Nói đến trí tuệ nhân tạo (AI) người ta thường nghĩ đến những ứng dụng cao siêu hoặc mang lại lợi ích lớn, như AI viết văn, dịch thuật hay AI đấu cờ với người, nhưng với Sara Robinson thì lại khác. Vốn là một chuyên gia về AI của Google, và lại đang có nhiều thời gian ở nhà do cách ly vì dịch bệnh, cô nghĩ đến việc ứng dụng AI để… làm bánh và trình bày lại kết quả ấy trên blog của mình.
Trên thực tế, lượt tìm kiếm về “nướng bánh” ở Mỹ tăng vọt
trong tháng 11 và 12 năm 2020. Lý do chính là bấy giờ là mùa đông, mùa nghỉ lễ
và nhất là nhiều người vẫn đang trong tình trạng cách ly, phải ở nhà. Không đi
chơi xa được nên người ta ở nhà làm bánh. Thế nhưng Robinson Sara lại làm khác đi
một chút, thay vì tự mình đi nướng bánh, cô lại nhờ AI hỗ trợ xem điều gì khiến
các loại bánh khác nhau. Hơn nữa, cô muốn nhờ AI tạo ra công thức làm bánh mới!
Trước khi kể lại những điều Sara đã làm, ta cần tìm hiểu một chút về sự phân chia các loại bánh ở Âu Mỹ. Có 3 dòng chính là cookie (bánh quy), cake (bánh ngọt) và bread (bánh mì). Cookie thì giòn (crunchy), cake thì mềm (spongy) và bread thì xốp (fluffy).
Nguyên liệu chính để làm bánh quy, bánh ngọt hay bánh mì đều
là bột, đường, sữa… vậy những yếu tố gì khiến cho một loại bánh nào đó là cookie,
cake hay bread? Sara quyết định để cho AI tìm câu trả lời. Xa hơn một chút, sau
khi AI đã tìm hiểu về các loại bánh để trả lời câu hỏi trên rồi - tức là nó đã
có những hiểu biết nhất định về chuyện làm bánh rồi – thì Sara ra lệnh cho nó hãy
nghĩ ra những công thức làm bánh mới, không giống bất cứ thứ bánh nào nó đã tìm
hiểu.
Sara bắt đầu bằng cách sưu tầm khoảng 600 công thức làm bánh
trên mạng Internet. Mỗi công thức ấy tất nhiên có xác định rõ nó làm ra loại bánh
gì. Sẽ có rất nhiều loại nguyên liệu làm bánh xuất hiện trong 600 công thức trên.
Để đơn giản hóa một phần công việc, Sara đúc rút lại chỉ còn 16 nguyên liệu chính
như sau: Men, bột mì, đường, trứng, chất béo (tổng hợp của bất kỳ loại dầu nào),
sữa, baking soda, bột nở, giấm táo, sữa béo (buttermilk), chuối, bí ngô nghiền,
trái bơ, nước, bơ, muối. Một số nguyên loại ít dùng sẽ không được kể vào, như: quế,
vụn sô cô la, hạt nhục đậu khấu… Việc kế tiếp là chuyển đổi tất cả các đơn vị đo
lường về ounces (đơn vị đo trọng lượng của Mỹ, 1 ounce = 28,35g) vì có những chỗ
ghi trọng lượng bằng “một muỗng cà phê”, “một muỗng canh”,…
Bước quan trọng nhất là sử dụng một công cụ Google Cloud có
tên là AutoML Tables để xây dựng mô hình máy học phân tích lượng thành phần của
công thức và dự đoán xem đó là công thức cho bánh quy, bánh ngọt hay bánh mì.
Mô hình của Sara có thể xác định chính xác gần 100% công thức
nào là bánh mì, bánh quy và bánh ngọt.
Những bảng phân tích do AutoML Tables tạo ra cho thấy mô
hình phụ thuộc nhiều vào từng thành phần như thế nào khi đưa ra dự đoán. Trong
trường hợp ta đang xem, có vẻ như bơ, đường, men và trứng là những yếu tố dự
đoán quan trọng để xác định công thức là bánh quy, bánh ngọt hay bánh mì. Từ đó,
có thể xem xét bài toán ngược lại: nếu muốn làm một loại bánh quy (hay bánh mì,
bánh ngọt) thì cần có công thức như thế nào? Hay phức tạp hơn, giả sử muốn tạo
một loại bánh “lai tạo” - chẳng hạn như 50% bánh quy và 50% bánh mì hoặc thứ gì
đó lai giữa 50% bánh cake và 50% cookie thì thế nào? Sara đã thử đặt vấn đề với
AutoML Tables và có kết quả. Cô đặt tên cho hai sự kết hợp như vậy là “breakie”
(kết hợp giữa bread và cookie ) và “cakie” (kết hợp giữa cake và cookie).
Như vậy, AI đã tạo ra được công thức làm bánh. Vấn đề còn lại
là: có làm thực tế được không và… có ăn được không? Sara đã thử làm, thử ăn và
khen rằng rất ngon. Còn bạn, bạn có muốn thử không? Nếu muốn thừ thì xin giới
thiệu: Đây là công thức làm bánh “lai” giữa bánh ngọt và bánh quy (Cakie), bánh mì và bánh quy (Breakie) do AI
tạo ra. (Nếu chữ nhỏ quá khó đọc thì click vào hình để phóng to nghen)
Tui tạm dịch một công thức làm bánh Breakie như sau:
BreakieTạo ra ~ 16 bánh quy lấy cảm hứng từ bánh mì.
Thành phần
-
2 muỗng cà phê men khô hoạt tính
-
1/4 cốc sữa ấm
-
2 cốc bột
-
1 quả trứng, đánh nhẹ
-
1 muỗng cà phê baking soda
-
1 muỗng cà phê muối
-
1/4 muỗng cà phê quế
-
1/2 chén đường trắng
-
1/4 chén đường nâu
-
1 1/4 thẻ (stick) bơ không ướp muối, nhiệt độ
phòng
-
1/3 cốc sô cô la vụn
Cách làm
- Làm nóng lò ở 350 độ F.
Lót một tờ giấy nướng bằng giấy da và bôi dầu mỡ nhẹ lên khay nướng.
- Làm phần bánh mì: Đun sữa
trong lò vi sóng cho đến khi sờ vào thấy ấm nhưng không nóng. Hòa tan men
vào sữa ấm và để sang một bên. Cho bột mì, muối nở, muối và quế vào một tô
lớn. Cho hỗn hợp sữa và men vào hỗn hợp bột và khuấy đều cho đến khi chúng
kết hợp với nhau. Thêm trứng đã đánh nhẹ vào hỗn hợp bột cho đến khi kết
hợp. Khi bạn trộn xong, có vẻ như có quá nhiều bột. Được rồi, hãy để hỗn
hợp này sang một bên.
- Làm phần cookie: Trong
máy trộn đứng có gắn cánh khuấy, trộn bơ ở nhiệt độ phòng với cả hai loại
đường ở tốc độ trung bình cho đến khi mịn.
- Từ từ trộn hỗn hợp bột
mì vào hỗn hợp bơ, mỗi lần khoảng một chén. Cho vụn sô cô la vào khuấy
đều.
- Nặn bột thành những quả
bóng (trong bài kiểm tra công thức của Sara, những quả bóng bột cookie này
là 2,5 muỗng canh, hoặc 50 gam nếu bạn có cân nhà bếp) và đặt cách nhau
vài inch trên tấm nướng của bạn. Nướng 13 - 15 phút cho đến khi bánh có
màu nâu vàng bên ngoài và bắt đầu hơi nứt ở trên. Để nguội trên giá.
Phạm Hoài Nhân
AutoML Table (AutoML là viết tắt của Automatic Machine Learning: Tự động học máy) là một công cụ AI trên Google Cloud, có chức năng tự động xây dựng và triển khai các mô hình học máy hiện đại trên dữ liệu có cấu trúc. Bạn có thể dùng thử miễn phí bản beta của công cụ này, tham khảo tại: https://cloud.google.com/automl-tables
Nếu bạn muốn dùng AI để sáng tạo ra một kiểu bánh mới, có thể sử dụng công cụ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét