Bên dòng sông Trẹm cũng được soạn giả Huỳnh Anh chuyển thể thành tuồng cải lương, cũng rất thu hút khán giả.
Chưa hết, đạo diễn Lê Dân đã dựng thành bộ phim truyền hình nhiều tập Bên dòng sông Trẹm với những diễn viên nổi tiếng: Y Phụng, Lý Hùng, Lê Tuấn Anh...
Cũng chưa hết nữa, nhạc sĩ Phan Ni Tấn đã sáng tác bản nhạc mang tựa đề Bên dòng sông Trẹm.
Bìa sách Bên giòng sông Trẹm, bản in trước 1975. Nhấp vào hình để mở đường link đọc sách bản in lần thứ tư, năm 1963.
Bìa sách Bên dòng sông Trẹm, bản in sau 1975, in thành 2 tập. Nhấp vào hình để mở đường link đọc sách bản in sau 1975.
Xin chú ý chi tiết trước 1975 dùng chữ giòng, còn sau 1975 dùng chữ dòng. Ngoài ra bản in này được in sau khi bộ phim Bên dòng sông Trẹm ra đời nên bìa sách trích một số hình ảnh trong phim.
Thành ra nếu bạn không phải U70, U80 để đọc Bên dòng sông Trẹm thuở mới ra đời mà chỉ là lứa tuổi U40, U50, U60 thì bạn vẫn có thể đã từng đọc Bên dòng sông Trẹm tái bản, hoặc xem cải lương, xem phim Bên dòng sông Trẹm.
Bên dòng sông Trẹm sử dụng đúng công thức ăn khách của các tiểu thuyết feuilleton thuở ấy là các chuyện tình éo le xảy ra ở miền quê sông nước Việt Nam, cộng với tài năng của tác giả đã thu hút đông đảo độc giả là quý bà nội trợ rảnh rỗi ngồi đọc báo ở nhà. Nếu bạn chưa đọc và muốn đọc thử cho biết thì nhấp vào hình trên để mở đường link và đọc.
Ngay dòng mở đầu, tác giả đã giới thiệu ngay bối cảnh của câu chuyện: Thới Bình, một làng quê trù phú của quận Cà Mau và nằm cạnh con sông Trèm Trẹm, muôn đời uể oải trôi với dòng nước đỏ một màu máu của miền “rừng U Minh” đổ xuống.
Trang web của tỉnh Cà Mau viết về sông Trẹm như sau: Sông Trẹm (hay sông Trèm Trẹm) là một con sông dài khoảng 42 km, bắt nguồn từ ngã ba kênh Tân Bằng – Cán Gáo chảy về đến ngã ba sông Ông Đốc, ngang qua huyện Thới Bình. Sông Trẹm uốn lượn như 1 dải lụa giữa rừng U Minh. Sông Trẹm có độ sâu trung bình 3 – 4m, chiều rộng từ 80 đến 10 mét, có màu nước thay đổi theo mùa. Đặc biệt mùa mưa, nước sông màu nâu sẫm của màu nước dớn rừng tràm từ các con kênh rạch đổ ra. Trong lưu vực sông Trẹm có khu du lịch sinh thái đặc trưng của rừng tràm U Minh. Rừng ở đây có trên 300 loài thực vật và động vật rất phong phú.
Bên dòng sông Trẹm. Ảnh: camau.gov.vn
Sông Trẹm không chỉ chảy qua Cà Mau, dòng sông này chảy qua huyện An Minh tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau. Có đoạn sông Trẹm chính là ranh giới giữa hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, như trong bản đồ dưới đây.
Cầu Vĩnh Thuận được khánh thành năm 2002 bắc qua sông Trẹm, ở bên này cầu là Cà Mau, qua cầu là tới Kiên Giang.
Điều đặc biệt hơn nữa, con sông Trẹm trong tiểu thuyết lãng mạn Bên dòng sông Trẹm của Dương Hà chính là vạch phân đôi rừng U Minh, bên trên là U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, bên dưới là U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau.
Vườn quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Rồi đó, nãy giờ tui nói chuyện dài dòng từ tiểu thuyết qua cải lương qua phim ảnh rồi tới địa lý chỉ để nói một chuyện thôi: Rừng U Minh được chia làm hai, U Minh Thượng và U Minh Hạ, trong đó sông Trẹm chính là vạch phân chia.
Tào lao, nhiều chuyện quá phải hông? Kệ, vậy cho vui!
Ghi chú: Chữ Trẹm trong tên sông Trẹm nghĩa là gì? Chắc mọi người cũng thắc mắc giống tui. Tui chỉ tìm được một lời giải thích trong Tự điển từ nguyên địa danh Việt Nam của Lê Trung Hoa như sau:
Trẹm gốc Chăm, chưa biết nghĩa (Thạch Phương – Nguyễn Đình An). Trẹm có lẽ là một dạng khác của Lẹm, nghĩa là “có chỗ bị lõm, bị khuyết vào, không đầy đặn như thường” (Hoàng Phê) vì dạng cổ của lêu và trêu là tlêu, dạng cổ của lên và trên là tlên nên có thể dạng cổ của lẹm và trẹm là tlẹm.
Tui đọc qua thấy lù tù mù và không thỏa mãn chút nào, nhưng cũng xin đăng lại để mọi người tham khảo. Ai biết thông tin gì rõ hơn xin góp ý. Xin cám ơn.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét