4 thg 4, 2023

Khi tui cảm thấy chill

Mình già rồi nên đâu có rành chữ nghĩa của lớp trẻ, ví dụ như tụi nó nói "khung cảnh thật chill", "bản nhạc này chill phết"... Không rõ Chill là cái gì, chỉ hiểu mang máng chill là... chill! Vợ chồng đứa cháu mở quán cà phê Chill Land tui cũng chưa có dịp ghé, vì đơn giản nghĩ rằng Chill không phải dành cho những người già như mình.

Quán cafe Chill Land. Ảnh: Facebook của quán.

Thế rồi trong dịp đến Pleiku, tui đi uống cafe ở Chill Lưng Chừng, một quán cafe ở lưng chừng đồi nơi phố núi. Gió lộng, đất trời mênh mông mà yên ả. Cảm giác thật là... chill, và bởi vì ở lưng chừng đồi nên thật là chill lưng chừng!



Quán cafe Chill Lưng chừng ở Pleiku. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Mà đâu phải chỉ có quán cà phê, bạn có thể chill khắp mọi nơi, mọi tình huống. Ví dụ một chương trình khuyến mãi trên ZaloPay cũng tận dụng trào lưu của giới trẻ (mà có thể có cả già!) để quảng cáo rất chill như sau:


Tới nước này mình phải tìm hiểu cặn kẽ coi chill là cái gì để khỏi lạc hậu. Tra tự điển, tui thấy chill có nghĩa như sau:

Chill n. 1. Sự ớn lạnh, khó chịu trong người, trong không khí, trong nước. 2. bệnh do lạnh và ẩm ướt gây ra, làm rùng mình; cơn lạnh gây sốt. 3. tình cảm buồn rầu hoặc phiền muộn.
v. 1. làm cho (ai/cái gì) lạnh. 2. làm cho (thức ăn/uống) thành lạnh. 3. làm suy giảm, cụt hứng, nản chí.

Không có nghĩa nào hoàn toàn phù hợp với những ngữ cảnh sử dụng từ chill hiện nay cả. Đành phải search trên mạng để tìm lời giải thích thôi.

Hoá ra chill ngày nay có những ý nghĩa trong những ngữ cảnh khác nhau. Giới trẻ rủ nhau đi chill đi tức là đi thư giãn, đi giải trí nhẹ nhàng thanh thản. Trong âm nhạc chill có thể hiểu là nhạc có tiết tấu chậm rãi, êm dịu. Khi chơi game mà nổi nóng thì sẽ được khuyên chill hay chill out, hiểu là bớt nóng đi, dịu lại đi. Một anh chàng/cô nàng chill tức là người trầm tĩnh có vẻ lạnh lùng (nhưng cuốn hút), v.v...

Một cách khái quát, ngày nay chill được hiểu là thư giãn, tạm gác lại những bộn bề trong cuộc sống.

Tới đây, tui lại tò mò muốn biết xu hướng dùng chữ chill có ở Việt Nam từ bao giờ và đang phát triển ra sao. Tui dùng công cụ Google Trend và kết quả như sau:


Theo biểu đồ này thì xu hướng dùng từ chill tại Việt Nam tăng đột ngột vào cuối tháng 5/2019, sau đó giảm nhanh và tiếp tục tăng dần cho đến nay. Hiện nay mức độ xài chill lên cao ngang bằng thời điểm cao nhất tháng 5/2019 và xu thế có lẽ còn tăng cao nữa.

Tại Việt Nam thì tỉnh thành nào quan tâm đến chill nhiều nhất? Thống kê 5 năm qua kết quả như sau:


Các tỉnh thành quan tâm đến chill nhiều nhất lần lượt là: Gia Lai, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Kontum, TPHCM (theo thống kê này Đồng Nai đứng thứ 24, thuộc loại chill nhẹ).

Nếu chỉ thống kê trong 1 năm gần đây thì kết quả có khác:


Ta thấy trong top 5 chỉ còn lại 1 tên tuổi cũ là Lâm Đồng (trong thống kê mới này Đồng Nai tuột xuống hạng thứ 45, hổng ham chill nữa). Xứ lạnh mà thích chill, kể cũng hơi lạ. Chắc tại Đà Lạt dạo này bị nóng lên dữ quá nên mọi người muốn chill out.

Xu hướng dùng chữ chill này có trên thế giới không hay chỉ ở Việt Nam? Ta xem thử nhe.


Ta thấy trên phạm vi toàn thế giới, việc dùng từ chill có tăng đột biến vào năm 2019 giống Việt Nam, nhưng mức tăng thấp hơn và diễn ra sớm hơn (khoảng tháng 1/2019 so với Việt Nam là tháng 5/2019). Điểm khác biệt là sau cú tăng đó việc dùng từ chill đã trở về trạng thái bình thường, gần đây có tăng đột biến vào cuối năm 2022 nhưng đã giảm trở lại chớ không tăng dần đều như ở Việt Nam.

Vậy trên thế giới nước nào chill nhiều nhất? Tui nghĩ các bạn cũng như tui đoán đúng rồi đó. Việt Nam chớ ai! Thống kê 12 tháng qua cho thấy kết quả như sau:


Tui tự cảm thấy tui chill tới đây là đủ rồi. Tạm biệt mọi người. Chill đi nghe!

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: