30 thg 12, 2024

Thác Pa Sỹ trong huyền thoại bảy hồ ba thác ở Măng Đen

Do địa hình núi đồi chia cắt, Kon Tum có rất nhiều thác. Thống kê sơ bộ, Kon Tum có đến gần 20 thác đẹp. Riêng thị trấn Măng Đen (1 trong 9 đơn vị hành chánh cấp xã của huyện Kon Plông, và Kon Plông là 1 trong 10 đơn vị hành chánh cấp huyện của Kon Tum) đã có đến 3 thác nước nổi tiếng, được nhắc đến trong truyền thuyết 3 thác 7 hồ của dân tộc Mơ Nâm. 

Theo truyền thuyết này, từ thuở xa xưa Măng Đen rất đẹp nhưng còn hoang vu không người ở. Thấy vậy thần Yang Pling đã đưa 7 người con trai của mình xuống đây để lập làng. 7 người con trai này lập nên 7 làng, tạo nên Măng Đen ngày một ấm no sung túc. Nhưng rồi do vi phạm điều cấm kỵ nên Yang Pling nổi giận làm giông tố nổi lên, biến 7 làng thành 7 hồ nước, 3 cột lửa bắn lên trời thành 3 thác nước. (Ai muốn biết chi tiết hơn về truyền thuyết này xin xem ở đây)


3 thác nước kể trong truyền thuyết hiện giờ là thác Pa Sỹ, thác Đắk Ke và thác Lô Ba. Cả 3 thác này đều đẹp nhưng hầu hết các chương trình tour du lịch Măng Đen - và cả tour Kon Tum - cũng đều dẫn du khách tới tham quan thác Pa Sỹ, đến nỗi nhiều du khách cứ tưởng rằng ở Măng Đen - hoặc thậm chí là cả Kon Tum - chỉ có một thác là thác Pa Sỹ mà thôi!

Người ta nói rằng thác Pa Sỹ lớn nhất, đẹp nhất. Có lẽ điều đó đúng, nhưng theo tui còn những nguyên nhân khác nữa. Đó là khu du lịch sinh thái thác Pa Sỹ rất gần chùa Khánh Lâm (cách khoảng 1,5 km theo đường chim bay, 3,5 km theo đường bộ), rất gần khu 37 hộ (nơi tập trung nhiều farm stay, cũng cách Pa Sỹ khoảng cách tương tự chùa Khánh Lâm), như vậy rất thuận tiện cho việc hướng dẫn du lịch vì cùng cung đường. Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng, đó là nhà đầu tư làm khu du lịch sinh thái Thác Pa Sỹ đã... marketing quá tốt!


Cảnh quan trong khu du lịch Thác Pa Sỹ trước khi tới thác

Thác được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Mơ Nâm có nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ.

Ngày xưa, khi Măng Đen còn chưa được biết tới thì tất nhiên thác Pa Sỹ cũng ẩn mình sâu trong rừng thẳm, không dễ gì đi tới, nhưng đến khi Măng Đen phát triển thành điểm du lịch thì người ta đầu tư xây dựng khu vực thác thành khu du lịch sinh thái thuận tiện cho việc tham quan.



Khu du lịch thác Pa Sỹ chính thức hoạt động từ tháng 3/2014, được xây dựng trên tổng diện tích 25 ha. Với tổng kinh phí xây dựng gần 17 tỷ đồng, huyện Kon Plong đã đầu tư xây dựng nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng như: đường vào làng, nhà rông văn hóa, nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhà trưng bày sản phẩm văn hóa của người dân Mơ Nâm... Bên cạnh đó, huyện Kon Plong cũng phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình 1 đầu tư thêm 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống dịch vụ, hệ thống trang trại rau, hoa... phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng như thưởng lãm của du khách.



Nếu có nhiều thời gian, bạn có thể vào làng thăm nhà rông, tìm hiểu văn hóa người Mơ Nâm, còn không thì như đa số du khách bạn chỉ check-in chỗ khu vực thác nước cũng cũng rất đáng công tới đây rồi.

Thác Pa Sỹ không dàn trải rộng như nhiều thác nước khác ở Tây nguyên, mà như một dải lụa trắng từ trên cao rủ xuống giữa xung quanh là bạt ngàn xanh thẳm, rất nên thơ đẹp mắt.

Hoa chuông vàng trên đường vào thác Pa Sỹ

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét