29 thg 12, 2019

Về Xuân Lộc thăm núi Chứa Chan

1.
Tuổi nhỏ của tui ở Xuân Lộc, Long Khánh, tỉnh Long Khánh chớ không phải thành phố Long Khánh như bây giờ. Và quận Xuân Lộc bao gồm cả Long Khánh và Xuân Lộc của ngày nay. Quê hương trong tui ngày thơ ấu như vậy đó.

Hồi nhỏ ham đọc sách, thấy người ta tả cảnh núi non hùng vĩ, dòng sông uốn quanh mà thích. Nhìn lại quê mình, không có con sông nào hết. Sông La Ngà ở Định Quán ngày đó cũng thuộc tỉnh Long Khánh nhưng đối với đứa nhỏ không được đi đâu xa như tui thì sông chỉ có trong tưởng tượng.

May thay, Xuân Lộc còn có núi, núi Chứa Chan. Núi Chứa Chan là thứ duy nhất trong sông núi hữu tình để tui tự hào và... làm thơ về quê hương của mình.

Hồi đó, trên đường tui đi học về mỗi ngày, núi Chứa Chan lững lờ mây trắng ở trước mặt. Đường về nhà là hướng từ bịnh viện (quốc lộ 1) về phía Tòa Hành chánh tỉnh. Thấy núi trước mắt thôi, chớ cũng cách xa tới 20 cây số. Nhưng nhiêu đó đủ để thằng nhóc mơ mộng làm thơ.


Điệp khúc những chuyến về

Chiều ta về, lang thang trong gió
Phố Khánh buồn, vắng lặng, bụi mờ xa
Cỏ đong đưa theo điệu buồn hiu quạnh
Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà

Chiều ta về, bơ vơ trong nắng
Ngại ngùng sao, từng giọt vỡ òa
Sắc cây xanh tan theo màu nắng úa
Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà

Chiều ta về, mưa bay lất phất
Khung trời thân quen bỗng nhạt nhòa
Bụi mưa buồn thấm hồn ta lành lạnh
Ngọn Chứa Chan mây phủ chiều tà

Chiều ta về, mây còn phiêu bạt
Để Chứa Chan lặng đứng trơ vơ
Gió vẫn bay, nắng vẫn còn lặng lẽ
Ơi, mưa ơi, ta muốn lạnh hồn thơ

Bài thơ này viết năm học lớp 10 (1974), đăng trên Đặc san Xuân của lớp, và ở đâu đó quên rồi, chỉ nhớ là người biên tập tự động đổi tựa bài thành: Mây phủ chiều tà....

2.
Mặc dù yêu quý núi Chứa Chan quê mình như vậy nhưng tui chưa từng lên núi Chứa Chan. Ngay cả sau này biết Chứa Chan là ngọn núi cao thứ nhì miền Nam (cao 837 m, chỉ sau núi Bà Đen ở Tây Ninh) và có rất nhiều huyền tích, tui chỉ có thể... viết blog kể lể chớ chưa có dịp lên trên núi.


Trên bước đường du lịch tui đã đến nhiều ngọn núi: núi Bà Đen (cả leo bộ và đi cáp treo); núi Tà Cú (một lần leo bộ và nhiều lần đi cáp treo); các ngọn núi thấp ở miền Tây như núi Sam, núi Cấm; những ngọn núi ở miền Trung như Bạch Mã, Bà Nà, Hòn Bà; miền Bắc như chập chùng núi ở Hà Giang... Nhưng núi Chứa Chan thì KHÔNG.

Dì Bảy của tui càng bi đát hơn, năm 1969 khi vừa 20 tuổi bà được phân công về dạy học ở trường Tiểu học Gia Ray, ở ngay chân núi Chứa Chan và công tác tại đó nhiều năm. Vậy mà suốt từ đó tới nay, 2019, đã nửa thế kỷ qua bà chưa có dịp lên ngọn núi đã từng ở ngay trước mặt mình. Các cậu của tui cũng vậy, nay đã bước qua tuổi cổ lai hy và sống ở Long Khánh mấy chục năm nay nhưng chưa từng lên núi Chứa Chan.

Tui và các dì, cậu của mình ngày càng già - trẻ nhất là tui thì cũng đã bước qua tuổi 60 - và biết chắc rằng mình không còn đủ sức khỏe để leo núi Chứa Chan. May thay, năm 2016 hệ thống cáp treo núi Chứa Chan đã hoàn thành, đáp ứng  nhu cầu lên núi của những ông già, bà già thiếu sức khỏe.


Vậy mà trù trừ mãi tới nay, khi đã đến những ngày cuối năm 2019, cậu - dì - cháu tui mới sắp xếp một chuyến đi cáp treo lên núi Chứa Chan, vừa đủ kịp kỷ niệm 50 năm ngày dì Bảy tui đặt chân mình đến chân núi Chứa Chan để dạy học. 

3.
Những cảm xúc của tui khi lên núi Chứa Chan (dù lên bằng cáp treo) khá nhiều và đa dạng, xin được kể lại vào một dịp khác. Ở đây chỉ xin ghi lại một số thông tin để ai chưa có dịp lên núi và đang muốn đi có dịp tham khảo.


Nếu còn đầy đủ sức khỏe và sung mãn, hãy chọn phương án lên xuống núi bằng cách leo bộ. Thời gian leo lên núi là từ 3 đến 4 tiếng. Leo xuống nhanh hơn nhưng đừng nghĩ là không mệt, vì rất dốc và nguy hiểm.

Nếu ít sức khỏe hơn, hãy mua vé cáp treo một chiều lên và xuống bằng cách leo bộ. Cáp treo sẽ đưa bạn đến vị trí chùa Bửu Quang (còn gọi là chùa Gia Lào) là địa điểm hành hương nổi tiếng trên núi, ở độ cao 660 met. Từ đó bạn có thể leo lên đỉnh ở độ cao 837 met hoặc loanh quanh nơi đó rồi đi xuống. Hành trình đi xuống bạn có dịp ngắm cảnh dọc đường đi và đặc biệt là tham quan cây da một ngọn ba gốc.

Nếu ít sức khỏe hơn nữa và thiếu thời gian, hãy mua vé cáp treo khứ hồi (như tụi tui). Chú ý rằng từ nhà ga cáp treo đến chùa Bửu Quang và tham quan quanh chùa cũng hơi mệt đối với người già, yếu.

Nếu ít sức khỏe hơn nữa, có thể chọn phương án là... ngồi ở nhà, coi hình. Cũng được và đỡ tốn tiền.

4.


Đến Khu Du lịch Núi Chứa Chan, dù có đi cáp treo hay không bạn vẫn phải tốn tiền vé vào cổng là 14.000 đ người.

Giá vé đi cáp treo (thời điểm tháng 12/2019):
  • Khứ hồi: 180.000 đ/người lớn, 90.000 đ/trẻ em.
  • Chiều lên: 110.000 đ/người lớn, 60.000 đ/trẻ em. 
  • Chiều xuống: 90.000 đ/người lớn, 50.000 đ/trẻ em.
Thông số kỹ thuật về cáp:

Số lượng trụ tháp: 10 trụ
Độ cao chênh lệch giữa 2 nhà ga: 255m
Tốc độ truyền động: 6m/s
Số lượng cabin thiết kế: 44 cabin
Sản xuất và lắp đặt: Doppelmayr Seilbahehmen (Áo)
Khoảng cách giữa 2 nhà ga: 1.265m
Công suất thiết kế: 2.400 người/giờ
Loại cabin: 8 người/cabin.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét