Tên chùa Khánh Lâm là ghép từ tên chùa Tổ đình Trung Khánh và tên chùa Phước Lâm (thành phố Kon Tum), là nơi đại đức Thích Nhuận Bảo - trụ trì chùa Khánh Lâm, cũng là người đã phát khởi tâm nguyện việc dựng lập chùa - xuất thân và nơi ông trụ trì nhiều năm qua.
Khuôn viên quá rộng nên có nhiều lối lên chùa. Bạn có thể đi bằng lối đi bộ, lên 200 bậc thang hoặc chạy xe hơi lên thẳng trên chùa. Đi bộ lên 200 bậc thang tất nhiên là... mệt, bù lại có thể vừa đi vừa nghe tiết gió vi vu giữa đại ngàn mênh mông trong tiết trời se lạnh. Còn tui vốn tuổi cao, thiếu sức khỏe nên theo xe hơi lên cho nó lành.
Tượng Phật Bà Quan Âm ở trước chùa
18 vị La Hán trước sân chùa (từ ngoài nhìn vào)
18 vị La Hán trước sân chùa (từ trong nhìn ra)
Các vị La Hán (có một vị không phải!)
Chùa Khánh Lâm không hề là một ngôi chùa cổ, ngược lại, đây là ngôi chùa rất mới. Chùa được khởi công xây dựng năm 2012, hoàn thành cơ bản năm 2017 và cho đến nay vẫn còn những hạng mục tiếp tục hoàn thiện. Chính vì vậy, bước vào không gian chùa có nét tôn nghiêm, thanh tịnh chớ không có nét cổ kính.
Có thể ngầm hiểu rằng do điểm nhấn du lịch Măng Đen buổi ban đầu là trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen trong khi khắp Măng Đen không có cơ sở Phật giáo đáng kể nào, do đó Măng Đen chủ trương xây dựng một ngôi chùa có tầm cỡ để du khách khi đến đây ngoài việc viếng Đức Mẹ thì những tín đồ Phật giáo còn có nơi thăm viếng.
Bây giờ chùa Khánh Lâm chưa là chùa cổ nhưng... 100 năm sau đây sẽ là ngôi cổ tự. Chắc là lúc đó tui sẽ không còn nữa, nên bây giờ hãy giả bộ là trăm năm sau, tui đang hướng dẫn du khách viếng chùa Khánh Lâm:
Thuở xa xưa, Măng Đen là vùng đất hoang vu không người lui tới. Rồi trăm năm trước người ta phát hiện ra bức tượng Đức Mẹ linh thiêng nơi đây, khách hành hương đổ về. Cũng từ thời điểm đó, ngôi chùa này được hình thành trên đồi cao 1.200 met giữa gió ngàn vi vu. Và cũng từ đó, Măng Đen được che chở bởi Đức Mẹ Măng Đen và Phật Bà Quan Âm giữa đại ngàn mênh mông, thông reo vi vút...
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét