4 thg 5, 2019

Ngày xưa còn bé bỏng, cắp sách đến trường học...

Tui thường nhận thấy và tự hỏi: Không hiểu vì sao khi trò chuyện với những đàn anh chỉ lớn hơn tui chừng hai, ba tuổi lại cảm thấy họ có trình độ hiểu biết và nhận thức về xã hội, về văn hóa... cao hơn hẳn mình. Thắc mắc là bởi 2 tuổi không hề là con số đáng kể khi người ta đã vài chục tuổi và càng không đáng kể khi người ta đã sang tuổi sáu mươi. Nếu xét về học vấn thì có thể tự kiêu một chút mà nói rằng tui không hề thua kém các anh ấy, thậm chí là... hơn. Bởi vì tui đã tốt  nghiệp đại học đàng hoàng và khi đi học năm nào cũng là học sinh xuất sắc. Vậy thì tại sao?


Rồi tui có dịp đọc cuốn Giáo dục Phổ thông Miền Nam (1954 - 1975). Cần nói rằng tui là một đứa sinh ra và lớn lên ở miền Nam, bắt đầu đi học tại miền Nam và thừa hưởng nền giáo dục miền Nam mãi tới năm 1975, khi tui đang học lớp 10. 10 năm tui được hưởng nền giáo dục miền Nam, chỉ có điều khi đó tui là một đứa trẻ chỉ biết tiếp thu những gì người ta dạy mình chớ không biết những mục tiêu, mục đích của hệ thống giáo dục đó là gì. Đến bây giờ già đầu rồi ngồi đọc tài liệu này mới hiểu rõ hơn mình đã từng được đào tạo như thế nào.

Xin được ngừng một chút để giới thiệu sơ qua về cuốn Giáo dục Phổ thông Miền Nam (1954 - 1975). Đây là một cuốn sách mới được xuất bản năm 2018, do PGS. TS. Ngô Minh Oanh chủ biên. Có thể điểm qua nội dung sách bằng cách xem Mục lục (click vào hình để xem phóng to).



Như đã nói, trước 1975 bản thân tui là một trong những đối tượng của nền giáo dục này nhưng không có điều kiện hiểu rõ, bây giờ đọc sách, hồi tưởng lại những gì đã trải qua hơn 40 năm trước mới thấy được nhiều điều lý thú. Sách dựa trên rất nhiều tư liệu của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, và điều thú vị là viết rất khách quan, không theo kiểu viết chế độ ta mới là ưu việt, nền giáo dục của bọn Mỹ ngụy rất lạc hậu, phản động. Hầu như toàn bộ sách ta thấy các tác giả nêu lên những điều tốt đẹp của nền giáo dục miền Nam và không ít đoạn bày tỏ sự ngưỡng mộ (dĩ nhiên phải có vài đoạn nhỏ nhỏ nói về sự hạn chế bởi chế độ cũ, chớ nếu không thì làm sao mà xuất bản được!).

Xin xem qua đoạn nói về Triết lý giáo dục của miền Nam trước 1975 (click vào hình để xem phóng to):






Rất nhiều nội dung hấp dẫn của cuốn sách và cũng là của nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa mà tui không thể kể hết ra đây. Tuy nhiên có một điều mà tui muốn ghi ra đây vì dường như nó trả lới cho câu hỏi tui nêu ra ở đầu bài. Đó là mục tiêu chung của ngành giáo dục miền Nam, mục tiêu phát triển toàn diện mỗi cá nhân: "Giúp học sinh trở thành những con người toàn diện về 6 phương diện: đức, trí, thể, tình cảm, thẩm mỹ và xã hội".

Khi tui kết thúc năm học lớp 10 cũng là kết thúc nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa và bắt đầu cho nền giáo dục CHXHCNVN. Tưởng chừng như con đường học vấn vẫn trơn tru, tui vẫn tốt nghiệp cấp 3, vẫn lên đại học, nhưng dường như là con đường giáo duc khác đi nhiều lắm.

Các ánh lớn hơn tui 2 tuổi, đồng nghĩa với việc được hưởng thụ nền giáo dục phổ thông miền Nam nhiều hơn tui 2 năm. 2 trên 12 là một tỷ lệ không nhỏ, nhất là những năm cuối phổ thông mục tiêu của ngành giáo dục càng rõ nét. Xin hãy chú ý đến triết lý giáo dục ở trên và 6 phương diện: đức, trí, thể, tình cảm, thẩm mỹ và xã hội. Phải chăng 2 năm cuối phổ thông tui thua hẳn các anh ở cả 5 phương diện đức, thể, tình cảm, thẩm mỹ và xã hội, và điều đó đã tạo nên sự khác biệt?

Có thể nhiều bạn cho rằng tui võ đoán và có phần thiên vị cho nền giáo dục ngày xưa. Có thể như vậy, nhưng dù sao với riêng mình, tui cảm thấy hài lòng với cách lý giải này.

Điều nhỏ nhoi cuối cùng tui muốn giới thiệu với các bạn: Giáo dục Phổ thông Miền Nam (1954 - 1975) là cuốn sách đáng đọc, nhất là những bạn ở trên dưới độ tuổi của tui. Nếu không phải để tìm hiểu, nghiên cứu thì cũng là để nhớ lại và hiểu hơn một thời mình đã từng được dạy dỗ như thế nào.


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. Một nền giáo dục nhân bản, tiên tiến .... Tiếc thay ...

    Trả lờiXóa