11 thg 12, 2014

Cuối cùng là tình bơ vơ!

Tình bơ vơ là một ca khúc tình cảm lãng mạn rất hay của nhạc sĩ Lam Phương, sáng tác trước năm 1975.


Tình bơ vơ 
Lam Phương

Càng nhìn em, 
Yêu em hơn và yêu em mãi
Dù phút êm đềm xa xưa
Nay đã đi vào quên lãng

Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi
Mây tím đang dâng cao vời
Mà tình yêu chưa lên ngôi

Ngày mình yêu
Anh đâu hay tình ta gian dối
Để bước phong trần tha hương
Em khóc cho đời viễn xứ

Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa

Em đâu ngờ
Có ngày đàn đứt dây tơ
Một phút tim anh ơ hờ
Trọn kiếp em vương sầu nhớ

Nói đi em cả đời mình mãi đi tìm
Cả đời mình xây ước mơ
Cho ngày mộng được nên thơ
Cuối cùng là tình bơ vơ

Các ca khúc của Lam Phương làm say đắm bao thế hệ từ ngày mới ra đời, mãi cho đến bây giờ. Hiện giờ nhiều ca khúc của ông đã được cho phép trình diễn lại và vẫn thu hút lớp khán giả trẻ hôm nay, như: Thu sầu, Phút cuối, Thành phố buồn...

Tình bơ vơ là một trong những ca khúc của Lam Phương đã được cấp phép biểu diễn, quyết định cấp phép số 16/QĐ-NTBD ngày 16/04/2008. Thế nhưng...

Thế nhưng chỉ hơn một tháng sau, bài hát rất hay này đã bị cấm biểu diễn! Quyết định thu hồi số 02/QĐ-NTBD ngày 23/05/2008.

Tại sao vậy? Nếu nói là nội dung ướt át, ủy mị thì Phút cuối, Thành phố buồn, Thu sầu... chẳng thế sao? Phút cuối còn được cấp phép trong cùng một quyết định số 16/QĐ-NTBD với Tình bơ vơ nữa kia, sao không bị thu hồi?

Không thấy Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích lý do. Tui nghĩ hoài cũng không ra, bèn nằm vắt cả tay lẫn chân lên trán suy nghĩ, miệng i ỉ hát bài Tình bơ vơ.

Thế rồi tui chợt đoán ra lý do!

"Tội" nặng nhất chính là khổ nhạc này:

Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi
Mây tím đang dâng cao vời
Mà tình yêu chưa lên ngôi

Bạn thấy "tội" ở đâu không? Ở Việt Nam ta cứ nhắc đến Thu là người ta nghĩ ngay đến mùa thu năm ấy, và đó là một mùa thu rạo rực khí thế, tinh thần cách mạng sục sôi... vậy mà ở đây nhạc sĩ Lam Phương lại nói: Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi!, rồi lại than thở "mây tím dâng cao, tình yêu chưa lên ngôi". Như vậy có phải... "phản động" không chớ?

Nếu đã cố tình hiểu "thu Việt Nam" ở đây chính là mùa thu năm ấy thì một số đoạn sau lại càng "bộc lộ thâm ý sâu xa" của tác giả, như:

Ngày mình yêu
Anh đâu hay tình ta gian dối
Để bước phong trần tha hương
Em khóc cho đời viễn xứ

(Các bạn tự hiểu nha, tui không diễn giải)

và đoạn cuối kết luận thiệt là thê thảm:

Nói đi em cả đời mình mãi đi tìm
Cả đời mình xây ước mơ
Cho ngày mộng được nên thơ
Cuối cùng là tình bơ vơ

Hic hic, cả đời mình xây ước mơ lên thiên đường, mà bây giờ cuối cùng là tình bơ vơ. Viết vậy thì bị cấm là... phải rồi!!!

Những điều trên do tui đoán thôi, chẳng biết có đúng không. Điều chắc chắn đúng là ca khúc rất hay này đã được cho phép trình diễn và ngay sau đó là cấm (ngày và số quyết định ghi rõ ở trên). Nếu ai biết chính xác thì xin nói dùm tui nha.

Cuối cùng, bài viết này nói gì? Thì...

Cuối cùng là tình bơ vơ!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét