Sang đến cuối thập niên 1970 đầu 1980, tình hình đỡ hơn một chút xíu xìu xiu, nhưng các nhạc sĩ cũng không thể và không dám sáng tác nhạc tình, người nghe cũng không được phép nghe nhạc ủy mị hay nhạc của bọn tư bản dẫy chết. Thời điểm đó tui đang là sinh viên, và thú vị thấy rằng trong tình thế đó, người ta vẫn có cách lách luật để sáng tác, biểu diễn và nghe một cách công khai những bản nhạc được coi là ủy mị. Ở đây xin được kể lại 3 trường hợp thú vị ngày ấy (và chờ đợi các bạn kể thêm những trường hợp khác).
1.
Cuối những năm 197x, sinh viên tụi tui chuyền tay nhau, hát cho nhau nghe một bài tình ca tha thiết mang tên Ngôi sao ban chiều. Hồi đó còn ngồi nắn nót chép từng nốt nhạc để tập hát cho đúng, có trình diễn công khai trong các buổi văn nghệ của trường nữa. Mà lời ca không hề có tính chiến đấu gì hết à nha, chỉ có yêu, thương, nhớ thôi hà.
Vậy sao được hát? Bởi vì nó là... nhạc Nga!
Thật ra bài Ngôi sao ban chiều được phổ biến từ giữa thập niên 1960 trong giới sinh viên ngoài Bắc, rồi theo họ vào chiến trường miền Nam. Bài hát được yêu thích vì nó nói lên được tâm trạng, tình cảm thật của thanh niên lúc bấy giờ. Trong Nam, mãi đến cuối 197x nó mới được phổ biến rộng, có lẽ một phần nhờ vào các anh bộ đội phục viên đi học đại học.
4 thập niên sau nữa, tức nửa thế kỷ sau khi bài Ngôi sao ban chiều ra đời, người ta mới biết đây không phải là bài hát Nga gì ráo trọi mà là bài hát của một tác giả Việt Nam: nhạc sĩ Đinh Tiến Hậu. Thuở ấy, chàng thanh niên sáng tác bài hát này tặng người con gái mình yêu chứ không phải vì yêu cầu chính trị gì hết. Bài hát được phổ biến vì được ghi xuất xứ là bài hát Nga (tác giả đành giấu tên, ẩn mặt để đứa con tinh thần của mình được sống), chứ nếu ghi rõ tác giả là người Việt thì... chết mầy nghe con!
2.
Trường hợp thứ hai là bài Over and over. Bài này dạo ấy cũng được hát trong những đêm văn nghệ ở trường và sinh viên đứa nào cũng thích, cũng chép tay lại và hát. Hồi đó nó được giới thiệu tựa là Mãi mãi và là nhạc Đông Đức. Chớ sao nữa! Phải là nhạc của nước anh em Xã hội chủ nghĩa mới được hát, bằng không thì... chết mầy nghe con, vì bài hát toàn là nhớ thương, yêu mến không hà!
Thật sự Over and over là một ca khúc tình cảm của ca - nhạc sĩ Nana Mouskouri người Hy Lạp (hổng phải xã hội chủ nghĩa) và đã từng được nhạc sĩ Anh Bằng chuyển lời Việt với cái tựa quá chừng mùi mẫn là Tình nồng cháy. Trường hợp bài này tui chỉ kể ngắn gọn vậy thôi, vì đã từng kể trong bài viết Bay, bay đi những cánh chim thuở nào.
Khác với Ngôi sao ban chiều, bài Over and over sau này được nghe nhiều với bản gốc tiếng Anh và bàn lời Việt của Anh Bằng, nhưng lời Việt Mãi mãi thì mãi mãi không còn được nghe nữa...
3.
Trường hợp thứ ba là bài Tình ca du mục. Bài này thì rất nhiều người biết và đến giờ vẫn thường xuyên được nghe lại. Đây cũng là bản hit trong giới sinh viên thuở 1979 - 1980, và cũng là bài hát hổng có lý tưởng cách mạng gì hết trọi. Người ta cho hát vì được nói rằng nó là nhạc du mục, của... Tiệp Khắc (cũng là Đông Âu, xã hội chủ nghĩa).
Sau đó một chút, người ta xác định giai điệu này đúng là của Nga thứ thiệt luôn, chớ không phải của Tiệp. Có điều lời ca gốc (người ta cho rằng đây là dân ca) thế nào thì lúc đó không rõ, và đáng nói nhứt là: cái lời ca chúng ta thường nghe, lời ca yêu đương mùi mẫn tha thiết quá trời ấy là của ai, có đúng với lời ca gốc không thì... không ai biết. Cho tới bây giờ cũng không ai biết tác giả lời ca Tình ca du mục là ai!
Oái oăm một điều là giai điệu bài Tình ca du mục này được nổi tiếng trên toàn thế giới từ trước đó rất lâu - cụ thể là từ năm 1968 - không phải qua bản tiếng Nga mà là thông qua một phiên bản tiếng Anh do nữ ca sĩ 17 tuổi xứ Wales Mary Hopkin trình bày, tựa đề là Those were the days, nội dung chẳng ăn nhập gì với tình ca hay du mục hết! Bài Those were the days này đã từng được Phạm Duy viết lời Việt ở miền Nam từ trước 1975 với tựa là Nhớ lúc yêu nhau. Sau này ca sĩ Thanh Lan cũng đặt lời Việt với tựa là Tuổi thanh xuân.
Nghe bài Nhớ lúc yêu nhau qua giọng ca Thái Hiền tại đây: Nhớ lúc yêu nhau.
Nếu các nhà quản lý âm nhạc khả ố - xí lộn, khả kính - thời đó mà biết những thông tin này: bài hát tiếng Anh, nổi tiếng ở các nước tư bản dẫy chết, được một nhạc sĩ phản động soạn lời Việt, thì các vị ấy đã cấm ngay không cho hát, cho... chết mầy nghe con!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét