22 thg 2, 2011

Thành cổ Biên Hòa

Du khách đi Nha Trang khi gần đến trung tâm thành phố sẽ qua một nơi gọi là Ngã ba Thành, vì vậy khi dạo chơi ở thành phố Biên Hòa sẽ ngạc nhiên khi nghe nói: Tới Ngã ba Thành rồi!

Ồ, ở Biên Hòa cũng có Ngã ba Thành, nhưng đó là Thành Kèn (chứ không phải thành Diên Khánh ở Nha Trang). Gọi là ngã ba Thành vì nơi đó có một ngôi thành cổ, rất cổ - có thể coi là cổ nhất của Nam bộ.

Thành cổ Biên Hòa nằm ngay giữa thành phố Biên Hòa hiện đại. Bơ vơ. Điêu tàn.




Thành cổ nằm ở đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Nếu bạn không chú ý, bạn sẽ không thấy thành cổ mà chỉ thấy siêu thị, chợ, và những tòa nhà mới xây to đẹp, còn thành cổ thì nằm khiêm tốn, khuất sau cổng của... Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Đồng Nai. Vết tích còn lại là một vòng thành được xây dựng bằng đá ong, bên trong có ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp. Thành cổ ở đó, như một lão già sắp tàn hơi, nằm nghiền ngẫm sự đời qua bao thế kỷ, và nhìn đám hậu sinh đang xôn xao giữa chốn phồn hoa.





Thành cổ Biên Hòa được xây dựng từ năm nào?

Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ 14-15, thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi "Thành Cựu". Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa. Theo tác giả Lương Văn Lựu viết trong Biên Hòa sử lược, thì "Thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là "Thành Cựu" do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào". Thành được xây theo hình cánh cung, đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên thành Thành Biên Hòa.



Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, Thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12-1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vị thành còn 1/8 so với trước và gọi là thành "Xăng đá", phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - nghĩa là "Thành Lính". Hào phía đông được lấp đất lại xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn. 

Những tài liệu nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đều cho biết, Thành Biên Hòa có một vị trí rất quan trọng trên nhiều mặt. Đây là ngôi thành cổ duy nhất ở Đồng Nai còn sót lại trên đất Nam bộ. Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn, cũng như giai đoạn chống Pháp và Mỹ sau này.

Việc phát triển du lịch ở Biên Hòa chưa tốt lắm, trong các tour du lịch Đồng Nai cũng không thấy điểm đến là Thành Kèn - và hơn nữa, nếu bạn ham vui thì đến đây rất buồn chán. Nó cứ bùi ngùi như "Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".



Nhưng tôi xin bạn, nếu có dịp ghé đến Biên Hòa, hãy bỏ chút thời giờ đến đây đi. Bởi vì có thể ngày nào đó Thành cổ Biên Hòa hoặc sẽ sụp đổ, hoặc sẽ được trùng tu lại mới mẻ hơn, và bạn đến đây sẽ không còn cảm giác:
 


Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường


Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Rêu phong phủ mờ


Từ trong thành cổ nhìn ra ngoài - từ dĩ vãng nhìn ra hiện tại


Còn ở đây: Từ dĩ vãng nhìn dĩ vãng


Cuộc sống mới từ chốn cổ xưa

Rể cây ăn vào thành, như những ngôi đền Ăng-ko


Phạm Hoài Nhân
Tháng 2/2011

1 nhận xét:

  1. Ủa, vậy ra anh có tới 3 nhà hả? Hay thiệt đó nhe.

    Mới đọc vài chục bài bên blog Hai Ẩu. Hình như anh có món võ "đá giò lái" hơi "bị" độc!

    Nhìn mấy tấm hình này, chợt nghe bùi ngùi. Gần nhà tui hồi xưa, cũng có 1 cái (gọi là cụm thì đúng hơn) gọi là Thành Quan, không biết anh có biết nơi đó không? Lúc trước nó là nơi gia đình sĩ quan VNCH ở. Còn sau đó tới giờ thì...không biết nữa.

    Trả lờiXóa