27 thg 6, 2013

Có một dòng sông đã qua đời

Tập thể eChíp chụp ảnh lưu niệm trước toà soạn, ngày 25/06/2013

Có nhiều người hiểu rằng Có một dòng sông đã qua đời nghĩa là dòng sông đã chết, thật ra Trịnh Công Sơn viết rằng Có một dòng sông đã trôi qua cuộc đời của tôi.

Tờ báo eChíp cũng vậy. Tôi nghĩ, khi đọc những lời tạm biệt trên số báo trước, nhiều bạn nghĩ rằng eChíp đã qua đời. Không, eChíp không qua đời mà chỉ đi qua cuộc đời của bạn, của chúng ta sau chặng đường mười năm đầy những kỷ niệm buồn vui.


Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

Nhà văn Sơn Nam sinh ra ở Kiên Giang, sống và chết tại Sài Gòn, yên nghỉ tại nghĩa trang Bình Dương, nhưng nhà lưu niệm Ông thì lại ở... Mỹ Tho!

Ủa, sao kỳ dzậy?

Chính bởi sự "sao kỳ dzậy" ấy mà tôi hơi bất ngờ khi một người bạn của gia đình anh chị Nghị - Hằng, con của nhà văn Sơn Nam, chuyển lời mời đến thăm nhà lưu niệm ông tại Mỹ Tho.

Nhà lưu niệm Sơn Nam tọa lạc ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, sát bên bờ kinh Bảo Định, do vợ chồng người trưởng nữ của ông là chị Đào Thúy Hằng và anh Trần Đức Nghị xây dựng nên để tưởng nhớ cha mình. Ngôi nhà nằm trong khuôn viên 1500 m2, được ra mắt nhân ngày giỗ lần 2 của ông (22/08/2010).

Đến đây, một sự "sao kỳ dzậy" thứ hai xuất hiện: Sơn Nam họ Phạm (Phạm Minh Tày), vậy sao con gái ông lại họ Đào?


Tạm gác 2 cái sao kỳ dzậy ấy sang một bên, ta hãy đến thăm ông già Nam bộ thân thương nơi nhà lưu niệm của ông, bạn nhé.


Toàn cảnh nhà lưu niệm Sơn Nam. Nhà xây theo kiểu nhà cổ Nam bộ, bên cạnh dòng Bảo Định giang, xung quanh là những cây đặc trưng miền Tây Nam bộ như cau, dừa nước, bần... Lối vào lát đá ong, phía trước có phù điêu đá chân dung nhà văn và điêu khắc đá tạc lại thủ bút của ông bài thơ đề từ tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau.

26 thg 6, 2013

Bác sĩ Hai Ẩu tự khám bịnh

Cái tay mình bị nổi mẩn đỏ, rồi ngứa, rồi lở và nhức. Không phải một mà nhiều mụt. Không phải chỉ ở tay, mà cả ở chân - kẽ ngón chân. Rồi cả lở môi.

Rất ư là khó chịu và bực bội. Bịnh gì vậy ta?

Lở mồm long móng à? Hừm, nghe giống... heo quá! Không được! (dù mình đúng là tuổi heo thiệt)

Hay là bịnh tay - chân - miệng? Có vẻ khớp với triệu chứng, nhưng nghe... phàm tục quá. Không chấp nhận!

Hay là... cùi? Ờ, được đa. Nghe giống Hàn Mặc Tử. "Nên thơ" lắm. Quyết định vậy đi. Cùi!

Đến Mỹ Tho ăn hủ tiếu Mỹ Tho

Phở là món ăn thuần Việt. Hủ tiếu là món ăn xuất phát từ người Hoa, bởi vì ngay chữ hủ tiếu đã là tiếng Tàu rồi. Nói đến hủ tiếu, người ta liên tưởng ngay đến hủ tiếu Mỹ Tho, nơi nổi tiếng là hủ tiếu ngon nhất nước!

Người ta cho rằng hủ tiếu theo chân Dương Ngạn Địch và tùy tùng đến Mỹ Tho từ năm 1679, như vậy tới nay tuổi đời của hủ tiếu Mỹ Tho đã 335 năm rồi. Trong một phần ba thiên niên kỷ ấy món ăn này đã qua bao nhiêu chế biến để đến giờ này hiện diện ở đây như một món ăn thuần túy Việt Nam.

Hủ tiếu Mỹ Tho hiện giờ không chỉ có ở Mỹ Tho, mà có ở khắp nơi, ở Sài Gòn có đầy, ở Biên Hòa cũng có - chỉ có điều... không chắc có đúng là hủ tiếu Mỹ Tho chính gốc hay không!


24 thg 6, 2013

Bún nước lèo Trà Vinh

Bún nước lèo là món ăn phát xuất từ người Khmer và rất nổi tiếng ờ các tỉnh miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Trà Vinh và Sóc Trăng.

Tui tới Sóc Trăng nhiều lần, tới Trà Vinh cũng nhiều lần, và nghe giới thiệu về món bún nước lèo ở 2 nơi ấy rất nhiều lần. Thế nhưng tui... chưa bao giờ thưởng thức món ăn nổi tiếng ấy! Tại sao à? Có 2 lý do:
  • Đã là bún (hay phở, hủ tiếu...) thì phải có món chính trong tô bún, như bún bò, bún chả, bún thịt nướng, bún măng gà..., chớ bún mà chỉ có nước lèo không thôi thì có gì ngon lành?
  • Nguyên liệu để làm nên món nước lèo là mắm bò-hóc (prohok) của người Khmer. Anh bạn tui đã từng đi bộ đội ở chiến trường K khẳng định với tôi như đinh đóng cột: Anh ăn mắm bò hóc không được đâu! Tui qua Campuchia thấy cách họ làm rồi. Cá chết, cóc nhái... họ cứ bỏ cả lũ vô hũ cho sình thúi lên và thành mắm bò hóc. Ngửi mùi là đã chịu không nổi rồi!

Tôn vinh và bợ đỡ

Trong chùa Phnôđôl ở Trà Cú, Trà Vinh - nơi có ảnh phóng to gia đình Trầm Bê cùng những bia to tướng ghi công đức của gia đình ông rất phản cảm - còn có những dãy tượng này.



Ở mỗi chân tượng và trụ hoa đăng đều có một bảng nhỏ ghi tên phật tử đã đóng góp để xây tượng. Số tiền khoảng 5 triệu đồng mỗi người. Kể ra điều này cũng hợp lý, người góp công góp của cảm thấy vui vì chút đóng góp nhỏ của mình không bị lãng quên. Nơi nhận cúng dường cảm thấy an lòng vì mình biết trân trọng tấm lòng của bá tánh.


21 thg 6, 2013

Nghi lễ trước khi ăn



Khi vào trang Facebook thì bạn thường thấy những ảnh gì?

Dĩ nhiên là tùy theo danh sách bạn bè của mình mà Facebook sẽ hiển thị những nội dung khác nhau (là những thông tin mới cập nhật của bạn bè ấy), nhưng tôi tin chắc rằng thế nào cũng có ảnh của… thức ăn! Và có khi chính bạn, bạn vừa post lên trang Facebook của mình ảnh đĩa cơm đang ăn chăng?

Ảnh thức ăn trên Facebook có muôn hình vạn trạng, đủ loại thức ăn và được chụp trong muôn vàn tình huống.

20 thg 6, 2013

21 tháng 6 - Ngày Nhà báo

Tôi xem kỹ rồi, viết cho đầy đủ và chính xác thì 21 tháng 6 là Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam.


Tôi không phải nhà báo, dù rằng vẫn ti toe viết bài đăng báo, lại càng không phải nhà báo cách mạng. Do đó chắc chắn là tôi không có liên quan gì đến ngày này.

Mà tôi cũng không hiểu thế nào là nhà báo cách mạng? Là có thẻ nhà báo của hội Nhà báo Việt Nam chăng? Hay là những người viết về đề tài cách mạng, mang tính cách mạng? Hay những người làm việc trong các tờ báo của Nhà nước ta (vốn là Nhà nước Cách mạng)?

Những nhà báo suốt ngày đưa tin lộ hàng, lộ quần chíp, rình chụp hình và khoanh tròn chỗ nhạy cảm có là nhà báo cách mạng không nhỉ?

Mà thôi, nhà báo cách mạng là ai cũng được, chỉ có điều chắc chắn không phải là mình. Chúc mừng các vị nhân ngày 21 tháng 6! Tôi không có liên quan.


Hai Ẩu

Trà Vinh có gì?

Trả lời câu hỏi Trà Vinh có gì? là câu ca dao:


Trà Vinh có bún nước lèo,
Có chùa Ông Mẹc, ao đào Bà Om

Bún nước lèo Trà Vinh là món ăn đặc sản tuyệt hảo, ăn một lần là nhớ mãi (sẽ kể trong một bài khác). Ao Bà Om là thắng cảnh độc nhất vô nhị của Trà Vinh. (Xem Ao Bà Om - Trà Vinh)

Riêng chùa Ông Mẹc, là một ngôi chùa Nam tông Khmer ở Trà Vinh - có lẽ do cấu trúc câu nên ca dao chỉ dùng một tên chùa làm tượng trưng, còn ý tứ chính là Trà Vinh có nhiều chùa Khmer (hay còn gọi là chùa Miên). (Xem Chùa Ông Mẹk) Thật vậy, Trà Vinh là địa phương có nhiều chùa Khmer nhất nước. Các ngôi chùa này hầu hết đều có kiến trúc rất độc đáo, và mỗi ngôi chùa đều có rừng cây bao quanh tạo nên một cảnh quan tuyệt diệu. (Xem Chùa Khmer ở Trà Vinh)

Nếu bây giờ hỏi tiếp: Trà Vinh có chùa Khmer, còn ở chùa Khmer có gì?

Chùa Ông Mẹk

Chùa Ông Mẹk (hoặc Mec) nằm ngay trung tâm thành phố Trà Vinh, tại số 50/1 đường Lê Lợi, phường 1. Xét về mặt cảnh quan và kiến trúc, ngôi chùa này không thu hút bắng nhiều chùa Khmer khác ở Trà Vinh, nhưng đây là ngôi chùa rất cổ, tên chùa đã được đưa vào ca dao:


Trà Vinh có bún nước lèo
Có chùa Ông Mẹc, ao đào Bà Om

Thêm nữa, chùa tọa lạc ở ngay trung tâm thành phố, rất thuận tiện cho việc viếng thăm, vì vậy nếu có dịp đến Trà Vinh, bạn hãy dành chút thời gian đến với chùa.


17 thg 6, 2013

Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi!

Dân miền Tây 10 người thì hết… 11 người thuộc bài ca vọng cổ Võ Đông Sơ của soạn giả Viễn Châu:


Biên cương lá rơi, Thu Hà em ơi
Đường dài mịt mù em không tới nơi…


Trong 11 người ấy, ai cũng biết Võ Đông Sơ bị trúng tên mà chết, bởi câu vọng cổ đầu tiên trong bài là:

Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu (ớ ơ ờ)… Hà!


Thế nhưng cũng trong số… 11 người ấy, chắc chỉ có 1 người biết Võ Đông Sơ con cái nhà ai!

16 thg 6, 2013

Còn cái lai quần cũng đánh!

Đó là câu nói nổi tiếng của chị Út Tịch trong tác phẩm Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi.

Chị Út Tịch là một nhân vật có thật, quê quán ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Mới đây anh bạn của Hai Ẩu đi công tác ở Cầu Kè có viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện, thăm mộ chị Út Tịch. Anh post hình lên Facebook.


9 thg 6, 2013

Ngu như cừu!

Vùng đất Phan Rang, Ninh Thuận nuôi nhiều nhất 3 con: dê, cừu và bò.

Trong 3 con này thì có đến 2 con... có thương hiệu. Đó là con dê và con bò. Con dê nổi tiếng là... , còn con bò nổi tiếng là... ngu như bò!

Nuôi cừu ở Ninh Thuận (Ảnh: Ninh Thuận online)

Ấy vậy mà người Ninh Thuận khi chửi ai ngu thì không chửi là ngu như bò, mà lại chửi là ngu như cừu!

Bởi vì con cừu còn ngu hơn cả con bò nữa!

6 thg 6, 2013

Phây-búc bao la sầu

1.

Bây giờ chưa phải là mùa thu, và ngoài hiên không có giọt mưa thánh thót rơi, nhưng trước mắt tôi là cả một trời ảm đạm:

Ai nức nở thương đời? Châu buông mau, dương thế bao la sầu…

Đó là khi tôi nhìn vào Facebook, bao cảnh đời thương tâm diễn ra khiến tôi cảm thấy như trong gió thoảng mơ hồ, trong mưa thu ai khóc ai than hờ…

Này là ảnh 2 em bé ngồi ôm nhau với chú thích: “Mẹ nó mất vì ca sinh khó em nó. Bố vất vả làm lụng để nuôi 2 anh em nó. Nhưng không may tai nạn lao động xảy ra, ông cũng qua đời. Còn anh em nó... Biết làm sao đây? Hỡi mảnh đời bất hạnh..”

Kia là chuyện ông lão già trên 80 tuổi ngồi co ro bên lề đường bán me. Hàng ngày từ 4 giờ sáng ông đã lê tấm thân còm cõi của mình trèo cây me để hái trái, mặc tuổi già sức yếu, mặc cây trơn trợt, dễ té…


2 thg 6, 2013

Mùi mưa



Hồi mới sau 30/4, mình đang chỉ biết là học trò bỗng nhiên phải đi làm rẫy. Dĩ nhiên là cảm thấy cưc rồi, nắng cũng khổ mà mưa cũng khổ. Bởi vậy có câu "châm ngôn" : Nắng nghỉ, mưa ngủ, mát tranh thủ đi về.

Ấy vậy mà bây giờ trời mưa lại thấy nhớ quay quắt cái thuở đi làm rẫy ấy. Nhớ cái mùi hăng hăng của hơi đất xông lên khi có những cơn mưa đầu mùa. Nhớ cái mùi nồng nồng, đượm đượm của cỏ, của lá chớm xanh khi mưa xuống. Nhớ cả cái mùi khai khai của những chú cua đồng chạy lúp xúp dưới chân cây lúa...

Mưa ở thành phố không có mùi. Hay là cái mùi khác?

Trời mưa. Mình đang nhớ mùi mưa, nhớ quê nhà hay nhớ dĩ vãng nhỉ?


Phạm Hoài Nhân

Gió lộng


Ở trên tầng 10 chung cư rất mát, gió lồng lộng.

Những lúc trời giông, chuyển mưa như hiện giờ thật là... thi vị. Không chỉ là mát, gió còn lạnh nữa.


Từng đợt, từng đợt, cơn gió lạnh xoáy vào người.


Từ một tầng cao, mơn man hơi gió lạnh, cảm giác thật tuyệt vời. Sự tuyệt vời của một người sống trong thành phố bỗng thấy mình gần với trời mây.


Rồi những hạt mưa li ti theo gió lất phất bay vào người. Li ti, lất phất...

...

Mỗi khi trời mưa, Bùm đều chạy qua phòng ba để đóng cửa sổ dùm vì mưa sẽ tạt, mà ba thì hầu như không đóng. Bùm nghĩ rằng ba quên, hoặc lười, nhưng... đâu phải vậy!


Phạm Hoài Nhân