24 thg 4, 2014

Về qua Long Khánh

Đèo Mẹ Bồng Con, Long Khánh. Ảnh: Phạm Tường Nhân

Tình cờ tôi về ngang qua quê nhà Long Khánh đúng vào ngày 21 tháng Tư, ngày mà 39 năm trước ở nơi này quân đội Việt Nam Cộng Hòa thất thủ. Hai bên con đường Hồ thị Hương hoa bằng lăng nở tím, đẹp và buồn đến nao lòng.

Quốc lộ 1 đoạn đi qua Long Khánh không hiểu vì lý do gì gấp khúc thật dữ (gẫy thành một góc nhọn luôn chứ không phải "cong mềm mại" như đường Trường Chinh ở Hà Nội). Xưa giờ xe đi từ Sài Gòn ra Trung đều phải đi qua đoạn gẫy đó. Sau này người ta mở rộng và nối dài con đường Hồ thị Hương đi từ Cua Heo ra thẳng tới xã Bảo Hòa thuộc huyện Xuân Lộc luôn, giảm đáng kể đoạn đường đi.

Quốc lộ 1 (màu vàng) gồm 2 đoạn gấp khúc, đường Hồ thị Hương nối liền 2 đoạn gấp khúc đó.

Khi tôi còn ở Long Khánh, con đường này không dài như vậy (hoặc nếu có là đường nhỏ, khó đi lại) và nó cũng không mang tên đường Hồ thị Hương. Hồi đó đây là đường Nguyễn văn Bé!

Nguyễn văn Bé là ai?

Theo thông tin từ phía cách mạng, Nguyễn văn Bé là một anh hùng lực lượng vũ trang, sinh năm 1941. Năm 1966, ông bị bắt trong một chuyến vận chuyển vũ khí. Theo yêu cầu của các binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Bé phải giải thích công dụng của các loại vũ khí này. Lợi dụng cơ hội đó, Nguyễn Văn Bé cầm quả mìn Claymor đập vào một chiếc xe tăng, làm chết 69 binh sĩ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, cùng nhiều xe tăng; hy sinh tan xác tại chỗ.

Phía cộng sản đã tuyên truyền, giới thiệu Nguyễn văn Bé như một anh hùng, dũng sĩ, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Hình và tên Nguyễn văn Bé được in trên áp phích, trên tem thư. Tên ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố.

Tem thư in hình Nguyễn văn Bé

Thế nhưng theo tạp chí Time của Mỹ thì không phải vậy, mà sau khi bị bắt Nguyễn văn Bé đã đầu hàng theo chính sách chiêu hồi của Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 4/1967, phía VNCH cho phổ biến một bức hình Nguyễn văn Bé đang đọc tin... mình hy sinh trên báo Tiền Phong, cùng thư của ông viết để đính chánh là mình... chưa chết!


Thế nhưng phía Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Miền Nam cho rằng đó là do bộ máy tuyên truyền của Mỹ và VNCH dựng chuyện, còn thật sự là Nguyễn văn Bé... hy sinh rồi! Và họ vẫn tôn vinh ông!

Theo một số nguồn tin, sau 1975 Nguyễn văn Bé đã sang Mỹ và mất tại đây năm 2002 (vì bệnh già, không phải vì cho nổ mìn Claymore để giết Mỹ!).

Lê văn Tám đã một thời được tôn vinh anh hùng, nhưng rồi đã được xác nhận chỉ là nhân vật bịa đặt, không có thật. Còn Nguyễn văn Bé cũng được tôn vinh anh hùng thì là một nhân vật có thật, nhưng không phải là anh hùng diệt Mỹ mà là một người hồi chánh!

Những sự thật này cho đến giờ đã quá nhiều người biết, nhưng vẫn chưa có sự thừa nhận công khai từ phía chính quyền. (Thừa nhận rằng mình nói dóc quả là khó khăn nhỉ?). Dù vậy, để tên đường Nguyễn văn Bé rõ ràng là không ổn, nên chính quyền thị xã Long Khánh lặng lẽ đổi tên đường thành Hồ thị Hương cho nó êm...

Thế thì Hồ thị Hương là ai?

Hồ thị Hương là một chiến sĩ cách mạng, sinh năm 1954 tại Bình Định, hoạt động trinh sát tại Long Khánh và hy sinh vào tháng 1/1975 (chi tiết về Hồ thị Hương xin xem tại đây). Chiến công được nhắc đến nhiều nhất của cô là trận đánh quán Ngọc Hương ở Long Khánh ngày 1/11/1974, cô cùng 2 người bạn gái khác giả dạng là thiếu nữ vào quán và gài chất nổ, làm 15 người chết.

Thuở còn sống, ba tôi thường nhắc về sự kiện này với sự bực bội: Việt Cộng nói dóc, vụ nổ đó tao biết mà, đâu có chết ai! Con nhỏ đó làm được cái gì đâu! (Ba tôi sinh năm 1936, lớn hơn Hồ thị Hương 18 tuổi nên gọi cô là con nhỏ đó là bình thường. Thời điểm xảy ra vụ nổ, ông 38 tuổi, đang làm công chức ở Long Khánh và bạn bè ông là những người thường lui tới quán Ngọc Hương).

Cứ cho là ba tôi có định kiến với chính quyền cách mạng và thông tin ông biết là không chính xác đi, cứ cho là Hồ thị Hương có nhiều công trạng lớn mà ông không chịu tìm hiểu đi... nhưng một chế độ có nhiều sự dối trá quả là khiến cho ta việc gì cũng phải bán tin bán nghi, chẳng biết đâu là sự thật!

Và nếu Hồ thị Hương là anh hùng thật sự đi nữa, thì e rằng so với biết bao nhiêu minh quân, danh tướng, anh thư trong suốt mấy ngàn năm lịch sử dân tộc ta công lao của cô cũng không xứng là gì để được đặt tên cho con đường lớn nhất nhì Long Khánh! Đâu phải chẳng có tên ai xứng đáng?

Đường Hồ thị Hương, đoạn sắp ra tới Bảo Hòa

Tôi nghĩ vẩn vơ như thế suốt con đường Hồ thị Hương cho đến khi xe ra quốc lộ 1 ở xã Bảo Hòa, Xuân Lộc tiến về Bình Thuận. Cái được lớn nhất khi đi qua con đường này ngoài việc rút ngắn đoạn đường là không đi qua đài Kỷ niệm Chiến thắng Xuân Lộc trên quốc lộ 1. Trong cái ngày 21 tháng Tư này đi qua nơi ấy càng gợi lên nhiều hồi ức đau khổ.

Xe đã rời Long Khánh. Giã biệt quá khứ ngổn ngang của một thời ly loạn...

Phạm Hoài Nhân

12 nhận xét:

  1. Đoc qua bài viết " Về qua Long Khánh " của bạn tự dưng tôi buồn muốn khóc . hu ..huuu...
    Số là như vầy : Ngày xưa tôi có người iu thuở bé con , nàng ta lúc đó chưa phải là dân LK . Còn tôi thì có dịp ở LK rồi . Sau 75 tôi có trở lại LK đôi lần .Cô người iu đã về nơi đó rồi mà tôi không hề hay biết .
    Một lần tình cờ lướt web và bắt gặp trang Blog của ngôi trường ngày xưa mà cô ta học . Tôi nhắn tin và đã tìm gặp cô ấy . Gần 40 năm xa cách tuy không nhận diện ra nhau nhưng vẫn còn nhớ về nhau ,,,nhất là những cánh thư xưa...
    Bây giờ cô ta về LK ở . Còn tôi thì xa tít cuối chân trời ...buồn chưa !!!


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn không nói rõ ngôi trường ở Long Khánh ấy là trường nào, nhưng căn cứ vào dữ kiện thời gian tôi đoán đó là trường cấp 3 Long Khánh. Đây cũng là ngôi trường tôi đã học cách đây gần 40 năm!...

      Xóa
  2. Ồ ! Thưa không ...cô ta mới theo gia đình vê LK sau năm 75 .Nhà hiện giờ ở gần chợ và có một người con đang Du Học....( cho xin giữ chút bí mật ) Chuyện tình thời ly loạn ấy mà,,,

    Trả lờiXóa
  3. Hổng biết anh bạn có còn nhớ giá vé xe lửa từ ga Long Khánh về ga Sài Gòn trước năm 75 là bao nhiêu không nhỉ ? Tôi chỉ đi qua có một lần nên không nhớ ( cách chuyến tôi đi mấy hôm sau đó thì bị " mìn " đoạn Hưng Lộc Trảng Bom .Bạn tôi về kể lại ...hú hồn !!! )
    Riêng tôi chỉ còn nhớ vé xe đò từ Long Khánh về đến bến xe Ngã Bảy SG thì tốn hết 80 $ . Vị chi = 1/25 % tiền lương của tui đó

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. * Vị chi = 1 / 250 % tiền lương của tui hồi đó

      Xóa
  4. Trí nhớ của bạn tốt quá! Tôi chịu, không nhớ gì cả dù trước đây vẫn thường đi!

    Trả lờiXóa

  5. Tôi nhớ những năm đầu sau 75 LK cũng có nhiều cái lạ...Cái ông Y Tá B,,,nhà ở đường Hoàng Diệu ai cũng kêu là BS ,Vây mà ông ta không bao giờ đính chính...
    Chiều chiều từ đoạn Cua Heo tới đèo Mẹ Bồng Con những người bán " cà rem " dạo tập trung đón xe " ba lua" về SG nếu lỡ trể thì họ đón xe "chạy bằng than "...hồi đó nhiều người chịu khó hơn bây giờ thì phải ?
    Hồi đó ở Suối Cát 10 sào đất trồng bắp ...đi năn nỉ mãi bán có " 1 chỉ " vậy mà hổng ai chịu mua !!!...

    Trả lờiXóa
  6. Em cũng thấy bây giờ chính quyền đặt tên đường và trường học rất tuỳ tiện. Nhiều tên tra mãi mà ko biết họ là ai? có công trận gì hay ko? Và nói như bọn trẻ bây giờ là "chém gió", nhiều ông chẳng có thành tích gì hết mà kể chuyện cứ như mình là anh hùng vậy. Nên bọn trẻ cũng chằng biết ai nói thật ai nói giả.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính quyền đặt tên đường và trường học đều có cân nhắc đó chứ em. Chỉ có điều sự đánh giá của họ không giống ý mình thôi!

      Xóa
  7. Nữ liệt sĩ anh hùng LLVT Hồ Thị Hương
    http://dongnai.vncgarden.com/tu-lieu-ve-con-nguoi-dhong-nai/nu-liet-si-anh-hung-llvt-ho-thi-huong

    Trả lờiXóa