11 thg 12, 2019

Mộ của vua voi

Buôn Đôn và Bản Đôn

Ở cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 50 km về phía Tây là một vùng đất từ lâu nổi tiếng về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, gọi là Buôn Đôn. Nơi này xưa kia là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, nhưng sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và để chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột.

Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng M'Nông và Ê đê, nghĩa là làng Ðảo, vì  được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk có nhiều đảo nhỏ nổi giữa dòng nước ngày đêm cuồn cuộn chảy. 




Cỡi voi ở Buôn Đôn. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Vậy còn Bản Đôn là gì, như trong bài hát Chú voi con ở Bản Đôn của Phạm Tuyên? Sinh sống ở buôn Đôn là một cộng đồng đa sắc tộc, gồm người M'Nông, người Êđê, người Lào... Trong tiếng Lào, làng đọc là bản. Vậy Bản Đôn chính là Buôn Đôn, đọc theo tiếng Lào.

Vua voi



Buôn Đôn. Người đang nắm tai voi chắc là vua săn voi!

Vua voi hay vua săn voi là danh hiệu tôn kính người dân dành cho
vị tù trưởng đầy quyền lực và được khắp vùng kính phục, người đã khai sinh ra Buôn Đôn, có công lớn trong buổi đầu tạo lập và phát triển nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nơi đây, cũng là người săn được nhiều voi rừng nhất với trên 400 con. Ông là Y Thu K'Nul (1828 - 1938), người ta kể rằng ông đã săn được một con voi trắng đem tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861, vua Thái rất cảm phục và phong tặng ông danh hiệu Khunjunob nghĩa là Vua săn voi (có một giải thích khác rằng khunjunop không phải vua săn voi, mà là người tướng chào, xem ở đây).

Sau khi Y Thu K'Nul mất, người ta tặng danh xưng Vua voi cho những người săn voi lỗi lạc khác. Những danh xưng này là không chính thức, cũng giống như người ta tặng danh xưng ông hoàng nhạc sến hay nữ hoàng boléro vậy á. Có điều những ông vua này có thực chất ở chỗ họ săn được rất nhiều voi. Hai người nổi tiếng nhất trong số đó là R'Leo K'Nul, cháu gọi Y Thu K'Nul bằng cậu, Ama Kông, cháu rể của Y Thu K'Nul.

Mộ của Vua voi


Trên đường ra mộ vua voi. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Như nêu trên, Vua voi chính thức chỉ có một, đó là Khunjunop hay Y Thu K'Nul. Mộ của ông là một di tích quan trọng mà du khách đến Buôn Đôn thường không bỏ qua. Ông mất năm 1938, thọ 110 tuổi và được chôn cất trong khu lăng mộ của gia đình. Khu lăng mộ này chỉ dành riêng cho vua voi và các dũng sĩ săn voi. Truy cập mạng Internet, bạn sẽ thấy ảnh mộ vua săn voi Khunjunop như sau:


Mộ vua voi ở Buôn Đôn. Ảnh: Đỗ Tuấn Hưng trên Wikipedia

Nhìn ảnh trên bạn nghĩ đâu là mộ vua voi? Có lẽ đa số sẽ nghĩ là kiến trúc hình tháp nhọn bên phải. Nhưng thật ra mộ vua voi Khunjunop là kiến trúc hình chữ nhật bên trái. Bên phải là mộ của R'Leo K'Nul.

R' Leo K' Nul chính là người đứng ra lo liệu xây mộ cho Vua voi. Mộ dựa theo kiến trúc M' Nông - Lào kết hợp để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị tù trưởng quá cố. Kiến trúc nhà mồ theo văn hóa M' Nông - Lào của ngôi mộ ông thể hiện khá rõ qua mô-típ hình khối được trang trí bằng các búp sen trên bốn góc và đỉnh mộ.

Mộ Vua săn voi Y Thu K'Nul. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

R' Leo K' Nul cũng là một dũng sĩ săn voi, ông cũng đã tặng Bảo Đại một voi trắng và thành lập cho vị vua này một đội voi săn "Hoàng Gia Bảo Đại". Ông qua đời năm 1947, thọ 70 tuổi. Ba năm sau khi ông qua đời, lễ bỏ mả cho ông được thực hiện và mộ ông được xây dựng theo kiến trúc đền tháp Campuchia. Đây là mẫu kiến trúc do vua Bảo Đại cho người sưu tầm và cử nhóm đại diện đến trực tiếp thi công.

Mộ R'Leo K'Nul. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nếu bạn tìm trên mạng, bạn sẽ thấy khoảng 50% trang mạng đăng hình mộ R'Leo K'Nul và chú thích sai là mộ Vua săn voi Khunjunop! Chắc tại họ chưa tới đây, chỉ search thông tin trên mạng và thấy hình mộ của R'Leo... đẹp hơn nên chú thích đại là mộ Vua săn voi. Tệ hại hơn nữa, có vài trang còn đăng hình mộ của Ama Kông (cháu rể Vua săn voi, mới chết năm 2012) mà chú thích là mộ vua săn voi!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét