14 thg 11, 2018

Chùa Monivongsa Bopharam ở Cà Mau

Chùa Monivongsa Bopharam là ngôi chùa Nam tông Khmer lớn nhất, đẹp nhất ở thành phố Cà Mau. Điều này là chắc chắn, bởi vì đây cũng là ngôi chùa Nam tông Khmer duy nhất tại thành phố này.



Tui hơi bất ngờ với thông tin rằng TP Cà Mau chỉ có duy nhất một ngôi chùa Khmer Nam tông, vì Cà Mau thuộc miền Tây Nam bộ là nơi tập trung nhiều chùa Khmer nhất cả nước, điển hình như Trà Vinh có đến 141 ngôi chùa Nam tông Khmer. Vì vậy, tui thử kiểm tra lại và quả nhiên đúng như vậy thiệt. Cả tỉnh Cà Mau chỉ có 7 ngôi chùa Nam tông Khmer, tập trung ở các huyện Thới Bình, huyện Trần văn Thời và TP Cà Mau, trong đó TP Cà Mau chỉ có một ngôi chùa là Monivongsa Bopharam.

Điều bất ngờ nữa là ngôi chùa này mới đươc tạo lập năm 1964, nghĩa là chỉ hơn 50 năm, trong khi nhiều ngôi chùa Khmer khác ở miền Tây Nam bộ có tuổi đời trên dưới 500 năm!

Một điều tuy không bất ngờ như hơi ngộ là cách dân gian gọi tên chùa. Đối với đa số chùa Khmer, do tên dài và khó nhớ, khó đọc nên người Việt thường Việt hóa nó bằng giọng đọc Nam bộ của mình, gọi theo đặc điểm của chùa (như chùa Dơi, chùa Cò, chùa Chén Kiểu...), gọi theo tên địa phương nơi chùa tọa lạc (như chùa Giồng Lớn, chùa Điệp Thạch...). Đối với ngôi chùa này người dân thường gọi đúng tên là Mô-ni-vông-sa hoặc gọi là... chùa Phường 1 (vì chùa tọa lạc tại Phường 1, TP Cà Mau).

Vì là duy nhất, lại lớn và đẹp nên chùa Monivongsa (tui không kêu là chùa phường 1 đâu nghe, vì kêu vậy có vẻ phàm tục quá) là một điểm đến hấp dẫn cho cả du khách lẫn người dân Cà Mau. Kiến trúc ngôi chùa và quần thể điêu khắc xung quanh mang đậm nét riêng biệt của một ngôi chùa Nam tông Khmer.


Tam quan chùa với tên chùa. Nhìn kiến trúc này ta liên tưởng đến những ngôi đền Angkor.


Dọc theo tường bao quanh khuôn viên chùa là những ngôi tháp mộ, mới được xây vài năm gần đây

Chánh điện có diện tích 230 met vuông (nhiều bài trên mạng ghi nhầm là chùa có diện tích 230 met vuông), cao 32 m, lối ra vào theo hướng đông và tây, được bao bọc bởi bốn bức vòng thành, nhiều vị tứ đại thiên vương quay mặt bốn hướng để hộ trì bốn phương thiên hạ. Mái chánh điện được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hoà với đỉnh nhọn như một chóp tháp.

Như tất cả các ngôi chùa Nam tông Khmer khác, trong chánh điện là một khoảng không gian rộng và thoáng, chỉ có tượng Phật Thích Ca. Trên vách, trên trần và các cột chùa được trang trí bằng nhiều phù điêu, bích hoạ kể lại cuộc đời Đức Phật.
Ngôi chánh điện


Hình ảnh Đức Phật bên trong chánh điện


Trang trí bên ngoài chánh điện

Ngay phía trước chánh điện có một tượng Phật nằm rất lớn, dễ gây ấn tượng cho người đến viếng chùa. Thành thật mà nói, nét điêu khắc tượng Phật này không được xuất sắc.



Xung quanh chùa là những cụm tượng, những công trình phụ như nhà hội của các sư sãi, nhà ở của các sư, tháp cốt...





Các cụm tượng và công trình phụ trong khuôn viên chùa

Đối với các cụm tượng kể về sự tích Đức Phật Thích Ca thì ngoài các tượng Phật đản sinh, Phật xuất gia, Phật nhập Niết bàn... như đa số các chùa đều có (cả chùa Nam tông Khmer lẫn Bắc tông Việt) thì nơi đây có thêm cụm tượng Phật vi hành và gặp cảnh sinh - lão - bịnh - tử. Nhìn chung nét điêu khắc không xuất sắc lắm.



Một điểm thú vị ở chùa Monivongsa là ngôi chùa này có rất nhiều bồ câu. Chúng hiền lành và thân thiện, đậu ở khắp nơi trong chùa. Bồ câu tập trung nhiều nhất vào  buổi sáng sớm và buổi trưa. Khi tui đến viếng chùa là lúc đã chạng vạng hoàng hôn nên chỉ chụp được cảnh một ít bồ câu như trong hình dưới đây thôi. Nếu có một tên gọi dân gian khác để gọi tên chùa Monivongsa thì có lẽ chọn tên là chùa Bồ câu chắc cũng hay đó!

Có một điểm khác nữa giữa chùa Monivongsa và các ngôi chùa Khmer Nam tông cổ kính khác ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng... là khuôn viên chùa ở các nơi ấy đều có rừng cây bao bọc xung quanh, tạo nên vẻ u nhã tuyệt đối cho ngôi chùa. Monivongsa ở ngay trung tâm thành phố, lại mới tạo dựng sau này nên khó thể có điều kiện tự nhiên lý tưởng ấy. Dù vậy, nơi đây cũng có đủ bóng mát cây xanh, có những kiến trúc đặc trưng của một ngôi chùa Khmer Nam tông, đáng để ta đến tham quan khi có dịp đến Cà Mau.


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét