Nội dung bài hát là câu chuyện một cuộc tình giữa chàng trai và cô gái miền quê, trong đó bóng dáng hoa thông thiên bàng bạc. Ngày chia tay chàng ra chốn thành đô, đôi lứa hẹn hò nhau bên những đóa thông thiên:
Ngày chia ly tay trong tay ủy mị,
Ngón ngọc ngà nhẹ bứt đóa thông thiên
Cài lên áo đây cánh hoa diễm lệ
Bóng hình em người em gái dịu hiền
Nàng hẹn hứa cùng chàng
Đóa thông thiên sắc vàng tươi óng ả
Nọn tơ vàng e ấp tuổi cài trâm
Cuộc tình ta dù cách ngăn đôi ngã,
Một vầng trăng dìu dịu mát đêm rằm
và cũng không quên dặn dò người yêu
Hoa thông thiên hình quả chuông nho nhỏ
Thức tỉnh anh trước hoa lệ đô thành
Đừng sa ngã quên người em nội cỏ
Mơ hình anh thao thức những đêm mưa
Rồi sau những ngày tháng nổi chìm nơi đô thị, chàng trở về quê xưa
Đây lối cũ vẫn hàng dừa nghiêng ngã
Căn nhà xinh vẫn thắm đóa thông thiên
nhưng bàng hoàng khi được mẹ nàng cho biết cô gái đã đi lấy chồng. Và bở ngỡ nhìn lên ảnh cưới:
Rồi sửng sốt nhìn quanh bỡ ngỡ
Bức hình người em gái dịu hiền
Nàng âu yếm bên người xa lạ
Trên áo cài một đóa thông thiên !
Hình ảnh hoa thông thiên trong bài thơ/bài hát rất lãng mạn. Cũng phải thôi, vì loài hoa này rất xinh xắn, dễ thương
Hoa thông thiên hình quả chuông nho nhỏ
Hoa đẹp, lá cũng đẹp, dễ trồng nên thông thiên được ưa chuộng, trồng nhiều nơi công viên, sân vườn... (mà trường hợp trồng ở cổng nhà cô gái trong bài thơ nói trên là một thí dụ). Nhưng bên cạnh vẻ đẹp thùy mị ấy, thông thiên là một loại cây cực độc, dễ dàng gây tử vong cho người!
Thông thiên tên khoa học Thevetia peruviana, họ Trúc đào – Apocynaceae. Toàn thân có nhựa mủ trắng chứa chất glycoside. Chính các chất glycoside này sẽ gây độc mạnh cho cơ thể người và động vật khi bị nhiễm liều cao. Những hội chứng phổ biến do nhiễm chúng như: tê cóng, lở loét miệng, buồn nôn và nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy… Những triệu chứng khác cũng thường gặp là buồn ngủ, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố, đặc biệt hạt có độc tính cao nhất. Nuốt một vài hạt có thể dẫn đến tử vong. Mủ của thông thiên vấy vào da sẽ gây dị ứng, có thể làm bong rộp da tùy cơ địa từng người, mủ vấy vào mắt sẽ gây tổn thương giác mạc.
Như bạn thấy đó, thông thiên thuộc họ trúc đào, nó là bà con rất gần với cây trúc đào. Trúc đào cũng đã xuất hiện trong một bài hát phổ thơ rất hay là Trúc đào (Chiều xưa có ngọn trúc đào,... thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Anh Bằng). Ác nghiệt thay, trúc đào cũng là loại cây độc không kém thông thiên (bà con mà!), ăn vô có thể chết ngủm! (Xin xem thêm bài Chiều xưa có ngọn trúc đào).
Hoa trúc đào
Hai loại cây này đẹp mà độc tới nổi vừa qua ngày 11/10/2013 phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã ban hành danh mục các loại cây cấm trồng trên đường phố, vỉa hè TPHCM trong đó có cả tên của hai nàng thông thiên và trúc đào (danh mục 5 loại cây có độc tố cấm trồng trên đường phố gồm: thông thiên, trúc đào, bả đậu, mã tiền và coca cảnh).
Ái chà, biết thông thiên và trúc đào độc như vậy rồi thì nghe 2 bài hát hết lãng mạn, Chả lẽ hát:
Hoa thông thiên hình quả chuông nho nhỏ
Lỡ mà ăn, chết không kịp kêu Trời!
hay là
Chiều xưa có ngọn trúc đào
Và anh lỡ dại, ăn vào chết toi!
Thôi, cứ nghĩ như vầy đi cho nó hợp lẽ trời: Người đẹp thì độc mà, dính vô là khổ thôi, có chi phải thắc mắc?
Phạm Hoài Nhân
Hoa màu vàng gọi là hoa thông thiên hả anh? Em biết hoa này, nhưng mới nghe tên này á
Trả lờiXóaỪ, hoa này gặp nhiều nhưng anh cũng không biết tên. Chỉ khi nghe bài hát Hoa thông thiên rồi tìm hiểu mới biết thông thiên chính là nó!
XóaHồi nhỏ nhà mình có trồng cây này ở đầu cổng.suốt ngày ngắt hoa của nó để hút mật vs lại hái quả chín của nó ăn mà có sao đâu nhỉ. quả của nó có vị ngọt nhợ mà
Xóa