Có bóng tre
Bóng tre che thôn nghèo...
Bước qua cổng Làng tre Phú An, bạn sẽ đi vào một con đường rợp bóng tre. Nếu bạn là người từ lâu xa quê hương, và lúc ấy nước mắt chợt rưng rưng nhớ đến những lời ca tha thiết của bài Đường xưa lối cũ như trên, thì hãy cứ để lòng mình tuôn trào cảm xúc vì có mấy khi bạn được ôm ấp bên lũy tre xanh làng quê như vậy đâu!
À thôi, hãy cho qua cơn xúc động để trở lại với đường đi. Từ Sài Gòn hay đâu đó bạn hãy đi tới con đường chính của Bình Dương là đại lộ Bình Dương (tức quốc lộ 13), từ đây bạn tiếp tục đi đến khi có một ngã ba, bên trái là đại lộ Nguyễn Chí Thanh, bên phải là quốc lộ 13, hãy rẽ trái. Từ ngã ba này bạn tiếp tục đi theo đại lộ Nguyễn Chí Thanh, tức tỉnh lộ 744, khoảng 10 km, nhìn bên tay phải bạn sẽ thấy Làng tre Phú An.
Cổng vào Làng tre
Như đã kể trong bài Tre xanh xanh tự bao giờ, Làng tre Phú An là nơi tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 200 loài khác nhau, đây là công trình tâm huyết của Tiến sĩ Diệp thị Mỹ Hạnh được lập nên từ năm 1999 với mục đích sưu tầm, bảo tồn tre và thực vật phục vụ cho nghiên cứu khoa học, hướng dẫn người dân địa phương trồng và chăm sóc tre đúng kỹ thuật, biến khu tam giác sắt bị bom đạn cày xới thành vùng tam giác được phủ xanh bởi các loài thực vật… Trên mảnh đất nhỏ 10.000 m² ban đầu, những giống tre từ khắp nơi được đưa về hình thành bộ sưu tập tre đầu tiên ở Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Khu du lịch sinh thái làng tre Phú An mới chính thức mở cửa và phục vụ du khách từ tháng 4/2008.
Mục đích chính của Làng tre Phú An không hề là khu vui chơi du lịch, vì vậy du khách đến đây xin đừng kỳ vọng những tiện nghi hoặc loại hình giải trí chuyên nghiệp. Ở đây chỉ có tre, và... tre. Tôi chỉ muốn lưu ý điều này một tí, vì trên Google Maps tôi thấy có khá nhiều du khách đến đây và để lại nhận xét, đại để là "chán ngấy, chẳng có gì để chơi hết" và chấm điểm nơi này rất thấp. Vâng, nếu bạn tìm đến môt nơi chơi đùa nhộn nhịp thì có lẽ giải pháp... đi về là tốt nhất.
Ở đây không có cửa hàng ăn uống, gian hàng mua sắm gì hết và cũng chẳng có hướng dẫn viên du lịch nữa. Bạn thông cảm nhé, họ là những nhà khoa học để nghiên cứu, người nông dân để bảo vệ và chăm sóc tre thôi mà.
Điều bạn có được là không gian bao la xanh mát của những rặng tre. Tôi không phải người chuyên tìm hiểu về tre, nhưng tôi biết rằng nơi đây có đủ tất cả các loại tre ở mọi miền đất nước. Những bụi tre được trồng ở những nơi phù hợp với quê hương sinh sống của nó. Có những bụi tre được trồng nơi gò đất cao vì nó vốn sống ở núi rừng cao nguyên, có những bụi tre được trồng ven bờ nước vì quê của nó vốn ở đồng bằng... Và những người ở đây đã tạo nên những tiểu cảnh miền quê, vừa để phù họp với điều kiện sinh sống của từng loại tre, vừa khiến ta nao lòng thương nhớ miền quê thuở nào. Đây đó có những lu nước, những phiến đá, cầu ao... tạo nên khung cảnh miền quê thân thương, mộc mạc.
Bạn có thể tìm thấy vô số góc máy thật lãng mạn để chụp những bức ảnh nên thơ. Tôi thấy có những cặp vào đây chụp ảnh cưới. Có cả nhóm bạn trẻ mặc y phục theo kiểu cổ trang với những thanh gươm trong tay, tạo dáng múa gươm chụp ảnh trong rừng tre. Có lẽ là lấy ý tưởng theo cảnh trong phim Thập diện mai phục.
Mỗi bụi tre đều được gắn bảng ghi tên khoa học, xuất xứ, giúp bạn hiểu được về giống tre. Có một số bụi tre, ở bảng tên có ghi tên cha mẹ nuôi của cây tre. Do kinh phí để chăm sóc, bảo tồn tre còn hạn chế nên Làng tre kêu gọi những vị ân nhân hỗ trợ cho làng, mỗi người đóng góp 2 triệu đồng/năm để chăm sóc tre sẽ trở thành cha mẹ nuôi của tre. Bạn có muốn có đứa con là cây tre trong làng tre này không?
Làng tre có một phòng trưng bày những sản phẩm làm từ tre, cùng những hình ảnh, thuyết minh về tre. Khi tôi đến đây vào tháng 8/2008, khu du lịch sinh thái này mới khai trương 4 tháng, phòng trưng bày rất đẹp và phong phú.nhưng khi đến lần sau (tháng 12/2018) đã thấy xơ xác nhiều. Nhiều hiện vật đã được gom lại... trong kho. Người bạn trẻ quản lý nơi đây cho biết do nhà trưng bày xuống cấp nên đang phải chỉnh trang lại nhưng do... không có tiền nên mọi việc chưa đâu vào đâu. Thời điểm này là kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Làng tre Phú An, không biết Làng đã có đủ kinh phí để thực hiện những điều mình mong muốn hay chưa?
Phòng trưng bày sản phẩm từ tre - tháng 8/2008
Ở gian phòng nơi tiếp khách, người ta thấy một bàn thờ tạm (vì phòng chính đang sửa chữa) với một bức tượng bán thân và một di ảnh của hai nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng. Tượng bán thân là của nữ Giáo sư Tiến sĩ Mai Trần Ngọc Tiếng, di ảnh là của Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ. Cả hai là những nhà khoa học đầu ngành của ngành sinh lý học thực vật Việt Nam. Trong Làng tre có một con suối được đặt tên là Suối Thầy Hộ để tưởng nhớ GS Phạm Hoàng Hộ.
Cây tre là loài cây gắn bó với làng quê Việt Nam từ ngàn xưa, như Nguyễn Duy đã viết:
Tre xanh
xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
(Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)
Tre gắn bó với hình ảnh quê hương, khiến ai đó trong mối tình hoài hương lại nhớ đến vòm tre non
Lửa bếp nồng,
vòm tre non,
làn khói ấm hương thôn!
(Tình hoài hương - Phạm Duy)
Thành ra, bạn ơi, nếu muốn tìm về hình ảnh thân thương ấy xin hãy một lần về Làng tre Phú An để đi trên con đường xưa, lối cũ
Đường xưa lối cũ,
có bóng tre,
bóng tre che thôn nghèo
Thành ra, bạn ơi, nếu muốn tìm về hình ảnh thân thương ấy xin hãy một lần về Làng tre Phú An để đi trên con đường xưa, lối cũ
Đường xưa lối cũ,
có bóng tre,
bóng tre che thôn nghèo
(Đường xưa lối cũ - Hoàng Thi Thơ)
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét