28 thg 11, 2018

Chùa Phổ Minh - Rạch Giá

Rời chùa Sắc Tứ Tam Bảo - một ngôi chùa được xem là phải đến tại Rạch Giá, vì là một di tích quốc gia ở đây - thì trời đã sụp tối, tui hỏi Lê thị Hữu Tâm: còn chỗ nào để tham quan nữa không trước khi đi ăn tối? Tâm suy nghĩ rồi nói: Gần đây còn chùa Phổ Minh, chùa lớn, đẹp và cũng đông Phật tử đến viếng lắm.

Nếu bạn cũng như tui, search Google để tìm hiểu trước những điểm tham quan khi đến một nơi nào đó, như Rạch Giá chẳng hạn, thì bạn sẽ không thấy một gợi ý nào đến tham quan ngôi chùa Phổ Minh này. Điều đó cũng dễ hiểu: chùa Phổ Minh không là một ngôi chùa cổ vì chỉ mới được tạo dựng năm 1964, bên trong chùa không có những tượng Phật đặc sắc, quý giá; chùa tuy cũng khá rộng lớn, nhưng đó là so với diện tích hạn hẹp của những ngôi chùa ở giữa thành phố; chùa không hề là di tích cấp quốc gia hay cấp tỉnh, không có kỷ lục gì cả...


Cổng chùa

27 thg 11, 2018

Chùa Sắc tứ Tam Bảo ở Rạch Giá

Du khách tới Rạch Giá thường được hướng dẫn tới chùa Tam Bảo, với lý do đây là Di tích cấp Quốc gia, là ngôi chùa cổ nhất ở Rạch Giá. Khoảng những năm 1790, một Phật tử tại Rạch Giá là bà Dương Thị Oán (cư dân địa phương gọi là Bà Hoặng) đã đứng ra xây dựng một ngôi chùa trên một khu đất thuộc phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá hiện nay và đặt tên hiệu là chùa Tam Bảo.

Chùa Sắc tứ Tam Bảo. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

26 thg 11, 2018

Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá

Nguyễn Trung Trực không sinh trưởng ở Kiên Giang, ông vốn gốc ở Phù Cát, Bình Định, rồi sau đó sống ở Bến Lức, Long An, sau đó nữa là Đầm Dơi, Cà Mau. Thế nhưng tên tuổi của ông gắn liền với Kiên Giang bởi hai sự kiện lớn:
  • Trận đánh đồn Kiên Giang và chiếm giữ được 5 ngày liền, được Huỳnh Mẫn Đạt ca ngợi trong câu Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần
  • Ông rút quân ra Phú Quốc, sau đó chịu nộp mạng để cứu nhân dân và nghĩa binh, để rồi bị Pháp xử tử tại Rạch Giá.
Vì vậy, người dân Kiên Giang yêu kính ông, tôn làm thần. Ở Kiên Giang hiện nay còn đến 9 ngôi đền thờ ông, trong đó ngôi đền thờ đầu tiên và lớn nhất hiện nằm tại số 14 đường Nguyễn Công Trứ, TP Rạch Giá, Kiên Giang.


Đền thờ Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên

25 thg 11, 2018

Chim bay về núi tối rồi

Hồi nhỏ, thường nghe má hát ru: 

Chim bay về núi tối rồi
Chị em lo liệu lấy nồi nấu cơm.

Bỏ qua câu sau, có thể có nhiều bản khác như: Sao không lo liệu, còn ngồi chi đây?/Không cây chim đậu, không mồi chim ăn..., câu đầu Chim bay về núi tối rồi nhắc ta nhớ rằng tổ chim là ở núi, buổi chiều tối là chim bay về tổ ở núi, ở rừng...

Năm 2001, tui có dịp đi công tác ở Cà Mau. Hỏi anh bạn trẻ rằng có nơi đâu gần gần để tham quan không. Ảnh biểu là khi chiều về thì đi tham quan vườn chim Cà Mau, giờ đó chim bay về tổ nhiều lắm. Vườn chim ở ngay trong lòng thành phố hà, không đi đâu xa hết!


Chim ở Vườn chim Cà Mau. Ảnh chụp năm 2001

21 thg 11, 2018

Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Đó là chùa Bửu Sơn. Ngôi chùa này nằm ở gần khu vực chợ Biên Hòa, trong một con hẻm lớn số 487 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Hòa Bình. Bạn sẽ dễ dàng thấy chùa Bửu Sơn nếu bạn... đi ăn lẩu tôm Năm Ri, bởi vì ngôi chùa nằm đối diện lối vào quán lẩu tôm.


Đã quen với hình ảnh ngôi chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội, bạn sẽ thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngôi chùa này và tự hỏi: Sao gọi là chùa Một Cột?

16 thg 11, 2018

Ngôi miếu nhỏ ở Năm Căn

Tui đang đứng lớ ngớ ở một quán nước nơi bến tàu Năm Căn (Cà Mau) thì thấy một chiếc xe 7 chỗ, bảng số Sài Gòn trờ tới. Tui nghĩ bụng: Chắc là khách Sài Gòn ra thuê ca nô cao tốc hay vỏ lãi để ra mũi Cà Mau đây mà!

Nhưng không phải. Một người phụ nữ đứng tuổi bước xuống xe và ghé vào quán, hỏi thăm chị chủ quán đường tới một ngôi miếu nào đó. Chị chủ quán vồn vã chỉ đường. Thế rồi trên xe vài ba người nữa bước xuống, có lẽ là con cháu gì đó, mang theo nhang đèn, hoa quả. Họ cùng đi bộ theo con hẻm nhỏ cạnh bến tàu.

Tui thắc mắc tự hỏi: Đã đi gần 400 cây số tới đây rồi sao không phải đi ca nô ra Đất Mũi, cũng không phải tham quan những điểm gần đây mà lại đi ra miếu? Đã chủ tâm đi ra miếu rồi, mang nhang đèn hoa quả rồi, sao lại... không biết miếu nằm ở đâu để phải hỏi đường?

14 thg 11, 2018

Chùa Monivongsa Bopharam ở Cà Mau

Chùa Monivongsa Bopharam là ngôi chùa Nam tông Khmer lớn nhất, đẹp nhất ở thành phố Cà Mau. Điều này là chắc chắn, bởi vì đây cũng là ngôi chùa Nam tông Khmer duy nhất tại thành phố này.



Tui hơi bất ngờ với thông tin rằng TP Cà Mau chỉ có duy nhất một ngôi chùa Khmer Nam tông, vì Cà Mau thuộc miền Tây Nam bộ là nơi tập trung nhiều chùa Khmer nhất cả nước, điển hình như Trà Vinh có đến 141 ngôi chùa Nam tông Khmer. Vì vậy, tui thử kiểm tra lại và quả nhiên đúng như vậy thiệt. Cả tỉnh Cà Mau chỉ có 7 ngôi chùa Nam tông Khmer, tập trung ở các huyện Thới Bình, huyện Trần văn Thời và TP Cà Mau, trong đó TP Cà Mau chỉ có một ngôi chùa là Monivongsa Bopharam.

13 thg 11, 2018

Ta gọi tên chùa Khmer

Chùa Monivongsa Bopharam ở Cà Mau

Miền Tây Nam bộ có nhiều ngôi chùa Khmer đẹp và nổi tiếng. Tên chùa bằng tiếng Khmer dài và khó nhớ (nhớ... chết liền!), cho nên người Việt ta... tự đặt ra những cái tên mới cho dễ gọi, dễ nhớ. Cách gọi tên thường là dựa theo đặc điểm của chùa hoặc phiên âm nôm na tên Khmer theo giọng Nam bộ.