Hòn Bà là một trong những ngọn núi cao ở Khánh Hòa. Độ cao chính xác đo được hiện nay là 1.578 met. (Sách Non nước Khánh Hòa của Nguyễn Đình Tư viết năm 1967 chỉ ghi chiều cao Hòn Bà khiêm tốn là 1.356 met, có lẽ lúc đó chưa có điều kiện đo đạc chính xác).
Chiều cao trung bình của Đà Lạt là dưới 1.500 met, vì thế với cao độ 1.578 met Hòn Bà lạnh không thua gì Đà Lạt, nếu không muốn nói là lạnh hơn nhiều vì nơi đây là rừng núi hoang vu chứ không phải thị thành như Đà Lạt.
Bảng "tự khoe" độ cao của Hòn Bà so với Đà Lạt, đặt trên đỉnh Hòn Bà.
Hòn Bà cách Nha Trang đến 60 km về hướng Tây Nam. Đi theo quốc lộ 1 về hướng Nam khoảng trên 20 km, tới ngã ba Suối Cát rẽ vô đi khoảng 1 km nữa là sẽ thấy cột cây số thứ nhất chỉ con đường độc đạo (đường đèo) đi lên núi, dài 37 km.
Trên đỉnh Hòn Bà, năm 1903 bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) đã lập một trạm quan trắc khí tượng và trồng thử nghiệm cây quinquina để sản xuất thuốc ký ninh chống sốt rét. Thời gian và chiến tranh đã phá hủy rất nhiều. Ngày nay tại đó người ta mở thành một điểm du lịch (nghe nói là chưa được phép của UBND tỉnh Khánh Hòa!). Lên đỉnh Hòn Bà chính là đi thăm di tích này của bác sĩ Yersin.
Đường từ ngã ba Suối Cát lên đỉnh Hòn Bà dài 38 km, khá hẹp và quanh co (đường đèo mà) tạo cảm giác mạnh cho những người phượt bằng xe máy. Cứ mỗi 100 met cao độ là lại có một biển báo cho biết lý trình và cao độ giúp người đi nắm được hành trình. Ở 19 km đầu tiên, độ cao chỉ tăng lên 500 met, đường không dốc và ngoằn ngoèo lắm. Ở 19 km còn lại, độ cao tăng thêm 1.000 met nữa, đường đèo khúc khuỷu, dốc cao, lại thêm khí hậu lạnh dần tạo nên sự phấn khích.
Biển báo cao độ cuối cùng
Xin chớ chăm chăm chạy lên đỉnh núi, những điều tuyệt vời đang chờ bạn dọc bên đường đèo. Có những dòng suối đẹp mê hồn: suối Đá Giăng, suối Đá Hàn, suối Cá... Đó là những địa điểm tuyệt vời để dừng lại chụp hình, và nếu thích, có thể tắm suối.
Tôi xin để dành lại những điểm đến này cho bài viết khác, chỉ giới thiệu vài hình ảnh thôi.
Khi gần đến đỉnh núi, hãy chọn một điểm quanh co mù sương nào đó để ghi lại những hình ảnh kỷ niệm ta đang bảng lảng trong mây.
Con đường hẹp trên đỉnh cao sương mù, một bên là vách đá, một bên là vực sâu.
Ta uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say?
Và rồi ta cũng đến đỉnh Hòn Bà. Cảm giác đầu tiên là hơi hụt hẫng. Chỉ có vậy thôi sao?
Điểm nhấn chính là ngôi nhà, được cho là ngôi nhà làm việc ngày xưa của bác sĩ Yersin, phục chế lại. Thế nhưng theo những người hiểu biết về nơi đây thì ngôi nhà ấy là nơi ở của những người giúp việc cho ông, còn ngôi nhà thật sự của Yersin đã bị phá dở hoàn toàn, nền nhà nơi ấy bây giờ là... chỗ đậu xe.
Ngôi nhà được cho là nơi làm việc ngày xưa của bác sĩ Yersin
Nội thất của ngôi nhà
Ngôi nhà bảng lảng trong sương
Có những khay đá được cho là nơi bác sĩ Yersin ươm cây, nhưng thật là khó tin, và những khay đá này cũng mới được làm đây thôi.
Cảnh quan được tạo xung quanh khu vực nhà có vẻ gì đó gượng ép và không hấp dẫn.
Vì thế nên những ông bạn già ngồi trên ghế đá, đầy vẻ ưu tư.
À, ngay điểm đến có một... nhà hàng của công ty du lịch (chắc không cần hình minh họa đâu ha?).
Có một lối đi vào rừng, nơi đó người ta xây dựng những nhà nghỉ theo kiểu... Tây nguyên cho du khách thuê (chắc cũng không cần hình minh họa đâu ha?). Không quan tâm thì bạn hãy lang thang thêm một tí vào rừng để chụp hình làm kỷ niệm.
Cây dương xỉ trên đỉnh Hòn Bà thật là to, héng?
Vậy đó, không biết có nên kết luận bằng một câu có hơi hướng triết lý như vầy chăng:
Hạnh phúc không hẳn là điểm đến mà chính là con đường ta đi đến đó!
Phạm Hoài Nhân
Cám ơn anh Hai về chyến đi nầy. Thật là thú vị và bổ ích
Trả lờiXóamấy lần em hụt điểm này khi đến Nha Trang
Trả lờiXóaKể cũng khó đi nếu đi tour Bố Susu à.
XóaMình nhờ có bạn ở Nha Trang nên cùng đi xe máy lên.