10 thg 7, 2018

Về quê thấy cơm nguội

1.
Về Long Khánh, đến nhà dì, thấy gần  nhà có bụi cây chi chít trái, màu trắng nõn, tròn tròn như viên bi nhỏ.




Những chùm trái này là một hình ảnh rất quen thuộc thuở nào, hồi mấy mươi năm trước còn đi rẩy ở Long Khánh. Nhưng mà không nhớ nổi nó tên là trái gì.

Hỏi cô em gái, cô trả lời ngay: Trái cơm nguội. Nó mọc hoang, hồi nhỏ tụi em đi học thường hái ăn.

Cái tên cơm nguội nghe không quen, nó không gợi lại một cái tên đã từng nghe từ ngày xưa. Nhưng mà nghe ngộ ngộ, hay hay. Có lẽ vì hình dáng từng chùm trắng của trái, lại ăn được giống như cơm nguội. Ừ, thì ăn thử đây. Vui miệng thôi chớ không ngon. Chắc tại vậy mà hồi xưa mình chẳng quan tâm tới nó.



2.
Về nhà, search Google tìm cây cơm nguội. Ông Google cho kết quả hầu hết là "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" ở Hà Nội. Có thêm một vài loại cây cơm nguội khác nữa, nhưng không hề có cây cơm nguội dạng bụi và có trái nhỏ, tròn, màu trắng như cây này. Hay là cái tên cơm nguội do mấy đứa nhỏ nó tự chế ra?

May quá, dì nhắn qua Facebook, rằng: Cây đó ngày xưa trong rẩy nhiều lắm, bà ngoại kêu là cây nổ, trái nổ.

A! Đúng rồi! Cái tên trái nổ gợi lại đúng chỗ trong ký ức rồi, ngày xưa đúng là mình kêu nó là trái nổ!

Cũng cùng lúc, bạn nhắn tin cho biết trái ấy ở quê bạn gọi là trái nổ, và mách nước thêm rằng nó còn có tên là bỏng nổ. Lên Google tìm bỏng nổ là sẽ ra ngay.

Đúng vậy á, nếu tìm "trái nổ" Google sẽ cho ra kết quả là loại trái khác (sao mà có nhiều loại trái trùng tên quá ta ơi!), chưa kể cho kết quả là trái chất nổ. Còn nếu chỉ tìm nổ thì nó cho ra...Nguyễn Tử Quảng BPhone!

Và đây là thông tin về cây bỏng nổ trên Wikipedia:

Bỏng nổ (tên khoa học Flueggea virosa) hay còn gọi là Quả nổ trắng, Cơm nguội, Mác ten (tên tiếng Tày), Co cáng (tên tiếng Thái) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Là loài cây bụi, cao 2-3 mét, mọc rải rác ở ven rừng. Ở Việt Nam nó có mặt tại các vùng rừng núi trên khắp cả nước. Cây có lá mỏng, nguyên, thường có hình bầu dục, đầu lá tù hoặc thuôn và gốc nhọn hình nêm, với lá kèm hình tam giác. Cành già màu nâu sẫm. Cây có hoa đơn tính khác gốc (cây đực và cây cái riêng biệt), với hoa đực mọc thành cụm nhiều hoa trong khi hoa cái mọc riêng lẻ hoặc thành cụm chỉ 2-3 cái. Quả nang hình cầu, màu trắng nhạt, có 3 mảnh vỏ, khi chín ăn được. Hạt hình 3 cạnh, màu đỏ nâu. Cây ra hoa từ tháng 6 tới tháng 8 và kết quả từ tháng 9 đến tháng 11. Vỏ thân, rễ cây có vị chát, có độc.

Hình trái nổ đây, đúng là nó, không sai:



Bổ sung thêm một hình chụp cái cây ở Long Khánh cho nó "toàn cảnh"


Như thông tin ở trên cho thấy, cây này còn có tên là cơm nguội. Vậy gọi tên là cơm nguội cũng đúng, chớ không phải tên tự chế ra.

3.
Qua Facebook, một người bạn khác nhắc bài thơ Bông cơm nguội của nhà thơ Mường Mán.


hái bông cơm nguội bên thềm cũ
nhớ thuở quế trầm chưa mất nhau
loài hoa anh tặng em ngày ấy
giờ hết nguội rồi, bỗng biết đau.

Bài thơ dạt dào cảm xúc. Nhưng đọc rồi ngẫm nghĩ...

Bông cơm nguội ở đây là cơm nguội nào ta? Không phải cây cơm nguội ở Hà Nội rồi, vì Mường Mán sáng tác bài này ở trong Nam, và nếu ở ngoài Bắc thì phải là hoa cơm nguội chớ không phải bông cơm nguội. Nhưng có phải cây cơm nguội nói nãy giờ không, hay lại là cây khác? Và nếu đúng là nó thì bông của nó ra sao mà anh tặng em (những hình trên chỉ có lá và trái, không có bông, và tui chẳng nhớ nổi xưa kia mình thấy bông cây nổ ra sao nữa)?

Thôi, bỏ qua. Đọc thơ cảm thấy hay là được rồi, giờ mà đi tra cứu xem cơm nguội gì, hoa ra sao nữa thì mệt quá!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét