Chùa Sắc tứ Tam Bảo. Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên
Cổng chùa
Khoan nói tới chuyện di tích Quốc gia hay ngôi chùa cổ nhất, ta hãy nghe kể xem tại sao ngôi chùa này gọi là Sắc tứ Tam Bảo. Những ngôi chùa có danh hiệu Sắc tứ là do được vua sắc phong để ca ngợi hay khen tặng về điều gì đó. Chùa Tam Bảo được vua Gia Long ban Sắc tứ năm 1803 (chỉ một năm sau khi vua lên ngôi), từ đó gọi là Sắc tứ Tam Bảo. Người ta cho rằng trong những năm chiến tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã từng có thời gian tạm lánh tại chùa Tam Bảo nên khi lên ngôi ông đã ban sắc tứ để tỏ lòng biết ơn. Nhà văn Sơn Nam thì kể câu chuyện ly kỳ hơn một chút: bà Dương Thị Oán (người tạo lập chùa Tam Bảo) là người giàu có nhờ buôn bán lúa gạo tại địa phương, đã cho Nguyễn Ánh những cuộn tơ tằm quý giá để làm quai chèo không đứt khi vượt biển thay cho loại quai chèo thắt bằng gai, bằng bố dễ đứt, khi đang trốn chạy Tây Sơn. Nhớ ơn này, sau đó vua đã ban Sắc tứ cho chùa.
Kiểu ban sắc tứ của vua cũng hơi giống như kiểu công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia thời nay. Di tích văn hóa hiện nay có 2 loại: Di tích Lịch sử Văn hóa và Di tích Kiến trúc Nghệ thuật. Chùa Tam Bảo là Di tích Quốc gia, nhưng không phải Di tích Kiến trúc Nghệ thuật (có kiến trúc độc đáo, tính nghệ thuật cao), mà là Di tích Lịch sử Văn hóa. Đó là những di tích gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng nào đó. Và sự kiện lịch sử khiến cho chùa được Bộ Văn hóa Thể thao công nhận di tích không phải sự kiện liên quan đến đến vua Gia Long như đã kể trên, mà là liên quan đến... cộng sản! Chùa từng được các nhà sư như Sư Trí Thiền (trụ trì chùa), Sư Thiện Chiếu, Sư Thiện Ân sử dụng làm trụ sở Hội Phật học Kiêm tế, tạp chí Tiến hóa, điểm liên lạc Liên tỉnh ủy Hậu Giang. Một tấm bảng gắn bên hông chùa nhắc nhở rằng đây từng là Trụ sở Liên lạc Xứ ủy Nam kỳ năm 1941.
Bảng ghi nhận vị trí lịch sử của chùa
Nói Sắc tứ Tam Bảo tự là ngôi chùa cổ nhất Rạch Giá e rằng không chính xác. Như đã nêu trên, chùa được bà Dương thị Oán xây khoảng năm 1790 trở về sau, lúc bấy giờ kết cấu đơn sơ, vật liệu chính là tre nứa. Mãi đến 1917 mới có kiến trúc như ngày nay, trùng tu ngôi chánh điện năm 1997, nhà hậu tổ năm 1998, Tây lang năm 1999, cất tăng xá năm 2000, Đông lang năm 2001. Ta có thể dễ dàng thấy nét kiến trúc rất mới. Nếu chỉ xét riêng chùa Việt và xét từ thời điểm thành lập ban đầu thì cũng chỉ có thể nói đây là một trong những ngôi chùa xưa nhất Rạch Giá, vì cùng thời điểm 1790 cũng có một ngôi chùa khác được xây dựng nơi đây mà chưa chắc ai xưa hơn ai, đó là chùa Sắc Tứ Thập Phương. Còn nếu xét cả các chùa Khmer thì chắc chắn chùa Khmer xưa hơn nhiều, có thể kể chùa Phật Lớn thành lập từ năm 1504.
Quang cảnh chùa
Bộ tượng Di đà Tam tôn
Tháp mộ của Hòa thượng Bổn Châu, trụ trì chùa Tam bảo 1962 - 1970 và 1974 - 1995
Cổng chùa, nhìn từ bên trong. Điều đáng tiếc là tên chùa lại viết... sai chính tả! Đáng lẽ là "Tam Bảo Tự" thì lại viết thành "Tam Bão Tự"
Tóm lại, nếu bạn muốn tìm đến một ngôi cổ tự với những kiến trúc xa xưa thì bạn sẽ thất vọng. Còn nếu bạn muốn tìm đến một địa chỉ đỏ, một di tích cách mạng thì... được đó!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét