20 thg 7, 2024

Những người gõ cánh cửa năm 2000

Năm 1992, còn 8 năm nữa là tới năm 2000. Năm 2000 khi ấy là một cột mốc rất đặc biệt, là bước chuyển giao thiên niên kỷ và cũng là lúc một em thiếu nhi hiện giờ bước vào tuổi trưởng thành. Lúc bấy giờ tui quyết định thành lập một Câu lạc bộ Tin học cho thiếu nhi từ 6 đến 16 tuổi, lấy tên là Câu lạc bộ Năm 2000. Câu lạc bộ Năm 2000 giúp các em thiếu nhi làm quen với tin học, biết sử dụng máy vi tính làm những việc cơ bản như vẽ hình, chơi nhạc, lập trình...

Tui vừa tìm lại được tờ báo Đồng Nai 32 năm trước, đề ngày 2/6/1992, trong đó có bài phóng sự của nhà báo trẻ Phan văn Tú ghi chép về sự hình thành Câu lạc bộ Năm 2000 này. Xin đăng lại để... hồi tưởng!

Nhà báo "trẻ" Phan văn Tú (áo sọc carô) trong một sự kiện của Trung tâm Vi tính Đồng Nai năm 199x. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

PHẠM HOÀI NHÂN

NHỮNG NGƯỜI GÕ CÁNH CỬA NĂM 2000

LTS: VỪA QUA, TRUNG TÂM VI TÍNH ĐỒNG NAI ĐÃ BẢO TRỢ NHÀ THIẾU NHI TỈNH ĐỂ THÀNH LẬP MỘT CLB TIN HỌC THIẾU NHI ĐẦU TIÊN Ở ĐỒNG NAI MANG TÊN CLB NĂM 2000. CLB NÀY SẼ BẮT ĐẦU HOẠT ĐỘNG VÀO ĐẦU THÁNG SÁU TỚI. HIỆN NAY, NHỮNG NHÀ TỔ CHỨC ĐANG TÍCH CỰC CHO CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH, CƠ SỞ, TRANG THIẾT BỊ. CHÚNG TÔI CÓ ĐẾN GẶP ANH PHẠM HOÀI NHÂN, CHỦ NHIỆM TRUNG TÂM VI TÍNH ĐỒNG NAI ĐỀ TRAO ĐỒI THÊM VỀ MÔ HÌNH MỚI MỀ NÀY...

Bài trên báo Đồng Nai ra ngày 2/6/1992

ĐẾN Trung tâm vi tinh Đồng Nai vào chiều chủ nhật 24-5. Ở đây không có vẻ gì là một ngày nghỉ. Tại phòng máy chỉnh, các học viên đang thực tập, bên trong các chuyên viên vi tính đang lập trình, và tại hội trường là một lớp học thí điểm cho các em thiếu nhi. Trong khung cảnh bận rộn ấy, chúng tôi tranh thủ trao đổi cùng anh Phạm Hoài Nhân một số vấn đề chung quanh hoạt động của CLB tin học này.

- Mục đích chinh của việc thành lập CLB năm 2000?

Chúng ta đang sống trong thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai. Thập niên này chứng kiến sự ngự trị của Tin học trong hầu hết mọi lĩnh vực: thông tin, quản lý, khoa học và cả văn hóa nghệ thuật nữa. Các nhà khoa học tiên đoán rằng đến năm 2000 máy vi tính sẽ là công cụ không thể thiếu được đối với mọi người trong công việc của mình. Vì thế, chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm quen với tin học để đón trước tương lai là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh việc đưa tin học vào trường phổ thông do Bộ GD và ĐT thực hiện, chúng tôi mong muốn góp một phần công sức của mình vào việc này.

- Nội dung hoạt động chủ yếu của CLB?

CLB sẽ giúp các em trước hết là làm quen với tin học, biết sử dụng máy tính để làm một số việc cơ bản. Sau đó sẽ tiến đến những bước hấp dẫn hơn như chơi nhạc, vẽ hình và lập chương trình trên máy tính.

Lớp học vì tình thử nghiệm cho thiếu nhi. Ảnh: DŨNG ANH

- Với đối tượng các em từ 6 đến 16 tuổi, liệu chương trình có đáp ứng được các yêu cầu rèn luyện tư duy tùy theo đặc điểm của từng độ tuổi...

Chúng tôi xây dựng chương trình trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về tin học, các nhà sư phạm, các nhà tâm lý học và cả kinh nghiêm của các đơn vị ở TP. HCM nữa. Ngoài ra, như anh thấy, trước khi làm thật, chúng tôi đang đào tạo thử cho một số em để rút kinh nghiệm. Với cách xây dựng chương trình như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng được những yêu cầu cần thiết

- Phương pháp giảng dạy cơ bản?

Khó trình bày cụ thể ở đây, nhưng có thể tóm tắt là VỪA HỌC VỪA CHƠI. Các em sẽ thấy máy vi tính là người bạn thân thiết giúp mình học, chơi, làm việc, chứ không cảm thấy nó là một thiết bị hiện đại, xa cách với mình.

- Anh có thể cho biết thêm về trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập?

Trong điều kiện tự lo kinh phí như hiện nay, chúng tôi trang bị cho các em được 6 máy tính với màn hình màu CGA, mỗi máy đều có kèm theo mouse (con chuột) để các em có thể xử lý đồ họa trên máy.

- Học phí 25.000 đ/tháng liệu có quá cao chăng?

Đối với những gia đình khó khăn, quả thật đây là con số không nhỏ. Nhưng không thể hạ thấp hơn được nữa, vì kinh phí chúng tôi đều phải tự bỏ ra. Theo kế hoạch, phải đầu tư từ 30 đến 45 triệu cho công việc này, và mỗi lớp học chỉ có thể nhận từ 12 đến 15 em. Như vậy, nếu xét về hiệu quả kinh doanh có lẽ sẽ chẳng ai làm công việc này. Chúng tôi dự định rằng nếu được sẽ có những học bổng riêng đề dành cho các em nghèo, hiếu học. Nhưng đó là chuyện về sau, còn bây giờ thú thật vạn sự khởi đầu nan, chúng tôi đang vô cùng vất vả.

- Anh có điều gì cần trao đổi thêm?

Thành lập một CLB tin học cho thiếu nhi là mơ ước của chúng tôi từ hai năm qua, đến nay mới thực hiện được. Để biến ước mơ thành hiện thực, những nỗ lực của chúng tôi chỉ là một phần nhỏ. Bên cạnh đó phải kể đến những đóng góp to lớn của anh em, bạn hữu, những mạnh thường quân của thiếu nhi, kẻ góp công, người góp của cho CLB được thành hình. Dù rằng những ân nhân đó của thiếu nhi không hề muốn được kề công, nhưng tôi xin được qua đây bày tỏ lòng biết ơn đối với những tấm lòng quý báu. Cuối cùng, chúng tôi ước mong được sự hưởng ứng, hỗ trợ của quý vị phụ huynh đối với CLB năm 2000 để con em chúng ta có thể ngẩng cao đầu khi bước vào thiên niên kỷ mới.

Xin cảm ơn.

PHAN VĂN TÚ
(thực hiện)

Những chuyện nói thêm:

Lớp học vi tính cho các bé ở CLB Năm 2000 và 2 cô giáo Trần Thúy Liễu & Bùi Thu Hà

Trong bài phỏng vấn các bạn thấy có nói máy vi tính được  trang bị màn hình màu CGA và con chuột. Trước hết cần nhắc rằng khoảng năm 1990 máy vi tính đa số là màn hình đơn sắc (monochrome), màn hình màu mắc hơn nhiều. Thế nhưng cho con nít học phải là màn hình màu tụi nó mới thích. Bấy giờ có màn hình EGA và VGA nhưng... không đủ tiền mua nên trang bị loại màn hình CGA có độ phân giải thấp hơn (320x200). Để hình dung các bạn hãy nhớ lại hình của trò chơi Mario, hay gần đây là Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Còn con chuột? Những máy tính đầu tiên của Việt Nam (và thế giới)... không có con chuột. Khoảng năm 1990 con chuột (mouse) giá rất mắc, tui nhớ là những loại mouse đầu tiên giá tới... 150 USD/con (năm 1990 tui sắm một cái máy vi tính XT màn hình monochrome giá 770 USD, tức con chuột giá bằng 1/5 cái máy tính). Khi trang bị máy cho CLB năm 2000 giá con chuột có rẻ hơn nhưng vẫn còn khá cao, nhưng không có không được, vì không có con chuột thì sao tụi nhỏ vẽ hình trong các phần mềm đồ họa được? Đúng là một sự hy sinh cho tương lai mai sau!

Để hấp dẫn trẻ con, tui nghĩ rằng phải có những hình ảnh trong phòng học. Thế là tui nghĩ ra chủ đề Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn sẽ nô đùa cùng những chiếc máy tính trong khu rừng thân yêu của họ. Họa sĩ Mai văn Nhơn đã thực hiện bức vẽ hết sức tuyệt vời đặt trong phòng máy thực hành của lũ trẻ, ở nhà Thiếu nhi. Chưa hết, tui còn nhờ bạn Mai văn Nhơn thực hiện một pa nô vẽ một em bé khoảng 3 tuổi đang ngồi sử dụng máy tính. Pa nô này rất đẹp, đặt ngay trên cổng vào Nhà Thiếu nhi và thu hút sự chú ý của người đi đường, nhất là khi ấy máy tính còn chưa quen thuộc với mọi người.

Ảnh chụp trước một phòng học của CLB Năm 2000. Cùng với các bé và 2 cô giáocòn có 2 anh em tui là những người tổ chức, anh Nguyễn Ngà và anh Nguyễn văn Thịnh là những người hỗ trợ rất nhiều về tinh thần và vật chất để hình thành Câu lạc bộ.

CLB Năm 2000  thu hút được rất nhiều em thiếu nhi. Cũng có tổng kết, tặng quà, phát thưởng, giao lưu với phụ huynh. Vui lắm. Một số em sau đó đoạt giải trong các kỳ thi tin học cấp tỉnh, quốc gia, thậm chí là cấp quốc tế.

Tuy nhiên CLB Năm 2000 chỉ tồn tại khoảng hai năm. Một đơn vị có thế lực đã đứng ra thuê hết các phòng học ở Nhà Thiếu nhi cho việc riêng của họ. Tụi tui đành cuốn gói ra đi. Thành thật mà nói, nếu không có sự cố đó chắc CLB Năm 2000 cũng không thể tồn tại tới... năm 2000 vì tụi tui lúc đó cũng đã rất đuối về tài chánh rồi. Làm cho con nít đâu tính tới hiệu quả kinh doanh!

Chia tay không khỏi ngậm ngùi. Tụi tui gom hết máy móc về. Còn 2 bức tranh? Tấm pa nô ở cổng nhà Thiếu nhi thì để lại vì nó kết hợp hài hòa với khung cảnh nơi đó. Còn bức tranh Bạch Tuyết trong phòng, tui xin mang về làm kỷ niệm vì đó là tim óc của tui, tác phẩm của bạn tui là anh Mai văn Nhơn. Thế nhưng Nhà thiếu nhi quyết giữ lại với lý do nó phù hợp với thiếu nhi và hic, vì nó đẹp!

Vậy là sau 2 năm xây đắp ước mơ, chàng Don Quichotte từ giã những ước mơ của mình để trở về với hai bàn tay trắng.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét