Đó là một câu trong bài hát Lời cuối cho em của Nguyễn Vũ.
Hổng biết là sau khi em nói xong một lời làm tan nát lòng nhau thì anh chàng này sẽ làm sao? Xỉu, khóc, chửi CMN...?
Người chơi Phây sau khi đăng một status cũng có một nguyện vọng giống như vậy. Đăng xong thì muốn người ta đọc. Đọc không thôi chưa đủ, có còm-men thì mới vui lòng hả dạ, còm sao cũng được. Có người treo trên tường nhà mình câu kêu gọi tha thiết như vầy: Em có một ước ao. Em có một khát khao. Còm-men mau! Còm-men mau!
Và như anh chàng si tình nọ, nài nỉ người đọc:
Com-mén đi, com-mén đi, dù một lời làm tan nát lòng nhau
Nói thì nói vậy, chứ ai mà muốn nghe một lời làm tan nát lòng nhau đâu! Cho nên nếu ai đó có còm cà chớn thì dễ nổi quạu. Người hung hăng thì reply bằng cách chửi lại – chửi qua chửi lại tưng bừng cả xóm. Người đầm tính thì... bo-xì, unfriend luôn!
Khổ, có khi status rất hay nhưng người đọc chỉ có thể cảm nhận mà không biết còm cái chi, còm lãng xẹt thì sợ trở thành dzô dziên; ngược lại có entry đọc chán ngấy mà không nói gì thì sợ chủ nhà buồn nên còm đại một câu vô thưởng vô phạt.
Lại có trường hợp người đọc là ngựa chứng (hay ngựa... cà chớn), thích còm để gây sự, hoặc để chứng tỏ mình... hay hơn cả người viết status. Thế là sóng gió nổi lên!
Bởi thế còm mới gây nên vô số chuyện hỉ nộ ái ố. Quý nhau cũng có, mà giận nhau, ghét nhau cũng có. Thậm chí có blogger còn thề rằng sẽ chẳng bao giờ nhìn mặt kẻ đã còm cho mình (dù rằng cho đến lúc đó cũng chưa từng thấy mặt nhau ngoài đời thật bao giờ!).
Bởi vậy còm là cả một nghề chơi cũng lắm công phu.
Đã chơi Phây thì thích đăng lên timeline. Đưa lên rồi thì muốn nhiều người đọc. Người đã đọc thì người phải còm-men. Mà muốn người ta đọc và còm-men bài của mình thì phải đọc và còm men bài của người.
Thành thử, khi đăng xong rồi vẫn cứ hát:
Com-mén đi, com-mén đi, dù một lời làm tan nát lòng nhau!
Hai Ẩu
eChip 295 (05/08/2011) - Chỉnh sửa ngày 17/11/2016
Ôi tôi thích cái bnog này quá !
Trả lờiXóa