6 thg 11, 2017

Phiêu diêu đỉnh đèo

Với nhiều người, Mã Pí Lèng là con đèo hiểm trở nhất, hoặc ít nhất là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam (gồm: Mã Pí Lèng, Pha Đin, Khau Phạ và Ô Quy Hồ). Hiểm trở nhất, chứ không phải dài nhất, vì Mã Pí Lèng "chỉ" dài 20 km (dài nhất là đèo Khánh Vĩnh nối Nha Trang và Đà Lạt, 33 km). Hiểm trở, vì phải lên nhiều dốc thật cao, qua nhiều cua thật gắt. Kỳ vĩ,vì giữa cao nguyên đá chập chùng, mây ở dưới chân, nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm lởm chởm đá tai mèo.


Một đoạn đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: PHN

Mã Pí Lèng (马鼻梁) là tên gọi theo tiếng Quan Thoại chỉ sống mũi con ngựa.Tên gọi này nói lên sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là "sống mũi con mèo". (Wikipedia)

Đèo Mã Pí Lèng là một phần trong con đường nối TP Hà Giang - huyện Đồng Văn - huyện Mèo Vạc dài 185 km, mang tên Con đường Hạnh phúc, bây giờ tên chính thức là quốc lộ 4C. Lịch sử xây dựng con đường này là một câu chuyện thần kỳ.


Con đường Hạnh Phúc - quốc lộ 4C. Ảnh: PHN

Trước những năm 1960, 4 huyện vùng cao núi đá: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ là một huyện mang tên Đồng Văn, có với 8 vạn dân thuộc 16 dân tộc gần như biệt lập với thế giới bên ngoài vì hệ thống giao thông chỉ là đường mòn, phương tiện giao thông chỉ có ngựa và đôi chân của con người. Ngày 10/9/1959, tại thị xã Hà Giang, Bộ Giao thông - Vận tải; Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công mở đường “Hạnh phúc”.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, có lẽ đường “Hạnh phúc” là công trình thu hút thanh niên trong cả nước xung phong tham gia nhiều nhất. Hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong (TNXP) từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) đã sát cánh cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá bắt tay vào phá núi mở đường. Với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít..., 
trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước, thiếu dầu, thiếu rau xanh, vật vã với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới không độ, nước đóng thành băng trên đá, cả ngàn người lao vào đục đá làm đường. (theo Báo Hà Giang)


Bia lưu niệm ghi lại những số liệu lịch sử của Con đường Hạnh phúc. Ảnh: Báo Người Lao động

Với những yếu tố lịch sử, cảnh quan kỳ vĩ, pha thêm tính mạo hiểm, đèo Mã Pí Lèng là điểm đến thu hút nhiều người. Tui cũng nằm trong số đó!

Không phải như các bạn trẻ phóng xe máy vi vu lên đến tận đỉnh đèo, trên cung đường Hạnh phúc khi nào cảm thấy cảnh quan tuyệt vời thì dừng lại chụp hình, tui chỉ ngồi trên xe hơi cho người ta chở mình đi và chỉ có thể bấm nhanh máy chụp hình qua kiếng xe, khi xe đang chạy thôi! Cho nên không thể nói Chinh phục đèo Mã Pí Lèng mà chỉ có thể nói tới được đỉnh đèo Mã Pí Lèng!

Xe chạy qua rồi, nhìn lại con đường mình vừa qua, uốn lượn phía dưới. Ảnh PHN

Người miền xuôi khi đi du lịch vùng cao thường xác định là đã qua một hay hai đèo để tới. Thí dụ như đi Đà Lạt thì biết rằng qua đèo Bảo Lộc rồi đèo Prenn thì tới, từ Phan Rang đi Đà Lạt thì qua đèo Ngoạn Mục, từ Đà Nẵng ra Huế thì qua đèo Hải Vân rồi Phước Tượng... Nếu quen như vậy khi đi từ Hà Giang sang Mèo Vạc trên quốc lộ 4C, hỏi: Mình sẽ đi qua mấy đèo, đèo tên gì? thì sẽ không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Bởi vì trên quãng đường gần 200 km ấy ngoài Mã Pí Lèng đã quá nổi tiếng thì còn vô số đèo khác mà do nhiều quá người ta... không thèm đặt tên. Mỗi con đèo vô danh ấy uốn lượn và lên xuống không kém gì những con đèo Bảo Lộc, Prenn, Ngoạn Mục... Cứ coi như toàn bộ 185 km quốc lộ 4C đều là đèo thì cũng được!


Từ đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống, dòng Nho Quế như sợi chỉ. Ảnh: PHN

Người ta lập một trạm dừng chân ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng, nơi đây du khách dừng lại, lên những mỏm đá cao nhìn ra toàn cảnh khung trời lô nhô núi đá, và dòng sông Nho Quế mong manh như sợi chỉ ở phía dưới... 

Ờ, mình không dám nói chinh phục đèo Mã Pí Lèng, nhưng tới được đây cũng sướng rồi. Chụp vài tấm hình làm kỷ niệm và để khoe chứ. Mà không, làm kỷ niệm thôi, vì người ta tới đây đã nhiều và chụp nhiều tấm hình tuyệt đẹp, hình của mình chỉ để thỏa mãn cái sự sướng thôi!






Tại điểm dừng chân trên đỉnh đèo. Ảnh: PHN



Nhìn xuống dưới thật là thú vị. Ảnh: PHN

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét