27 thg 1, 2016

Trò đùa du lịch

1.
Nhiều trang mạng về du lịch nói rằng Hòn Vọng Thê ở trên núi Ba Thê, thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Họ nói như vầy:

Tương truyền, xưa có một người đàn ông lên núi tu hành, xa lánh thế gian, bụi đời song lòng vẫn còn chưa rũ sạch bụi trần, nên chiều chiều ngóng vọng về phương xa, nhớ nhà, nhớ vợ, sau đó chết đi. Người ta cho rặng vị sư kia đã hóa đá, thành “Hòn Vọng Thê” trên một ngọn núi nằm lẻ loi giữa tứ giác Long Xuyên.


Tui đọc và tin sái cổ luôn, lên núi Ba Thê tui nhìn quanh nhìn quất chả thấy cục đá nào giống hình người đàn ông đang ngóng vợ ráo trọi!

Nghĩ rằng mình chưa tìm ra, nên tui trở lại núi Ba Thê quyết tâm nhìn cho ra hòn vọng thê. Hic, mấy trang mạng nó nói rằng vị sư trọc đầu nên biến thành hòn đá có dạng tròn tròn. Khỉ thiệt, đá trên núi thiếu cha gì cục tròn tròn, vậy cục nào cũng là hòn vọng thê hết sao?

Núi non trùng điệp, chả thấy đâu là hòn vọng thê cả!

Tui hỏi anh bạn cùng đi (quê An Giang) rằng Hòn Vọng Thê ở đâu? Ảnh nói: Tui chưa nghe bao giờ! Làm gì có? Chưa chịu thua, tui hỏi sư trụ trì chùa Sơn Tiên là ngôi chùa cổ trên đỉnh núi Ba Thê, nhờ chỉ dùm tui Hòn Vọng Thê ở nơi nao. Sư lắc đầu nói: Tui tu ở đây bao lâu rồi mà có nghe nói gì về hòn vọng thê đâu? Anh nghe ai nói vậy?

Hic, vậy là mấy cha làm du lịch xạo bà cố rồi! Và cái vụ xạo bà cố này được sao chép từ trang web này qua trang web nọ, khiến nó trở nên y như thiệt!

Nguyên nhân của chuyện dóc tổ này là cái tên xã nơi núi Ba Thê tọa lạc: xã Vọng ThêMấy cha nói dóc lấy chữ vọng thê này, thêm vô phía trước chữ hòn cho giống hòn vọng phu, rồi bịa chuyện ông sư nhớ vợ, chớ thật ra trên núi làm gì có cái hòn vọng thê nào!

Điều cà chớn không chỉ là trên núi không có cái hòn nào ra vẻ người đàn ông ngóng trông, mà chữ thê trong tên xã Vọng Thê cũng không phải là vợ!

Thê trong tên xã Vọng Thê chắc chắn là cùng nghĩa với thê trong tên núi Ba Thê. Mà chữ thê trong tên Ba Thê được hai vị lão làng về văn hóa Nam bộ giải thích như sau:
  • Nhà văn Sơn Nam cho rằng Ba Thê xuất phát từ chữ Khmer là bát-xam-xê.
  • Cụ Vương Hồng Sển giải thích: Thê là cái thang, vì ngày trước vào thời đàng cựu nơi đây có bắc thang cao để trông hành động của phe Thổ...
Không biết vị nào đúng (có thể cả hai đều đúng), nhưng chắc chắn thê ở đây không hề có nghĩa là vợ!

Đành rằng du lịch phải gắn với giai thoại, truyền thuyết cho thêm màu sắc hấp dẫn và hầu hết các giai thoại đều chứa không nhiều sự thật, nhưng ít ra cũng phải có một cơ sở hợp lý nào đó, chớ bịa chuyện kiểu hòn vọng thê này thì thiệt là thô thiển và... cà chớn quá!

2.
Anh bạn An Giang cười hề hề nói với tui: Sự tích núi Ba Thê là vầy nè, để tui kể cho mà nghe!

Chuyện ảnh kể như sau:

Có ông kia có 3 bà vợ. Ổng say xỉn dữ quá nên 3 bà vợ bực mình, kêu ồng đi đắp núi thi với mình. Cha nội này tin mình là đàn ông, sức khỏe cường tráng, sao thua phụ nữ được nên nhận lời mà vẫn tiếp tục nhậu tới bến. Nhậu đã, ổng giựt mình thấy 3 bà vợ đã đắp xong núi rồi, đó là núi Ba Thê bây giờ (Ba là...3, thê là vợ). Tức mình, ổng đạp cái núi mình đang đắp dở dang, làm nó sập xuống, vậy là ta có cái núi Sập (chính là núi Thoại Sơn). Chưa hết bực, ổng thấy có con voi đi tới, liền vác cục đá bự chọi nó. Cục đá rớt xuống biến thành hòn Chọi (thật sự hòn núi nơi ấy tên là núi Trọi). Còn con voi đứng yên đó biến thành núi Tượng.

Câu chuyện này nhắc đến tên 4 ngọn núi ở nơi ấy, là núi Ba Thê, núi Sập, núi Trọi và núi Tượng. Nghe qua là biết chuyện bịa, chuyện đùa liền. Nhưng khác với trường hợp trên, ở đây người nghe cảm thấy vui chớ không thấy bực như chuyện hòn vọng thê ở trên.


Núi Sập

Cả 2 câu chuyện đều là trò đùa du lịch, nhưng câu chuyện dưới lấy chuyện kể làm trò đùa để giúp vui cho du khách, còn câu chuyện trên lấy chính du khách làm trò đùa, bảo sao không bực?

3. 
Tui lên đỉnh Hòn Bà ở Cam Lâm, Khánh Hòa thăm nơi làm việc của bác sĩ Yersin ngày xưa. Nơi đây còn ngôi nhà được gắn bảng là nhà làm việc xưa kia của Yersin. Tuy nhiên...


Ngôi nhà được gắn bảng là nhà làm việc của bác sĩ Yersin

Anh Phạm Đình Quát, người hướng dẫn tui đến đây và cũng là người 20 năm trước đã đến đây, làm bộ phim tài liệu về nơi này, khẳng định: Đây không phải nhà làm việc của Yersin, mà là nơi ở của nhân viên của ông. Nhà làm việc thực sự của bác sĩ Yersin đã bị công ty du lịch đập phá hoàn toàn và vị trí của nó chính là... bãi đậu xe hiện giờ.

Và như vậy, bài trí trong nhà, như chỗ làm việc, chỗ ngủ... của Yersin đều là giả dối.

Bườc ra ngoài vườn, du khách thấy những vật thể là lạ, được ghi chú là: Khay ươm cây của bác sĩ Yersin. Đó là những cái bồn làm bằng xi măng, có trộn một ít đá.




Tui băn khoăn tự hỏi: Ngày xưa Yersin làm bồn xi măng để ươm cây như thế này sao? Và tại sao lại phải làm bồn như vậy ở trên núi cao này? Những bồn xi măng này có vẻ như để tạo ra cảnh quan du lịch hơn là di tích thật sự. Anh Quát lại nói: Công ty Du lịch nó bịa ra đó, làm gì có bồn ươm cây bằng xi măng nào ở đây. Yersin đâu có khùng dữ vậy!

Tui cảm thấy mình và nhiều người khác bị lừa dối, trở thành trò đùa của công ty du lịch.

4.
Tôn tạo di tích là điều tốt, sáng tạo ra những huyền thoại để làm di tích thêm lung linh cũng là điều tốt. Nhưng dù sao cũng phải giữ gìn và tôn trọng sự thật. Thật là thật, ảo là ảo, đừng biến du khách thành trò đùa, tội nghiệp lắm!

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. bài này đăng báo là ngon lành cành đào luôn đó anh :)

    Trả lờiXóa
  2. Người ta dựng chuyện để câu khách du lịch không am hiểu về lịch sử địa phương. Trường hợp Búng Bình Thiên thuộc xã Nhơn Hội huyện An Phú cũng thế.

    Trả lờiXóa