Đèo Mẹ Bồng Con. Ảnh: Phạm Tường Nhân, 2011
Cua Heo là khúc cua trên quốc lộ 1 quẹo vô thị xã Long Khánh. Cua là khúc cua thì hiểu rồi, vậy còn Heo là gì?
Tự điển Địa danh học của Lê Trung Hoa ghi:
CUA HEO
Ngã ba ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Cua Heo gốc nửa Pháp (courbe) nửa tiếng Việt, là khúc quẹo mà các lái buôn chở heo từ miền Trung, miền Bắc vào, ghé lại tắm cho heo trước khi chuyển đi nơi khác.
Thế nhưng những người lớn tuổi ở Long Khánh lại có lời giải thích khác! Theo đó, tên Cua Heo có nguyên do như sau:
Hồi xưa (khoảng 194x, 195x), tại khúc cua này có một chiếc xe chở heo khi quẹo cua thì bị lật, đàn heo xổng ra chạy tứ tung, do đó người dân gọi là cua Heo!
Ngã Ba Cua Heo 1967/1968. Ảnh: Dave DeMilner trên Flickr
Còn đèo Mẹ Bồng Con? Nếu ai đó nghe tên này và tưởng tượng nơi đây có một tượng đá mẹ ôm con trên sườn núi cheo leo thì ắt sẽ thất vọng. Bởi vì không có tượng mẹ bồng con, thậm chí không có cả... đèo. Đây thực chất là một đoạn dốc khá cao trên quốc lộ 1, ở vị trí khoảng 7 km trên đường tới thị xã Long Khánh.(Dù không phải đèo, nhưng cảnh quan nơi đây cũng hấp dẫn lắm!).
Tự điển Địa danh học của Lê Trung Hoa ghi:
Dốc ở gần ngã ba Dầu Giây, h. Long Khánh, t. Đồng Nai.
Mẹ Bồng Con vì có hai dốc liên tiếp, dốc lớn tượng trưng cho mẹ, dốc nhỏ tượmg trưng cho con.
Và cũng theo những người lớn tuổi ở Long Khánh lại có lời giải thích khác! Theo đó, tên Mẹ Bồng Con có nguyên do như sau:
Hồi xưa (không rõ lúc nào), tại dốc này có một chiếc xe chở khách bị tai nạn thảm khốc. Trong số những hành khách tử vong có một người phụ nữ khi chết vẫn còn bồng đứa con trên tay rất thương tâm. Từ đó người ta gọi nơi đây là dốc Mẹ Bồng Con hoặc đèo Mẹ Bồng Con.
Tui đọc khá nhiều tư liệu do TS Lê Trung Hoa biên soạn và rất trân trọng các công trình nghiên cứu của ông, riêng với 2 địa danh này thì tui... tin những người già ở Long Khánh (trong đó có ba tui) hơn. Dù sao, tui cũng ghi lại cả 2 nguồn để mọi người tham khảo. Chắc là còn những cách giải thích khác nữa, ai biết thì bổ sung dùm nhé!
___
Ghi chú thêm: Theo sách Địa danh Hành chính - Văn hóa - Lịch sử Đồng Nai do Hội Khoa học Lịch sử Đồng Nai biên soạn thì 2 địa danh Cua Heo và Mẹ Bồng Con không có trong phần Địa danh Hành chính và Văn hóa. Trong phần Địa danh Lịch sử thì ghi như sau:
Cua Heo:
Ngã ba Cua Heo giao lộ giữa QL 1 và đường Hùng Vương, TX Long Khánh. Cửa ngõ vào trung tâm nội ô TX Long Khánh. Đây là nơi diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt của các lực lượng vũ trang cách mạng với Sư 18 quân đội Sài Gòn trong chiến dịch Xuân Lộc giải phóng TX Long Khánh từ 9/4 đến 21/4/1975.
Mẹ Bồng Con
Đèo Mẹ Bồng Con, nằm trên QL 1 thuộc TX Long Khánh. Trong chiến dịch Xuân Lộc giải phóng TX Long Khánh từ 9/4 đến 21/4/1975, Sư đoàn 6 (Quân đoàn 4) đã đánh diệt chiến đoàn 52 sư 18 ngụy Sài Gòn (15/4/75), chiếm đèo Mẹ Bồng Con, cắt QL 1, chặn đường viện quân của địch từ Biên Hòa lên, góp phần buộc địch phải rút chạy khỏi TX Long Khánh (đêm 20 rạng sáng 21/4/75).
___
Phạm Hoài Nhân
Trên Facebook, bạn Dũng - Loan góp ý:
Trả lờiXóa"Hồi nhỏ xíu ,trước lúc Mỹ làm cái dốc, ba mình vẫn chở chúng mình lên LK qua ĐÈO Mẹ bồng con"
Tui nghĩ rằng những thông tin của bạn Dung Loan là chính xác. Và nếu vậy thì:
1. Trước thời điểm 196x (là thời điểm bạn còn nhỏ, được ba chở qua đèo) thì tại nơi này đã thực sự có một con đèo (con đườn lượn vòng theo một sườn dốc), và con đèo ấy đã được gọi là Mẹ Bồng Con.
2. Sau thời điểm 196x, công binh Mỹ nắn thẳng con đường cong và tạo thành 2 cái dốc, từ đó đi qua đây ta không có cảm giác qua đèo (vì không uốn lượn).
3. Lời giải thích Mẹ Bồng Con chỉ dốc cao là Mẹ, dốc thấp là Con trở nên không hợp lý, vì tên Mẹ Bồng con CÓ TRƯỚC khi có 2 cái dốc.
Cua Heo là ngày xưa có xe heo lật là đúng, còn Đèo mẹ bồng con thì ngày xưa thời Pháp xe phải vòng dưới chân đèo bên phải để né cái đồi cao, sau này Mỹ dfoo hộ thì làm con đường thẳng qua quả đồi, lúc đó có 2 con đường giống tay người mẹ bồng con nên đan địa phương gọi là đèo Mẹ bồng con và nó được gọi đến như ngày hôm nay.
Trả lờiXóa