8 thg 7, 2024

Chuyện một chiếc cầu đã gãy... 3 lần!

Cầu Mới

Cầu Hóa An nằm trên địa bàn TP Biên Hòa, một đầu cầu nằm ở địa bàn phường Hóa An, đầu kia nằm ở phường Hòa Bình. Do đó cầu có tên là Hóa An. Thế nhưng người dân Biên Hòa vẫn quen gọi cầu này là Cầu Mới.

Cầu Hóa An năm 2010. Ảnh Phạm Hoài Nhân

Có tên Cầu Mới là vì cầu mới được chính quyền VNCH xây xong năm 1973. Đây là cây cầu có vị trí chiến lược rất quan trọng thời chiến tranh, vì là cửa ngõ vào nội ô TP Biên Hòa từ hướng Sài Gòn.

Đến nay là 2024, sau hơn nửa thế kỷ cầu Hóa An đã cũ rồi nhưng dân Biên Hòa vẫn khoái kêu nó là... cầu Mới! Hơn nữa, chiếc cầu này có thành tích... sập (gãy) 3 lần! Sập xong, vẫn... mới!

Cầu gãy lần 1 - cầu Mới mới

Cầu bị đặc công Việt Cộng đánh sập lần thứ nhất năm 1974, chỉ hơn 1 năm sau khi xây xong. Theo tư liệu từ báo QĐND, tổ đặc công cảm tử đánh sập cầu Hóa An gồm 4 người: Nguyễn Trung Thường là Tổ trưởng, Triệu Văn Thiết - Tổ phó, Trần Văn Đệ và Nguyễn Văn Thưởng là Tổ viên. Đêm 20 rạng sáng 21/10/1974, tổ đặc công ôm khối thuốc nổ c4 lặn tiến sát cầu thì bị lính gác cầu phát hiện, nổ súng. Chiến sĩ Nguyễn văn Thưởng lặn nhanh ra ngoài để đánh lạc hướng, 3 người còn lại đẩy khối thuốc nổ sát trụ cầu và điểm hỏa đầu nổ. 2 giờ 15 phút rạng sáng 21/10/1974, thuốc nổ nổ tung làm sập 2 nhịp giữa cầu Hóa An. 3 chiến  sĩ đặc công tử vong tại chỗ, chiến sĩ Nguyễn văn Thưởng bị sóng xung kích của vụ nổ hất lên nằm ngất ở bãi sông, đến sáng thì được cứu.

Chân dung các thành viên của Tổ đặc công đánh cầu Hóa An (từ trái sang phải: Nguyễn Trung Thường, Triệu Văn Thiết, Trần Văn Đệ và Nguyễn Văn Thưởng). Ảnh tư liệu trên báo QĐND.

Sau vụ nổ, chính quyền cho nối tạm hai nhịp cầu bê tông bị đánh sập bằng khung lồng sắt có một làn ô tô, có thể di chuyển đồng thời với xe gắn máy, hai làn cho người đi bộ. Đáng lẽ là sau vụ làm mới này cầu Hóa An nên được gọi là... cầu Mới mới.

Cầu gãy lần 2 - cầu Mới mới mới

Lần thứ hai cầu Hóa An bị sập cũng do đánh thuốc nổ, chỉ khác là do phía VNCH chớ không phải do Việt Cộng. Trưa ngày 30/4/1975, lính Việt Nam Cộng hòa đã đánh sập phần khung sắt lắp tạm của cầu Hóa An trên đường rút chạy về Sài Gòn nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Giải phóng. Sau ngày 30/4/1975, cầu được làm lại cũng bằng khung lồng sắt giống như cũ và có gắn biển báo tải trọng 8 tấn. Cũng như trên, đáng lẽ là sau vụ làm mới này cầu Hóa An nên được gọi là... cầu Mới mới mới. 

Lần sập thứ hai này ít được nhắc tới, thậm chí không được biết tới. Lý do dễ hiểu là vì giữa vô vàn biến cố lớn lao diễn ra trong những ngày tháng Tư lịch sử đó, chuyện một chiếc cầu gãy vài nhịp không có gì đáng kể.

Cầu gãy lần 3 - cầu Mới mới mới mới

Lần sập cầu Hóa An thứ ba không phải do bên này hay do bên kia chủ động phá mà là... tai nạn do trời! Điều đáng ngạc nhiên là dù đây là vụ việc gây chấn động dư luận và xảy ra chưa lâu lắm nhưng hầu như không ai nhớ nó xảy ra năm nào. Trên mạng Internet chỉ ghi chung chung là tai nạn xảy ra trong thập niên 1980. Có bài viết là tai nạn xảy ra năm 1980 (chắc chắn sai!). Theo tui nhớ và có kiểm chứng lại qua một số sự kiện liên quan thì vụ việc xảy ra khoảng cuối năm 1986.

Vào buổi chiều ngày này, một đoàn 4 chiếc xe benne Kamaz chở đầy đá cùng nhau chạy qua cầu làm cầu gãy sập ngay đoạn giữa. Nguyên nhân chính được cho là quá tải, và cũng có thể là kết hợp với cộng hưởng. Điều nguy hiểm là khác với 2 lần trước cầu sập khi không có phương tiện lưu thông qua cầu, lần này cầu sập khi có rất nhiều người - xe đang qua cầu do đang giờ tan tầm và đều rơi xuống sông. May mắn là đã có nhiều ghe đánh cá và tàu của cảnh sát đường sông đã tập trung đến để cứu vớt những người rơi xuống sông.

Sau đó cầu cũng được khắc phục tạm như hai lần trước. Đáng lẽ là sau vụ làm mới lần thứ ba này cầu Hóa An nên được gọi là... cầu Mới mới mới mới.

Cầu Hóa An lúc hoàng hôn, năm 2004. Ảnh Dương Quốc Định.

Cầu Hóa An về đêm, năm 2007. Ảnh Dương Quốc Định.

Cầu Mới mới

Hai mươi bốn năm sau, chiếc cầu Mới của chúng ta mang thương tích đầy mình sau 3 lần sập và mỗi ngày mỗi... cũ, trong khi thành phố mỗi ngày mỗi phát triển, lượng người, xe qua cầu ngày một nhiều. Sợ rằng cầu sẽ... sập lần thứ tư nên nhà nước quyết định xây cầu... mới. Lần này là xây mới đàng hoàng chớ không phải chắp vá như 3 lần trước.

Cầu Hóa An mới được khởi công xây dựng ngày 24/12/2010 và thông xe kỹ thuật ngày 4/7/2014. Đến nay vừa tròn 10 năm.

Lễ thông xe cầu Hóa An ngày 4/7/2014. Ảnh Phạm Hoài Nhân

Lần này đích thực là cầu Hóa An mới. Cầu được xây song song với cầu cũ, cách cầu cũ 4 mét về phía hạ lưu sông. Ở đầu cầu có ghi bảng Cầu Hóa An (mới). Nếu gọi theo dân gian thì đây là Cầu Mới Mới, nằm kế bên Cầu Mới Cũ. Còn gọi theo cách ta gọi từ trên thì đây là Cầu Mới mới mới mới Mới! (3 chữ mới viết thường, chữ đầu và chữ cuối viết hoa cho xứng tầm với việc xây mới).


Cầu Hóa An mới, sau năm 2014. Ảnh Phạm Hoài Nhân

PS:

Có một điều cần phải kể thêm, là mỗi khi có sự kiện bóng đá lớn - như Euro 2024 hiện nay chẳng hạn - thì người ta lại nhắc tới cầu Hóa An. Bởi vì đó là dịp người ta thua độ bóng đá ra đó nhảy cầu tự tử!

Tuy có hơi phóng đại một chút nhưng là chuyện có thiệt. Không chỉ thua độ bóng đá, quanh năm suốt tháng cứ lâu lâu lại có tin có người nhảy cầu Hóa An tự tử. Thất tình, thất bại, thất vọng.... thất đủ thứ. Còn tại sao lại chọn cầu Hóa An? Tui không biết, nhưng nghe nói nơi này nước chảy xiết, nhảy xuống thì... chắc ăn là chết hơn chỗ khác!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét