Toàn cảnh bệnh viện phong trước năm 1936
Đức Giám mục Tardieu (Đức Cha Phú) lúc bấy giờ là đại diện Tông Toà giáo phận Quy Nhơn đã có lời mời các nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đến Việt Nam phục vụ người phong tại Quy Hòa. Sr Bề trên Marie De Saint Michel đã mau mắn vui vẻ nhận lời.
Theo lịch sử hội dòng, dòng Thừa Sai Đức Mẹ được thành lập ngày 06/01/1877 do nữ tu Marie De La Passion. Năm 1882, Hội dòng gia nhập dòng ba Phanxicô và mang tên Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Linh đạo của dòng là Sống Chiêm Niệm và Hoạt động theo gương Mẹ Maria và Thánh Tổ Phụ Phanxicô Assidi. Hiện nay dòng có khoảng trên 7000 chị em sống tại 82 quốc gia. Hội dòng hoạt động đa hình thức: giáo dục, y tế, truyền thông và các công việc xã hội như phục vụ di dân trên các nước, phát triển văn hóa, nghề nghiệp và giúp đỡ những người nghèo, những người bị bỏ rơi…
Ngày 24/10/1932, có 5 soeurs là Marie Gisèle (trưởng đoàn), Marie de la Résurreection, Marie de Saint- Yenan, Marie Waberta, Marie Martie du Sacré-Coeur đã đến Quy Hoà với sự đón tiếp nồng hậu của Đức cha Tardieu và cha Nicolas là tuyên uý trại Phong cùng với đông đảo anh em bệnh nhân phong. Như vậy, Quy Hoà là nơi đầu tiên dòng Phan Sinh bắt đầu đến Việt Nam truyền giáo năm 1932.
Trước tiên là các soeur đặt tên cho trại là Trại Phong Thánh Phanxicô Quy Hoà. Cộng đoàn các soeur cũng được gọi là cộng đoàn thánh Phanxicô. Sau khi đã ổn định nơi chốn, các soeur bắt đầu thăm viếng, chăm sóc bệnh nhân, chữa bệnh, bệnh phong cũng như các bệnh khác. Mỗi ngày băng bó trung bình từ 160 đến 180 bệnh nhân. Mặt bằng được khai quang thêm. Các chị cất thêm nhiều nhà, tuy vẫn là nhà tranh vách ván.
Ngày 01/11/1933, một trận bão lớn có sóng thần ập đến, bao nhiêu nhà cửa bị gió xoáy, sập đổ hầu hết. Các soeur phải bắt đầu xây dựng lại một cách quy mô và kiên cố hơn. Nhà cửa dự trù cho 500 bệnh nhân.
Đến tháng 11/1934, trại đã có 318 bệnh nhân.
Năm 1935 số nữ tu Phan Sinh phục vụ tại Quy Hoà tăng thêm 3 soeur là Marie de Saint-Foulques, Marie Juetta, Marie Kléophasa. Tổng số nữ tu ở Quy Hoà lúc này là 8 người.
Ngày 08/12/1937, khánh thành nhà thờ mới được xây ở trung tâm trại, để bệnh nhân có đạo hay không có đạo cũng có thể đến với Chúa.
Nhà thờ Qui Hòa năm 1937
Đến năm 1945 số bệnh nhân còn trong trại là 660 người. Hầu hết là người Việt, chỉ một số ít là người sắc tộc, người Khemer, người Hoa, người Ấn Độ.
Ngày 21/11/1945, các nữ tu buộc phải rời Quy Hoà về Pháp cho đến ngày 06/07/1955 mới trở lại. Gần 10 năm đó, phần dòng Phan Sinh chỉ có 4 chị nhà thử, đang thời gian từ Vinh vào Quy Hoà thực tập, là người Việt, đã ở lại phục vụ. Bốn chị can đảm nhận việc phục vụ các thiếu nhi và trẻ mồ côi, giữ nhà thờ, giữ tu viện.
Sau hiệp định Genève, khi các soeur trở lại số bệnh nhân chỉ còn 180 người. Nhà cửa Xiêu vẹo đổ nát. Lại một lần nữa phải tái thiết.
Số bệnh nhân ghi tên vào danh sách bệnh nhân đến cuối năm 1974 là 5.422 người. Số nữ tu Phan Sinh cả người Pháp và người Việt phục vụ tại Quy Hoà từ năm 1932 đến năm 1974 là 47 Soeurs.
Làng phong đã trở thành xứ đạo Quy Hoà. Các nữ tu Phan Sinh tiếp tục cộng tác cùng giáo xứ để không chỉ giúp đẩy lui chứng bệnh quái ác khỏi loài người, nhưng còn tích cực khơi dậy niềm tin và đốt lên ngọn lửa tình người theo tinh thần Kitô giáo. Các nữ tu Phan Sinh đã cộng tác với các linh mục trong việc dạy giáo lý. theo sổ sách từ khởi đầu đến năm 1974 đã có có 2.475 bệnh nhân được rửa tội và có rất nhiều người được rửa tội lúc nguy tử mà không lưu trong sổ sách. Có thể nói là 90% bệnh nhân phong Quy Hoà đã lãnh nhận phép rửa tội.
Sau biến cố 1975, trại phong đã được giao cho nhà nước quản lý. Hiện nay các nữ tu Phan Sinh không còn phục vụ trực tiếp các bệnh nhân như trước, nhưng các chị ý thức sự hiện diện của mình nơi đây là một sứ vụ để cùng chia sẻ và đồng hành với bệnh nhân bằng đời sống phục vụ như một nhân viên, trong tư thế của một nữ tu. Chị em quan tâm và góp phần việc giáo dục con em bệnh nhân về nhân bản và đức tin qua việc lo phương tiện cho các em đến trường và hướng nghiệp; cộng tác với cha xứ dạy giáo lý cho các em. Các chị còn là trung gian để tiếp tay với các mạnh thường quân giúp đỡ vật chất cho những người nghèo, neo đơn trong trại, bất kể lương giáo.
Sau biến cố 1975, trại phong đã được giao cho nhà nước quản lý. Hiện nay các nữ tu Phan Sinh không còn phục vụ trực tiếp các bệnh nhân như trước, nhưng các chị ý thức sự hiện diện của mình nơi đây là một sứ vụ để cùng chia sẻ và đồng hành với bệnh nhân bằng đời sống phục vụ như một nhân viên, trong tư thế của một nữ tu. Chị em quan tâm và góp phần việc giáo dục con em bệnh nhân về nhân bản và đức tin qua việc lo phương tiện cho các em đến trường và hướng nghiệp; cộng tác với cha xứ dạy giáo lý cho các em. Các chị còn là trung gian để tiếp tay với các mạnh thường quân giúp đỡ vật chất cho những người nghèo, neo đơn trong trại, bất kể lương giáo.
Một số hình ảnh nhà thờ Quy Hòa, tháng 5/2015. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Giường bịnh, nơi qua đời của một bịnh nhân phong đặc biệt: Hàn Mặc Tử
Phạm Hoài Nhân
Ghi chép theo tư liệu của Giáo phận Quy Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét