3 thg 6, 2015

Quy Hòa, thung lũng buồn tênh

Bạn có thể đến bệnh viện phong Quy Hòa từ khu mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng hay từ quốc lộ 1D. Dù đi đường nào bạn cũng đi qua đoạn đường đèo dài khoảng 3 km, vắng vẻ buồn tênh.

Không hiểu sự trầm mặc ấy có từ đâu. Vì số phận bi thương của những bệnh nhân phong (trong đó có Hàn Mặc Tử) hay vì khung cảnh nơi đây vốn dĩ đã hoang sơ, quạnh quẽ? Có lẽ là cả hai.

Năm 1929, khi tìm ra thung lũng Quy Hòa, linh mục Paul Maheu đã thấy rằng đây là nơi lý tưởng để điều trị và chăm sóc cho những bệnh nhân phong, căn bệnh mà ngày ấy còn bị coi là nan y và bệnh nhân bị người đời hất hủi. Thung lũng Quy Hòa ở tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, giúp người bệnh tránh được cái nhìn ghê sợ của xã hội, giúp họ an dưỡng tinh thần giữa thiên nhiên hiền hòa. Làng phong Quy Hòa ra đời trong bối cảnh như vậy, tất phải mang dáng vẻ quạnh hiu.

Bây giờ, làng phong Quy Hòa có tên chính thức là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Thung lũng Quy Hòa bao gồm bệnh viện Phong - Da liễu (44 ha), giáo xứ Quy Hòa (4 ha) và Cộng đoàn Nữ tu Phan-xi-cô (2,4 ha). Những con đường nhựa nội bộ được đặt tên, những dãy nhà bệnh nhân, những công trình kiến trúc, công viên... khiến nơi đây giống như một thị trấn nhỏ.

Bãi biển Quy Hòa giống như một vịnh, nên nước biển lặng. Những hàng dương già che bóng mát, càng tăng thêm vẻ bình yên.


Bãi biển hoang sơ, lặng sóng



Những chiếc thuyền của dân xóm chài nằm lặng lẽ trên bãi

Ngồi bên gốc dương...

... hay đong đưa trên võng, đều là cảm nhận sự yên bình đến lặng lẽ.

Ngày xưa, trại phong Quy Hòa là một cơ sở từ thiện của Công giáo, thế nên bây giờ nơi đây vẫn mang những nét trang nghiêm của đạo qua nhà thờ, tượng thánh...

Nhà thờ Quy Hòa

Tượng thánh bên nhà thờ

Tu viện Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ

Đã đến đây, ta sẽ không quên thăm một phòng bệnh đặc biệt. Đó là nơi mà Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mặc Tử, đã điều trị bệnh phong, và qua đời năm 1940. Căn phòng ấy giờ làm nơi tưởng niệm ông.


Nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử

Giường bệnh, nơi Hàn Mặc Tử từ trần

Bàn thờ của ông trong nhà lưu niệm

Rồi ta sẽ thăm nơi an táng Hàn Mặc Tử ngay sau khi qua đời. Nơi ấy bây giờ là mộ gió, thi hài ông đã được cải táng ra nơi Ghềnh Ráng từ năm 1959. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh cùng một số bạn bè đã xây dựng một đài tưởng niệm đơn sơ ngay nơi chôn cất đầu tiên ấy.


Xung quanh ngôi mộ Hàn Mặc Tử là những ngôi mộ khác. Vô danh có, hữu danh có, bệnh nhân có, người chăm sóc có. Điểm chung của họ là cùng đến đây và vĩnh viễn ở lại nơi này, ngủ yên cùng hàng dương reo và tiếng sóng biển rì rào.


Một điểm đáng để tham quan nữa là vườn tượng danh y, nơi tôn vinh các bậc danh y xưa và nay, Đông và Tây.





Ở gần vườn tượng danh y, người ta có làm một tượng cá heo để tạo sự vui vẻ, vì nơi này là khu tắm biển, tắm nước ngọt.


Khi tôi đến (cũng như nhiều lần khác) nơi đây vắng, vắng lắm. Bạn tôi (dân Quy Nhơn) nói rằng vào thứ Bảy, Chủ Nhật thì người ta tới đây tắm biển cũng đông. Tôi vẫn chưa hình dung ra nơi đây khi đông khách sẽ như thế nào, vì quá quen cái vắng lặng của nó rồi.

Khác với Ghềnh Ráng - nơi yên nghỉ hiện nay của Hàn Mặc Tử - đã được quy hoạch thành khu du lịch (gọi là Đồi Thi Nhân), nơi đó có bãi Đá Trứng, có nhà hàng Hoàng Hậu, có điểm bán quà lưu niệm nên lúc nào nhìn cũng nhộn nhịp vui tươi, thung lũng Quy Hòa mang một vẻ bình yên lặng lẽ.

Bình yên, và bình an.

Thung lũng Quy Hòa buồn tênh thật đó. Nhưng có lẽ giữa dòng đời xao động, cũng có những phút giây ta nên tìm đến đây để đắm mình trong cõi lặng lẽ, bình an. Phải không bạn?

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Gần đây xem trang nhà bạn, ảnh không hiện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như lúc này xem trên điện thoại thì những ảnh được post lên thông qua Google sẽ không hiện. Chưa rõ vì sao anh VanPham à. Tôi sẽ tìm hiểu xem sao. Cảm ơn anh đã xem và góp ý.

      Xóa