Ai đến Rạch Giá hay Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) đều thấy ngay đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được người dân tôn kính, ngưỡng vọng. Không phải một mà nhiều nơi có đền thờ ông. Không phải nhà nước nào bỏ tiền ra để xây đền thờ hay lăng mộ của ông, cũng chẳng có chỉ thị hay nghị quyết nào yêu cầu như thế cả, mà là người dân tôn kính ông tự lập nên. Chính quyền Pháp lúc ấy coi ông là giặc, là kẻ thù và sẵn sàng đàn áp, bắt bớ những người tôn thờ ông; triều đình Huế thì yếu hèn, nhu nhược cũng không dám hó hé điều gì.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá
Nguyễn Trung Trực gắn bó đất Kiên Giang với chiến công "Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần", những ngày cuối cùng của ông chiến đấu ở Rạch Giá, rồi rút ra Phú Quốc. Tháng 10/1868, để bảo đảm lực lượng nghĩa quân và nhân dân trên đảo, ông tự ra nộp mình cho giặc bắt. Giặc Pháp đem ông ra hành hình ở chợ Rạch Giá ngày 27/10/1868, hưởng dương 31 tuổi. Ông không có lăng mộ, thậm chí thi hài của ông sau khi bị Pháp chém đầu cũng đã mất tích. Hiện nay, trước đền thờ ông ở Rạch Giá có ngôi mộ ông, được khai quật do những tìm kiếm của nhà văn Sơn Nam năm 1986 (gần trăm năm sau khi ông mất). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi vấn, không tin rằng thi hài dưới mộ là của Nguyễn Trung Trực.
Đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc
Không có mộ, không được phép thờ - chớ không phải như ai kia có vài chục ha đất để xây mộ, cả nước tổ chức lễ tang - nhưng hàng trăm năm sau, hình ảnh anh hùng Nguyễn Trung Trực vẫn ngời ngời sáng trong lòng người dân, vẫn được kính yêu tận đáy lòng.
2.
Anh hùng dân tộc Trương Định là thủ lĩnh chống Pháp. Căn cứ kháng chiến của ông ở Gò Công. Sau này ông hy sinh cũng tại Gò Công. Vì vậy, ngày nay ở Gò Công ông như một vị thần, sống mãi trong lòng người dân.
Năm 1864, Trương Định tuẫn tiết tại Ao Dinh, ở Đám lá tối trời (Gò Công Đông). Nơi ấy bây giờ người dân dựng bia tưởng niệm. Gần đó, tại nơi từng là căn cứ địa của nghĩa quân Trương Định, người dân lập đền thờ ông.
Bia tưởng niệm tại Di tích lịch sử Ao Dinh
Mộ và đền thờ Trương Định ở Gò Công
3.
Những vị anh hùng dân tộc được dân kính, dân thương, cho dù bị nhiều thế lực cấm cản thì vẫn mãi mãi được yêu kính, tôn thờ. Tượng đài của họ ở trong lòng dân. Mộ của họ thật đơn sơ, thậm chí không có mộ, không còn thân xác nhưng anh linh của họ vẫn ngời ngời.
Không cần hô khẩu hiệu, không cần ra lệnh, không cần tượng đài đồ sộ, lăng mộ hoành tráng, dân tự biết ai đáng để tôn kính.
Và dân cũng biết ghi nhớ ngàn thu những câu nói của các vị anh hùng trong tim họ. Như câu sau đây của anh hùng Trương Định, vẫn còn treo tại đền thờ của ông:
"Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta"
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét