Hồi nhỏ, bác với ba là bạn học cùng thầy. Lớn lên, hai người là hàng xóm với nhau.
Nhiều năm sau, tui là bạn học với con của bác.
Rồi tới lượt mấy đứa em của tui, là bạn học với em của anh bạn nói trên.
Tới đứa em gái kế út của tui, quan hệ của 2 gia đình lại gần hơn chút nữa. Con trai của bác (và là em trai của bạn tui) cưới con gái của ba tui (và là em gái của tui). Bác với ba tui trở thành sui gia.
Từ hồi ba và bác là bạn học với nhau tới giờ đã sáu bảy chục năm rồi. Má tui, rồi bác gái, rồi ba tui đã lần lượt qua đời, thế hệ ấy chỉ còn lại mỗi mình bác. Thế hệ tui, bạn tui và các em tui cũng đã già rồi. Bây giờ là thế hệ những đứa cháu nội, ngoại của ba và bác.
Hôm nay tui về Long Khánh cùng với các em, cháu. Tui vô thăm rẫy của gia đình thằng em rể. Tức là rẫy của gia đình bạn tui. Tức là rẫy của bác, bạn của ba tui.
Như nhiều người đến lập nghiệp ở Long Khánh, giữa thế kỷ trước bác đã đến đây mua đất làm rẫy, làm vườn. Vườn trồng chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon... Như nhiều rẫy khác, nơi đây có dòng suối chảy qua, để chủ rẫy bơm nước lên tưới cây.
Những đứa trẻ đã quen sống ở thành phố, giờ vui thích chạy tung tăng trong vườn trái cây. Đứa lớn dùng móc hái măng cụt, chôm chôm. Đứa nhỏ lượm trái bỏ vô giỏ.
Dùng cây móc để hái trái
Đứa nhỏ lượm trái bỏ vô giỏ
Đi lang thang tìm trái rụng
Hái chôm chôm
Chẳng phải lỗi tại ai cả. Quy luật cuộc sống phải thế thôi. Đâu riêng gì Long Khánh, ngày xưa rất nhiều nơi người ta sống gần gũi, quen biết nhau. Còn bây giờ, ngay cả ở Long Khánh, cuộc sống xô bồ khiến người ta trở thành kẻ xa lạ trong đời nhau.
Còn được phút giây nào trong đời để tìm về với nhau, để sống lại thuở nào thì hãy nâng niu những phút giây ấy. Cuộc đời như dòng sông, dòng suối vẫn trôi chảy mãi...
Chảy đi, suối ơi!...
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét