24 thg 11, 2017

Sài Gòn trong tuổi thơ tui

Tuổi thơ tui là ý nói trước 1975, từ nhỏ cho tới 16 tuổi. Một thằng nhóc ở tỉnh lẻ Long Khánh, cách Sài Gòn 80 cây số. Hồi đó cơ hội duy nhứt để đi Sài Gòn chơi là dịp nghỉ hè mỗi năm. Đi Sài Gòn chơi là phần thưởng cuối năm học nếu mà học giỏi. Cũng may là hồi đó học giỏi đều nên thường là được thưởng, có năm vì lý do nào đó không đi được (đi thì phải có người lớn đi kèm, mà có khi người lớn hổng rãnh) thì mặt như cái mền. Mà cũng phải học lớp Ba, lớp Nhì (lớp 4 bây giờ) mới được đi, như vậy tính ra suốt 16 năm ấy được đi Sài Gòn không quá chục lần!

Hồi đó, cả gia đình chỉ có cậu Hai là người thân sống ở Sài Gòn, bên Bến Vân Đồn, quận Tư. Mỗi lần đi là đi xe đò, ghé nhà cậu Hai, cậu chở đi chơi, ngủ lại đêm ở đó rồi bữa sau đi xe đò về. Có vậy thôi!

Câu hỏi đặt ra là: Đi chơi ở đâu?

Câu trả lời rất ngắn gọn và đơn giản: Nhà sách Khai Trí!


Nhà sách Khai Trí. Sài Gòn 1965. Ảnh: Mạnh Hải trên Flickr

Cậu Hai là thầy giáo dạy Văn ở Lê Quý Đôn, rất mê sách. Tui cũng là thằng nhỏ ham đọc sách. Vậy nên nhà sách Khai Trí chính là thiên đường mà cậu đưa tui tới.

Bộ Long Khánh hổng có nhà sách sao mà phải đi tới Sài Gòn vô nhà sách Khai Trí? Ừ thì ở đâu mà chẳng có nhà sách, nhưng so với những nhà sách ở tỉnh lẻ thì nhà sách Khai Trí là cả một kỳ quan. Bước vô đó là choáng ngợp, là say mê. Thằng nhóc tui có cảm giác là tất cả mọi loại sách trên đời đều có ở đó cả. Lại còn được ngồi ở đó đọc sách nữa. Muốn đọc cái gì thì đọc, muốn đọc bao lâu thì đọc. Dĩ nhiên là sau đó được mua một đống sách mới! Ờ, còn phải nói thêm một chi tiết: thời đó tui mê đọc tuần báo Thiếu Nhi do bác Nguyễn Hùng Trương chủ nhiệm, nhà văn Nhật Tiến chủ biên. Chẳng những mê đọc mà còn viết bài cho báo nữa. Vậy nên tui yêu bác Nguyễn Hùng Trương, bác Nguyễn Hùng Trương là chủ nhà sách Khai Trí khiến tui càng yêu nhà sách Khai Trí hơn.

Bây giờ nhà sách lớn và sang trọng nhiều, các bạn trẻ thời nay chắc không hình dung được cái sự vượt trội, huy hoàng của nhà sách Khai Trí so với các nhà sách khác thuở ấy. Các bạn cùng lứa với tui thì chắc quá biết nhà sách Khai Trí, quá biết chuyện đau lòng của nhà sách Khai Trí và bác Nguyễn Hùng Trương sau 1975 nên tui xin không kể lại ở đây.

Nói nào ngay, mỗi chuyến đi Sài Gòn như vậy cũng có ghé vài nơi như bến Bạch Đằng, đường Nguyễn Huệ, đi xem phim... (còn riêng quận Tư, nhà cậu, thì... không có gì đặc biệt) nhưng đối với tui ấn tượng nhứt, chiếm nhiều thời gian nhứt, điều mong ước lớn nhứt cho mỗi chuyến đi Sài Gòn chính là Nhà sách Khai Trí.

Vì vậy, trong tuổi thơ tui, Sài Gòn là Nhà sách Khai Trí, Nhà sách Khai Trí là Sài Gòn. Thằng nhỏ nhà quê là tui chỉ hiểu Sài Gòn như vậy thôi á!

Bốn mươi mấy năm qua, thằng nhỏ thành ông già, quá nhiều điều thay đổi. Bác Nguyễn Hùng Trương đã qua đời mà vẫn chưa lấy lại được nhà sách Khai Trí tâm huyết của mình, nhà sách Khai Trí đã thành FAHASA TPHCM từ rất lâu...

Bữa nay đứng từ trên cao nhìn xuống nhà sách Khai Trí - giờ là FAHASA - bỗng thấy lòng dâng lên nỗi buồn, nỗi tiếc nhớ lững lờ...




Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Từ 2 năm nay, được đọc mấy bài viết của PH Nhân, tui rất khoái và biết ơn vô cùng. Bài nào cũng rất nhiều chi tiết ngày xưa, nhẹ nhàng, cảm động. Thiệt ra rất nhiều bài của PHN tình cờ có ít nhiều kỷ niệm liên quan đến gia đình tui và cá nhân tui. Vài hàng làm quen với PHN và cám ơn nghe. Mong tác giả mạnh giỏi, đi chơi nhiều, viết đều đều cho bà con đọc. Việt Ottawa, Canada



    Trả lờiXóa