11 thg 9, 2023

Hiếu Liêm! Ðâу núi rừng chiến khu!

Hiếu Liêm ngày xưa là rừng rậm hoang vu, là chiến khu Đ, là nơi hiểm nguy rình rập. Gần hơn, Hiếu Liêm là lâm trường. Nơi đây ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, khiến cho người ta bỗng liên tưởng tới bài hát Bắc Sơn của Văn Cao - trong đó Bắc Sơn thay bằng Hiếu Liêm.

Hiếu Liêm! Ɲơi đó sa trường xưa
Hiếu Liêm! Ðâу núi rừng chiến khu!


Hiếu Liêm ở đâu, Đồng Nai phải không? Đúng! 

Sao nghe nói Hiếu Liêm ở Bình Dương mà? Đúng luôn!

Sao kỳ vậy? Ba phải quá vậy trời!

Hiếu Liêm, trước 1975

Ngày 23/1/1959 Tổng thống VNCH ký sắc lệnh số 25-NV thành lập tỉnh Phước Thành. Đất đai tỉnh Phước Thành lấy từ phần đất của quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (thời đó Tân Uyên thuộc Biên Hòa), và phần đất của các tỉnh Bình Dương, Phước Long, Long Khánh. Lúc đó Phước Thành có 3 huyện là Phú Giáo, Tân Uyên và Hiếu Liêm.

Ngày 6/7/1965 tỉnh Phước Thành bị giải thể theo Sắc lệnh số 131-NV của Thủ tướng VNCH. Quận Tân Uyên được sáp nhập lại vào tỉnh Biên Hòa, phần đất Hiếu Liêm thuộc Tân Uyên.

Sau 1975, qua nhiều biến động nhập tách tỉnh tùm lum tà la, Tân Uyên thuộc tỉnh Sông Bé, rồi là Bình Dương nhưng cũng có một phần thuộc tỉnh Đồng Nai. Trong đó Hiếu Liêm bị chia thành 2 miếng, một miếng lớn thuộc huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, một miếng nhỏ thuộc huyện Tân Uyên tỉnh Bình Dương.

Hiếu Liêm, sau 1975 ở Đồng Nai


Về phía Đồng Nai, sau 1975 chưa có xã Hiếu Liêm mà chỉ có Lâm trường Hiếu Liêm, nhưng lâm trường này không phải thuộc Vĩnh Cửu mà thuộc huyện Tân Phú!

Ngày 23/12/1985, dưới sự sáng suốt của lãnh đạo, huyện Vĩnh Cửu được chuyển thành thị xã Vĩnh An. Trong đó, 2 phường: Trị An và Cây Gáo được thành lập trên cơ sở 2 xã có tên tương ứng và 2 lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm (huyện Tân Phú) đưa sang.

Ngày 29/8/1994, một lần nữa dưới sự sáng suốt của lãnh đạo, huyện Vĩnh Cửu được tái thành lập trên cơ sở giải thể thị xã Vĩnh An. Giải thể 2 phường: Cây Gáo và Trị An để thành lập thị trấn Vĩnh An và xã Trị An.

Ngày 13/3/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2003/NĐ-CP, theo đó: Thành lập xã Hiếu Liêm trên cơ sở 21.379,55 ha diện tích tự nhiên và 3.870 nhân khẩu của xã Trị An.

Hiếu Liêm, sau 1975 ở Bình Dương

Về phía Bình Dương, xã Hiếu Liêm được chính thức thành lập từ ngày 17/11/2004 theo Nghị định số 190/2004/NĐ-CP, trên cơ sở 2.311 ha diện tích tự nhiên và 1.113 người của xã Lạc An, 2.227 ha diện tích tự nhiên và 1.277 người của xã Tân Định. Lúc đó xã Hiếu Liêm thuộc huyện Tân Uyên.

Tới ngày 29/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP thành lập thị xã Tân Uyên trên cơ sở tách 3 thị trấn Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Thái Hòa và 9 xã Thạnh Phước, Tân Hiệp, Khánh Bình, Hội Nghĩa, Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thạnh Hội, Bạch Đằng thuộc huyện Tân Uyên; chuyển 3 thị trấn: Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Thái Hòa và 3 xã: Thạnh Phước, Tân Hiệp, Khánh Bình thành 6 phường có tên tương ứng.

Phần còn lại của huyện Tân Uyên, trong đó có Hiếu Liêm, thành một huyện mới có tên là Bắc Tân Uyên. Vậy là ta có xã Hiếu Liêm, thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Hiếu Liêm, có 2 Hiếu Liêm!

Hiếu Liêm (Bắc Tân Uyên, Bình Dương) và Hiếu Liêm (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vốn dĩ là một, do đó khi tách ra làm 2, thuộc 2 tỉnh khác nhau thì chùng cũng nằm sát bên nhau. Có điều Hiếu Liêm  Đồng Nai) có diện tích 213,8 km², gần gấp 5 lần Hiếu Liêm - Bình Dương) với 45,5 km².

Bản đồ 2 xã Hiếu Liêm. Thực hiện: Phạm Hoài Nhân dựa trên nền Google Maps

Điều khá thú vị là: Thường thì 2 địa danh do từ 1 gốc mà ra người ta sẽ thêm một yếu tố phụ để phân biệt, có thể là hướng (Nam Bắc Đông Tây), như Hàm Thuận Nam - Hàm Thuận Bắc, Mỹ Đức Đông - Mỹ Đức Tây... hoặc chữ cái (A, B, C...) hay số (1, 2, 3...), còn ở đây cả 2 đều là Hiếu Liêm chẳng có gì khác nhau hết.

Bởi vậy mới có chuyện, khi tui và các bạn đi đến đây, mới ở Hiếu Liêm thuộc tỉnh Đồng Nai, đi thêm một đoạn ngắn nữa nhìn lên thấy vẫn là Hiếu Liêm, nhưng hỏi đang ở tỉnh nào thì đã là tỉnh Bình Dương rồi!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét