7 thg 5, 2019

Tre xanh xanh tự bao giờ

Tôi đến Làng tre Phú An 2 lần, cách nhau đúng 10 năm. Lần thứ nhất vào tháng 8/2008, khi khu du lịch sinh thái làng tre Phú An mới chính thức mở cửa và phục vụ du khách được 4 tháng. Lần thứ hai vào ngày cuối cùng của năm 2018.

Lý do thôi thúc tôi đến Làng tre Phú An lần đầu là bởi câu chuyện có phần như... cổ tích của người lập ra nó: Tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh. Đáng tiếc là cả 2 lần đến đây tôi đều không có dịp gặp người phụ nữ đáng kính này.


Làng tre Phú An - 2008

Làng tre Phú An là một điểm đến tuyệt vời với khung cảnh kỳ ảo của những rặng tre bát ngát, thế nhưng tôi nghĩ rằng sẽ là một thiếu sót lớn nếu chỉ thưởng ngoạn khung cảnh ở đây mà không nói về cội nguồn phát sinh ra nó. Vì vậy tôi xin phép góp nhặt thông tin để nói về sự hình thành Làng tre Phú An và người sinh ra nó: Tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh.

Tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh tốt nghiệp ngành sinh lý thực vật Đại học quốc gia Sài Gòn năm 1974, bà lấy bằng tiến sĩ về khoa học môi trường tại Đại học Paris 12 (Pháp) năm 1994.

Bà tâm sự: "Rất nhiều người thắc mắc vì sao tôi từ bỏ cuộc sống an nhàn cùng gia đình, con cái ở nước ngoài để về đây lăn lộn với Làng tre. Ngay cả tôi cũng không thể lý giải được. Có lẽ vì tôi mê tre quá. Với tôi, cây tre không chỉ là một loài thực vật vô tri vô giác, mà gần như là một thực thể sống, biết yêu thương và vui buồn. Vì vậy, tôi đã đưa những giống tre từ cao nguyên về trồng ở trên vùng đất đắp cao hay trồng gần những chiếc cầu khỉ của miền Tây và làm thêm dòng kênh nhân tạo để cây… đỡ nhớ nhà!"

Tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh

Câu chuyện hình thành làng tre Phú An được bà kể lại như sau:

Vào năm 1999, trong một lần về thăm quê, xã Phú An, Bình Dương. bà con gặp lại tôi, trách móc: "Học cao, từng là tiến sĩ ở bên Tây về mà sao không chịu làm gì đó có lợi cho quê mình?”. Câu nói bất ngờ của những người dân quê khiến tôi luôn trăn trở “cần phải làm điều gì đó cho quê nhà”. Một lần lang thang dạo quanh xóm, tôi thấy vùng đất quê mình có khá nhiều tre. Ý tưởng hình thành làng tre khiến tôi bắt tay viết dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Việt, cùng nhiều loài cây bị đe dọa tuyệt chủng khác ở Đông Nam Bộ. Ban đầu, xã duyệt cấp đất, người dân địa phương đóng góp được 10 triệu đồng. Dĩ nhiên để thực hiện một bảo tàng tre thì số tiền ấy chả thấm vào đâu. Tôi thử “gõ cửa” Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh với mong muốn được hỗ trợ thêm chút ít. Họ tư vấn, dự án quá nhỏ nên phải viết lại dự án mang tầm quốc tế, kêu gọi tài trợ của vùng Rhône Alpes (Pháp). Khi dự án tạm hoàn tất thì nước Pháp bầu cử. Chính quyền mới không muốn tiếp tục thực hiện dự án nên cử ông Jean Philipe Bayon - Phó Chủ tịch vùng Rhône Alpes sang Việt Nam với ý định bác bỏ việc tài trợ. Thế nhưng khi đến làng, nhìn thấy những bụi tre quý hiếm được chúng tôi sưu tầm, ông thay đổi ý định. Sau đó, tôi được mời sang Rhône Alpes trình bày ý tưởng làng tre. Năm 2003, Hội đồng vùng Rhones Alpes quyết định tài trợ cho dự án 596.000 Euros (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008). Kể từ đó, dự án chính thức được hình thành bởi sự hợp tác giữa 4 đơn vị là tỉnh Bình Dương, ĐH Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, vùng Rhône Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat – cộng hòa Pháp. Ngoài việc vùng Rhône Alpes ủng hộ tài trợ, tỉnh Bình Dương quyết định cấp 10 ha đất tại xã Phú An và đóng góp thêm khoản kinh phí 1,5 tỷ đồng để xây dựng nên làng tre Phú An.

Giải thưởng Xích đạo cho Làng tre Phú An

Trung tâm nghiên cứu bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên Làng tre Phú An ra đời từ năm 1999, nhưng đến tháng 4 năm 2008 khu du lịch sinh thái làng tre Phú An mới chính thức mở cửa và phục vụ du khách. 

Làng tre Phú An đã được trao giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2010.Ngày 14/5/2016, Làng Tre Phú An được công nhận là thành viên của Hiệp hội các Vườn thực vật nói tiếng Pháp trên thế giới. Cá nhân bà Diệp thị Mỹ Hạnh đươc Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, vì sự nghiệp giáo dục và bảo tồn đa dạng sinh học năm 2009.

Hiện nay, Làng tre Phú An là nơi tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 200 loài khác nhau và được xem là trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á.

Mời các bạn xem thêm clip này để hiểu thêm về Tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh và Làng tre Phú An nhé.


Bạn có nghĩ rằng người phụ nữ thôn quê tóc bạc, đã gần thất thập mà vẫn rất cần cù lam lũ với cây tre này là một tiến sĩ khoa học đã từng được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm hay không?

Nhiều người cho là việc thu nhặt từng bụi tre trên khắp đất nước để hình thành một Làng tre Phú An quy mô lớn như hiện nay là một việc phi thường đối với một phụ nữ sắp bước sang tuổi thất tuần như Tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh. Bà kể:
  • Có lẽ chỉ có niềm đam mê mới giúp tôi làm được điều đó. Hễ nghe ở đâu có giống tre mà làng Phú An chưa có là tôi tìm đến ngay. Tôi di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào tìm được, từ xe ôm đến xe cải tiến, xuồng, xe tải… Lên miền núi thì ráng đi bộ, leo núi. Tôi vẫn nhớ những chuyến lội bộ không mỏi để tìm tre vuông ở miền núi phía Bắc, tre dây ở Thanh Hóa, tre gai ở đỉnh Fansipan.

Đi trong Làng tre với bóng tre rợp mát, ta nghe như vọng đâu đây câu thơ của Nguyễn Duy:

Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh

Và bây giờ mời bạn hãy bước vào Làng tre Phú An... (mời vậy thôi,  chớ lúc nào rãnh tui mới viết tiếp).

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét