26 thg 4, 2014

Di tích của di tích

Mộ cự thạch Hàng Gòn ở Long Khánh, Đồng Nai là một di tích khảo cổ học quan trọng, có niên đại ít nhất là 2.000 năm (Xem bài Bí ẩn ngôi mộ cổ). Đây là ảnh chụp khuôn viên quanh ngôi mộ cổ năm 2004



Người đang bước đi trong ảnh là bạn tôi, anh Lê Hồng Đức.

Sáng nay, 26/04/2014, anh Đức đến thăm lại khu di tích và suýt nữa không nhận ra: nó đã được tôn tạo rất nhiều. Tấm ảnh này trở thành di tích, di tích của di tích.

Ảnh do anh Lê Hồng Đức chụp sáng nay như thế này:




Là dân Long Khánh, tôi rất vui khi thấy di tích văn hóa tại tỉnh nhà được bảo tồn và tôn tạo. Thế nhưng tôi tự hỏi: Có cần bê tông hóa và hiện đại hóa một di tích cổ hàng ngàn năm theo cách như vậy hay không?

Thực ra, như thấy trong hình năm 2004, di tích cũng đã được tôn tạo rồi. Ngôi mộ cổ nằm giữa đất trời, được bao quanh bằng tường đá, xung quanh bên ngoài là cây lá cỏ hoa.  Bây giờ khu mộ được che kín bằng nhà mái vòm, bệ lên xuống, tường bao bằng đá granít bóng lộn.

Xây nhà mái vòm để che nắng mưa cho mộ cổ khỏi xói mòn chăng? Chắc là không, vì di tích là đá và đã tồn tại giữa nắng gió mấy ngàn năm mà có hề gì đâu!

Để chống kẻ trôm chăng? Chắc là không, vì di tích là những khối đá mà mỗi khối nặng hàng chục tấn. Với những vật thể nặng như vậy không dễ gì lấy trôm, mà đã lấy trộm những khối đá hàng chục tấn thì có nhà che với không có dường như chẳng có gì khác nhau.

Vậy chắc là để khách tham quan đứng xem cho... mát, và để thấy rằng ta rất hiện đại, đầu tư chăm sóc di tích cổ một cách quy mô!

Tôi nghĩ bâng quơ là có thể còn một lý do nữa, là làm công trình hoành tráng như vậy thì mới có cơ hội cho những người tổ chức xây dựng kiếm chác chút đỉnh. Nghĩ là nghĩ bậy vậy thôi, chứ các nhà làm văn hóa của ta có lòng lắm mà, ai lại đi kiếm chác trên di tích chứ!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét