Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, những người lính nơi đồn xa rất cần niềm tin để vững lòng. Vì vậy, rất cần có tượng Đức Mẹ nơi đây để cầu nguyện.
Cổng chào Măng Đen (2024)
Năm 1971, linh mục Tôma Lê Thành Ánh tặng tiền đồn Măng Đen bức tượng được tạc theo tượng Đức Mẹ Fatima. Bức tượng này được linh mục Nguyễn Minh Kông mang lên tiền đồn Măng Đen bằng trực thăng. Tượng được dựng trên một trụ đài đơn sơ vào giữa năm 1971. Năm 1974, tiền đồn Măng Đen thất thủ, bức tượng cũng bị hư hỏng ít nhiều và bị lãng quên giữa chốn núi rừng.
Sau 1975 và gần 30 năm sau nữa, khu vực Măng Đen vẫn chỉ là một vùng đất hoang vu ít người lui tới. Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc M'Năm. Ngày 8/1/2004 xã Đăk Long - tương ứng với vùng đất Măng Đen hiện giờ - được thành lập, trên cơ sở 13.555 ha diện tích tự nhiên và 2.054 người của xã Măng Cành, tức mật độ dân số chỉ là 15 người/km². Tỉnh Kon Tum có chính sách mời gọi người dân các nơi về đây cấp đất để canh tác, giá rẻ gần như cho.
Cho đến lúc đó, hầu như cũng chưa ai biết đến Măng Đen.
Thế rồi trong khung cảnh đìu hiu vắng vẻ ấy của Măng Đen, bức tượng Đức Mẹ hơn 30 năm xưa lại xuất hiện với những câu chuyện tình tiết ly kỳ.
Sau chiến tranh, người ta quên bẵng bức tượng vì không có tuyến giao thông và không có cư dân sinh sống gần đó. Đầu thập niên 1980, một số người dân đi kinh tế mới tại lâm trường Măng Cành đã phát hiện ra bức tượng này, nhưng không có sự quan tâm đặc biệt nào.
Năm 2004, khi thi công tuyến đường quốc lộ 24 mở rộng đi ngang Măng Đen đến đây thì chiếc xe ủi chết máy hoặc máy vẫn nổ mà không tiến được. Kêu thợ đến sửa thì thợ bảo máy vẫn tốt. Sau đó người ta mới nhận ra có bức tượng ở phía trước mặt, anh tài xế lại rồ máy và ủi tránh sang một bên thì xe chạy ngon lành. Cũng vì thế nên con đường giờ đây hơi cong so với thiết kế ban đầu. Chiếc máy ủi này là một chiếc Caterpillar D7H, hiện đang được bảo tồn tại Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen như một chứng nhân lịch sử.
Tượng Đức Mẹ Măng Đen là một bức tượng độc nhất vô nhị vì là tượng Đức Mẹ cụt tay và gương mặt không đẹp. Thế nhưng người ta cho rằng với hình dáng cụt tay như trên, làm liên tưởng đến hình tượng Đức Mẹ phù hộ cho con người bất hạnh mắc các bệnh như; phong cùi, HIV/AIDS...
Hai cánh tay của tượng Đức Mẹ, lưu giữ tại Trung tâm hành hương Măng Đen
Ngày 9/12/2007, Giám mục Hoàng Đức Oanh cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân đã tổ chức dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Từ đó, nơi đây trở thành một nơi hành hương của các giáo dân vùng Tây Nguyên và ngày 9/12 hàng năm trở thành ngày Ngày Hành hương Đức Mẹ Măng Đen của Giáo phận Kon Tum.
Như vậy mãi đến cuối năm 2007 mới có nhiều người biết đến Măng Đen, thông qua trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen, và dĩ nhiên hầu hết là người công giáo.
Thế rồi những người hành hương đến Măng Đen mới phát hiện rằng nơi đây đẹp quá, thiên nhiên xanh tươi quá với những cánh rừng thông vi vu xào xạc, thác nước cuộn chảy giữa rừng núi bạt ngàn, những buôn làng đậm sắc văn hóa Tây nguyên... Và nhất là khí hậu, độ cao và rừng núi giúp Măng Đen có một không khí mát lạnh và trong lành. Như Đà Lạt, và có thể là hơn cả Đà Lạt vì chưa bị đô thị hóa.
Thế rồi người ta rủ nhau đi Măng Đen, không chỉ là người công giáo mà là tất cả mọi người. Măng Đen trở thành điểm du lịch mới nổi của Việt Nam. Nhiều dịch vụ, tiện nghi được tạo nên để phục vụ du khách.
Không rõ những lời cầu nguyện bên tượng Đức Mẹ đã được đáp ứng linh nghiệm như thế nào, nhưng rõ ràng Đức Mẹ Măng Đen đã mang đến sức sống mới cho Măng Đen, từ một vùng đất hoang sơ hẻo lánh trở thành điểm đến thu hút rất đông du khách.
Ước mong rằng dù phát triển thế nào đi nữa Măng Đen vẫn giữ được nét đẹp thiên nhiên hoang sơ và bầu không khí trong lành của mình.
Bài, ảnh: Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét