Cứ từng chữ mà giải thích ra thì địa danh là tên đất, cũng như nhân danh là tên người. Còn chi tiết hơn nữa, thì theo TS Lê Trung Hoa, địa danh có thể phân làm 4 loại:
- Địa danh chỉ địa hình tự nhiên: tên sông, tên núi, tên thác, tên hồ... như núi Trường Sơn, sông Cửu Long...
- Địa danh chỉ công trình xây dựng: cầu cống, chợ, đường phố... như cầu Chương Dương, chợ Bến Thành...
- Địa danh chỉ đơn vị hành chính: xã, ấp. phường, quận, huyện, tỉnh...
- Địa danh chỉ vùng lãnh thổ không có ranh giới rõ ràng, như vùng Bàn Cờ, khu Cầu Chữ Y...
Có cả khoa học nghiên cứu về địa danh, là địa danh học. Khoa học này tìm hiểu về phương thức đặt địa danh, cấu tạo của địa danh, nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh...
Ta có thể đến thăm anh Hai Ẩu, uống cà phê với anh Hai Ẩu chớ không thể tới thăm... cái tên của anh Hai Ẩu hay uống cà phê với cái tên của anh Hai Ẩu. Với cái tên Hai Ẩu, chỉ có thể tìm hiểu xem nó là bút danh hay nickname của thằng cha nào.
Tương tự như vậy, ta không thể tới thăm một địa danh, chiêm ngưỡng một địa danh mà chỉ có thể tới thăm một địa điểm, chiêm ngưỡng một địa điểm. Với địa danh, việc thường làm là xét xem địa danh đó được đặt từ khi nào, do ai, ý nghĩa là gì...
Vậy mà bây giờ hàng lô hàng lốc bài báo viết về du lịch ghi tựa và nội dung kiểu như vầy: Những địa danh đẹp say lòng du khách tại..., 10 địa danh phải đến trong đời,... Có trang còn đặt hẳn một mục trên Menu là Địa danh nhưng thay vì nội dung trong mục đó là những bài tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa các tên sông núi, vùng miền... thì lại là giới thiệu về các danh lam thắng cảnh!
Chắc nhiều bạn sẽ nói tui khó chịu, ghi vậy thì... ai cũng hiểu mà! Ừa, chắc vậy. Chỉ tại tui khi đọc thì thấy nó hơi... bị ức chế nên nói ra vậy thôi, và cũng chỉ nói là nghĩ chuyện bâng quơ thôi mà!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét