Trong không khí trầm lắng của đám tang, một giọng ca và tiếng đàn da diết, truyền cảm vang lên. Lặng lẽ nơi góc vườn, một người phụ nữ ngồi đơn độc vừa đánh đàn vừa hát. Giọng ca của chị không khỏe, không vang, nhưng nó như thoát ra từ cõi lòng và như quyện lấy hồn ta trong phút giây tiễn biệt.
Tôi hỏi anh Bảo, chủ nhà:
- Ca đoàn của nhà thờ hả anh? Sao chỉ có một người vậy?
Anh khẽ trả lời, như sợ phá vỡ cảm xúc mà giọng hát, tiếng đàn mang đến:
- Không, cá nhân cô ấy. Một mình cô ấy thôi. Mỗi khi nhà ai có tang là cô ấy lại tự nguyện mang đàn đến và hát để cho gia đình bớt phần quạnh quẽ.
Tôi bất giác kêu lên:
- Ít ra là phải có người thuê chứ? Với lại cây đàn thế kia, cô ấy lại là phụ nữ, ai chở cho cô ấy?
Anh Bảo lắc đầu:
- Cô tự chở đến bằng xe máy, tự sắp xếp chỗ ngồi, tự đàn hát mỗi lúc im vắng. Mà chỉ là giúp không công thôi, không đòi hỏi gì ở gia chủ hết.
Rồi anh tỏ ra áy náy:
- Hồi nào giờ là vậy. Với gia đình nào cũng vậy. Không hề mong đền đáp gì hết. Nhưng anh quyết lần này mình phải có chút gì đó cảm ơn cô ấy, chứ nếu không trong lòng sao yên?
Tôi im lặng. Giọng hát của cô vẫn ngân đều trong không gian tĩnh lặng, giọng hát xao xuyến lòng người vì nó phát xuất từ một tấm lòng. Trong một đám tang mà ta thấy cuộc đời đẹp quá nhỉ?
...
Tôi biết được chị tên Trần thị Xuyến, 53 tuổi, ở phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh. Và những điều tôi biết thêm về chị khiến tôi càng không thể tin được có một cuộc đời khổ mà đẹp đến như vậy.
Chồng chị Xuyến bị tai nạn qua đời cuối năm 2001. Đầu năm 2005, đến lượt chị bị tai nạn giao thông và phải đi bằng đôi nạng gỗ suốt đời. Chị có 3 người con thì một người con gái lấy chồng biền biệt phương xa, trong 2 con trai thì một người bị tâm thần.
Với đôi chân tật nguyền, ngày ngày người vợ góa này vẫn tập tễnh làm rẫy để nuôi sống gia đình, có lúc làm thuê, làm mướn. Ấy vậy mà mỗi khi nhà ai có đám tang thì...
Chị Xuyến cho biết nhờ may mắn thuở nhỏ chị được học thanh nhạc miễn phí ở nhà dòng nên có chút khả năng đàn hát. Giờ chị đem chút tài mọn ấy xoa dịu nỗi đau của những gia đình có người thân ra đi vĩnh viễn.
Và còn nữa, làm việc thiện là một tâm nguyện của người phụ nữ này. Không có tiền của, chi đem lời ca tiếng đàn dâng cho người rồi, chị còn hiến cả máu mình nữa. Vâng, chị đã 45 lần hiến máu nhân đạo...
Tôi biết nói gì hơn ngoài việc cảm ơn người phụ nữ nghèo, bất hạnh nhưng thật cao cả này. Cảm ơn chị đã cho tôi thấy có những khi tình đời đẹp quá!
Phạm Hoài Nhân
Ảnh và một số thông tin được lấy theo My Ny - Nguyễn Hòa trên báo Lao động Đồng Nai
Đúng là một tâm hồn đẹp, một trái tim nhân hậu... Thật khâm phục chị anh Hoài Nhân ạ.
Trả lờiXóaVâng, lúc thấy cô ấy đàn hát phục vụ miễn phí trong đám tang tôi đã thấy quý rồi. Khi biết hoàn cảnh của cô mình càng cảm phục hơn nữa.
Xóathật đáng quý và đáng trân trọng với những việc làm thật lặng lẽ và ấm tình người của cô Xuyến quá anh ơi :)
Trả lờiXóaNhất là khi nghe cô ấy hát, thật nhiều cảm xúc Bố Susu ạ.
XóaVì trái tim cô ấy đầy trần hồng ẩn của CHÚA nên cô ấy chia sẽ cho người khác. Simple
Trả lờiXóaCảm ơn đời còn cho tôi niềm tin
Trả lờiXóa