam thể đồng nhứt; Tam giáo đồng nguyên.

Tông: là thừa kế, tiếp nghiệp của Tổ truyền.

Miếu: là tòa ngự của các Đấng Thiêng Liêng tại thế.

Ngôi Tam Tông Miếu có dáng như ngày nay được trùng tu năm 1957..

Một số đặc điểm của Minh Lý đạo

Minh Lý đạo có một số điểm tương đồng với đạo Cao Đài, tuy nhiên không phải Minh Lý đạo chịu ảnh hưởng của Cao Đài (dù rằng xét về quy mô số tín đồ Minh Lý đạo nhỏ hơn rất nhiều so với Cao Đài), mà ngược lại. Minh Lý khai đạo năm 1924, còn Cao Đài khai đạo năm 1926. Ngũ Chi Minh Đạo, trong đó có Minh Lý, có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển của đạo Cao Đài.

Những điểm tương đồng giữa Minh Lý đạo và đạo Cao Đài là:
  • Cùng hình thành vào khoảng giữa thập niên 1920, do những vị khai đạo là trí thức, công chức (cho chính quyền Pháp).
  • Kinh sách, các lời dạy của Đạo được Ơn trên (các đấng thiêng liêng) ban cho bằng cách giáng cơ (cơ bút, cầu cơ - Minh Lý đạo phân biệt khá kỹ các dạng cầu huyền cơ, đại ngọc cơ, xin phép không ghi lại đây).
  • Minh Lý đạo chủ trương Tam giáo đồng nguyên (Phật - Nho - Lão), Cao Đài cũng vậy, nhưng thêm cả Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.
Kinh của Minh Lý đạo hoàn toàn dùng tiếng Việt để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Bộ kinh được chia làm 5: Kinh Bố cáo, Kinh Sám hối, Kinh Tịnh nghiệp vãn, Kinh Nhựt tụng, Kinh Giác thế. Một số bài kinh của Minh Lý đạo được đạo Cao đài sử dụng như bài Niệm hương, Bài Khai kinh, Kinh sám hối…

Không giống Phật giáo, Minh Lý đạo không thờ thánh tượng hoặc hình ảnh mà chỉ thờ bài vị. Gian chính của Tam Tông Miếu không gọi là chánh điện mà là bửu điện. Bửu điện của Minh Lý đạo là Thiên bàn có 5 cấp: Cấp thứ nhất thờ bài vị Diêu Trì Kim Mẫu; cấp thứ hai thờ bài vị Ngọc hoàng Thượng đế, Hồng quân Lão tổ; cấp thứ ba thờ Tam Giáo tổ sư (Phật Thích Ca, Thái Thượng Lão quân (Lão tử), Khổng tử); cấp thứ tư thờ Tứ đại Bồ tát (Địa tạng Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quan Âm Bồ tát); cấp thứ năm thờ 7 bài vị của Ngũ đẩu Tinh quân và chư Phật, chư Tiên.

Bửu điện Tam Tông Miếu không thờ tượng mà chỉ thờ bài vị

Đạo phục của Minh Lý đạo là: nam mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen; nữ mặc áo dài đen, quần đen (Cao Đài là áo trắng, quần trắng). Môn sanh (không gọi là tu sĩ) cũng vẫn để tóc, không cạo đầu như đạo Phật.

Đạo phục của Minh Lý đạo là áo đen, quần trắng, khăn đóng đen

Về tổ chức Minh Lý đạo: cơ quan cao nhất là Hội đồng Hội thánh, kế đó là Viện Bảo đạo lo phần tu tịnh, giữ gìn đạo pháp, đứng đầu là Tổng lý; Viện Hành đạo lo về công việc hành chính của đạo, đứng đầu là Hiệp lý.

Người đứng đầu ngôi Tam Tông miếu gọi là chủ trì (không gọi là trụ trì như Phật giáo).

Hình ảnh ở vị trí tương ứng trong thánh thất Cao Đài sẽ là Thiên Nhãn (con mắt trái)

Long đong số phận một ngôi chùa

Không như đạo Cao Đài hay Phật giáo Hòa Hảo, có đến hàng triệu tín đồ trên cả nước, Minh Lý đạo chỉ có hơn 400 môn sanh, phạm vi hoạt động chỉ ở 3 nơi là Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. HCM.

Thời gian 1941 đến 1965, Minh Lý đạo có nhiều khó khăn, các môn sanh phải tự tu học, một số đạo hữu nản lòng tu hành. Tuy vậy, một số vị trung kiên đã quyết chí tu hành ở lại chùa lo đạo, duy trì cúng lễ và trùng tu Tam Tông miếu. Thời gian này, ông Nguyễn Minh Thiện đã phế bỏ việc đời để chuyên tâm dẫn dắt mối đạo.Từ năm 1965 đến năm 1975, đây là thời kỳ Minh Lý đạo hoàn thiện về tổ chức, hình thành Hội thánh và hoàn chỉnh bộ kinh “Minh Lý chơn giải” để bổ túc cho cuốn “Minh Lý học thuyết”.


Cơ sở tu tập của Minh Lý đạo hiện nay chỉ có ở 2 nơi: phần học Công truyền ở tại Thánh sở Tam Tông miếu (82 Cao Thắng, quận 3, TPHCM), phần học Tâm pháp giảng và tu tại Bác Nhã Tịnh đường (Long Hải, Bà Rịa - Vũng Tàu). Một cơ sở mới đang được xúc tiến xây dựng ở Long An.


Tam Tông Miếu, năm 2017

Có lẽ nếu không có bộ lịch Tam Tông Miếu rất nổi tiếng thì chẳng mấy người biết đến ngôi chùa Tam Tông Miếu, và có biết đến chùa Tam Tông Miếu rồi thì cũng chưa chắc biết đến Minh Lý đạo! (giống như tui vậy).

Có một chi tiết nhỏ cần kể thêm. Vì ngài Minh Thiện không có con nên người em gái của ngài là bà Toàn Lạc mới đưa một cô con gái làm con nuôi. Cô này tên Nguyễn thị Kim Tuyết (còn gọi là Châu), sau này là phu nhân trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, nguyên tư lịnh quân đoàn 4 VNCH. Cả bà Kim Tuyết lẫn trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đều là môn sanh Minh Lý đạo. Có lẽ điều này ít nhiều cũng có tác động tốt đến vị thế của Tam Tông Miếu thời kỳ trước 1975.

Sau tháng 4/1975, các hoạt động tôn giáo bị hạn chế nhiều, riêng Minh Lý đạo không hề được công nhận như một tôn giáo. Mãi đến năm 2008 - tức là 33 năm sau - Ban Tôn giáo Chính phú mới chính thức thừa nhận Minh Lý đạo là một tôn giáo độc lập.

Bàn ghế nơi tụng kinh ở Tam Tông Miếu, ít và đơn giản

Tui thắc mắc, hỏi vị môn sanh Minh Lý đạo ở Tam Tông Miếu: Trong hơn 30 năm ấy, với số lượng môn sanh ít ỏi chỉ hơn 400 người, lại không được công nhận chính thức thì các vị làm sao duy trì được việc tu tập, làm sao duy trì được tín ngưỡng của mình?

Vị này trả lời: Nhà nước không công nhận, nhưng cũng không phải là cấm hẳn. Vì thế các môn sanh vẫn đến chùa tụng kinh, tu tập, có mối liên hệ với các tôn giáo bạn (như Cao Đài) để duy trì đạo giáo. Chỉ có các hoạt động xã hội, như in ấn sách lịch Tam Tông Miếu, các hoạt động cứu trợ xã hội... thì không có danh nghĩa chính thức để làm thôi.

Tui được biết đến Minh Lý đạo rất muộn màng, thông qua việc viếng thăm Tam Tông Miếu và thỉnh được một số sách ấn tống. Mạo muội tóm tắt và kể lại chuyện nơi đây, nếu có gì sai sót mong các vị góp ý và bỏ qua dùm.

Phạm Hoài Nhân

13 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Minh Lý Đạo và Cao Đài giáo có liên hệ như thế nào? Tôi xin gởi đến tác giả Phạm Hoài Nhân bài viết của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, lãnh đạo tối cao của Đạo Cao Đài gởi ông chủ nhiệm nhựt báo La Vérité, Nam Vang.

    “ Kính ông Chủ nhiệm,

    Hội Thánh Cao Đài và tôi, chúng tôi cảm động sâu xa về cảm tình cao cả của quí báo đối với tôn giáo của chúng tôi. Chúng tôi đã đọc bài phóng sự của quí báo với sự thích thú. Hơn nữa, đây là cơ quan duy nhứt đã binh vực một cách dũng cảm quyền lợi của chúng tôi từ lúc khởi đầu. Chúng tôi có thể nói rằng, quí báo là bạn thân của chúng tôi.

    Bài phóng sự nầy rất hay trên mọi phương diện, chỉ trừ vài sai sót nhỏ về tài liệu khảo chứng mà chúng tôi xin quí báo vui lòng cho chúng tôi đính chánh :

    Đạo Cao Đài không xuất phát từ Minh Lý Đạo. Chúng tôi thừa nhận rằng Minh Lý Đạo được thành lập trước chúng tôi, nhưng khác biệt với chúng tôi về phương diện thần bí và triết lý.

    Người ta có thể nói rằng, Đạo Cao Đài là một tôn giáo thuần túy triết học, trong khi đó, Minh Lý Đạo là một tổ chức chỉ có thờ phượng Tam giáo Đông phương : Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo, pha lẫn chút ít thần bí thôi miên.

    Minh Lý đối với Đạo Cao Đài là một bạn thân trong sự biểu lộ về mặt xã hội, nhưng không là anh em ruột thịt.

    Chúng tôi ước mong có thể hội ngộ cùng Minh Lý Đạo trong việc thực hành điều Mỹ và Thiện mà chúng tôi đang làm nhiệm vụ truyền giáo.”

    Trả lờiXóa
  3. Còn nữa là đạo Cao Đài chủ trương Tam giáo quy nguyên. Quy nguyên nghĩa là trở về nguồn cội nó khác với chữ đồng nguyên nghĩa là cùng nguồn cội. Cao Đài giáo chúng tôi nhìn nhận Tam giáo đồng nguyên nhưng tôn chỉ là quy nguyên Tam giáo, còn Minh Lý Đạo họ chỉ nói để sự đồng nguyên mà thôi.

    Thứ nữa, Cao Đài giáo chúng tôi là một tôn giáo hoàn chỉnh có luật lệ, lễ nghi, giáo lý, triết lý, triết học cùng cơ cấu tổ chức chặt chẽ hoàn chỉnh khác Minh Lý chỉ là một tổ chức tín ngưỡng đơn thuần thờ phụng các đấng Thần linh mà thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cảm ơn những đóng góp của anh (?) Kiến Nguyên Sử giúp tôi có thêm một số hiểu biết về vấn đề này.
      Trân trọng,

      Xóa
  4. Hiện nay Minh Sư, Minh Lý, Minh Tân còn độc lập.

    Đạo Minh Sư được công nhận tư cách pháp nhân với tên gọi Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo với nhiều ngôi chùa ở rải rác tại TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng...

    Minh Lý được công nhận tư cách pháp nhân với tên gọi Minh Lý Thánh Hội.

    Minh Tân hiện nay còn tồn tại với ngôi Tam Giáo Điện Minh Tân tọa lạc tại 221, Bến Vân Đồn, phường 5, quận Tư, TP.HCM.

    Minh Thiện hiện nay chính là ngôi chùa Ông nổi tiếng ở Thủ Dầu Một - Bình Dương.

    Minh Đường thì quy hiệp Cao Đài nhưng hiện nay độc lập không chịu dưới giáo quyền của Toà Thánh Tây Ninh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin có góp ý nhỏ điều chỉnh.
      - Minh Lý xưng danh là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Minh Lý đạo. Nam phái chấp tay ấn Tý như Cao Đài, chỉ có Nữ phái vẫn chấp tay búp sen như bên Phật giáo Nhị kỳ.
      - Minh Tân đã quy sang Cao Đài từ cuối 1926 (trước Rằm tháng 10 Bính Dần; đọc Thánh Ngôn Hiệp Tuyển sẽ thấy). Sau này trở thành Giáo Hội Cao Đài Thống Nhất: với vai trò vận động thống nhất đạo Cao Đài từ 1952- 1975. Nơi đây là tiền thân của Cơ Quan phổ thông giáo lý [1965]. Tại đây, năm 1968 Huyền Cơ Cao Đài đã được thực hiện thành công (phương cách thực hiện khác hẳn Huyền cơ của Minh Lý).
      Hiện nay ngày sóc vọng vẫn cúng theo nghi lễ Cao Đài.
      - Minh Thiện, có một thời gian là Thánh thất Cao Đài (trong thập niên 60 đến sau 1975 của tk 20) có khá nhiều đàn cơ được thực hiện thành công ở Thanh An Tự - TDM.

      Xóa
    2. Xin cảm ơn những thông tin quý báu của bạn ĐỒNG TÂM.

      Xóa
  5. Nay nhân qua Cao Thắng thấy Tam Tông Miếu, lên Internet tìm hiểu, đọc bài viết và nhận xét gíup mình thêm hiểu biết thêm. Cả Phạm Hòai Nhân và Kiến Nguyên Sử đều am hiểu lịch sử. Xin cám ơn !

    Trả lờiXóa
  6. Xin phép được bổ sung thêm là bà Toàn Lạc tức là bà Bút Trà Tô Thị Thân, chủ nhiệm báo Sài Gòn mới, chính toà soạn báo này in bộ lịch Tam Tông Miếu. Còn Cô Kim Tuyết không có tên là Châu. Cô Kim Châu là em (thứ 9) của bà Kim Tuyết, chủ rạp hát Kim Châu đường Nguyễn Văn Sâm cũ. Sau 1975, Ông bà Bút Trà và cô Kim Châu đều mất và được chôn tại nghĩa trang Tam Tôn Miếu; nghĩa trang này sau bị giải toả.

    Trả lờiXóa
  7. Tam Tông Miếu - Minh Lý đạo sinh hoạt gắn bó khắn khít với Cao Đài giáo từ trước 1975.
    Minh Lý hiện giờ là một thành viên trong Tổ chức Liên giao các Hội Thánh và Tổ chức trong ĐĐTKPĐ từ 2008. Các chuyến cứu trợ miền Trung bị thiên tai trong nhiều năm qua đều có ML tham gia.
    Hiện nay ML vẫn duy trì sinh hoạt học tập Dịch lý, Thánh giáo... với các Thánh Thất CĐ thuộc Hội Thánh Truyền Giáo tại Tp. HCM và Cơ Quan phổ thông giáo lý Đại Đạo.
    "Trung Hưng, Minh Lý, Cơ Quan,
    Tuy ba mà một chu toàn đồng thân" [Thánh giáo Cao Đài]
    Xem Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 1, bài áp cuối sẽ thấy Ơn trên nói ML là séminaire của CĐ (Hổ trợ về Tâm pháp Thượng thừa = tu tịnh).
    Các Đấng Thiêng Liêng cao cấp bên CĐ như: Đức Thượng Đế, Đức Vô Cực Từ Tôn, Đức Lý Giáo Tông, Đức Trần Hưng Đạo, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, v.v... đều có giáng cơ dạy Đạo cho bên ML và đều được kính trọng.
    Hãy để ý một chút thì thấy lá phướn của ML cũng là phướn Tam Thanh (Tam giáo đạo = vàng, xanh, đỏ) như bên CĐ. [Phật giáo không sử dụng Phướn].
    Tóm lại, ngày nay ML đạo với CĐ là anh em "đồng bào" với nhau.

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn Phạm Hoài Nhân đã đưa bài nói về TAM TÔNG MIẾU

    Trả lờiXóa
  9. Xin bác cho biết thêm cuốn kinh sách Châu dịch Huyền nghĩa của tam tông miếu ấn hành, không biết bác có tỉnh được bản sách này không nhờ bác chia sẽ giúp cháu nhé.

    Trả lờiXóa