12 thg 4, 2016

Con đường đẹp nhất Biên Hòa

Nhiều người nói, kể cả trên mặt báo, rằng con đường đẹp nhất Biên Hòa là con đường Nguyễn Ái Quốc, tức quốc lộ 1K đoạn đi qua TP Biên Hòa. Tui sống ở một chung cư cao tầng trên đường này nên thường xuyên có dịp ngắm con đường từ trên cao. Công nhận rằng đẹp thì có đẹp thiệt, nhưng đó là cái đẹp của sự hoành tráng, sang trọng chớ không phải cái đẹp lãng mạn, nên thơ. Ừ, nếu muốn cho con đường Nguyễn Ái Quốc cái nhất thì có cái nhất đo được đây: đây là con đường dài nhất Biên Hòa (8.533 met) và cũng là con đường rộng nhất (rộng 44 met, lộ giới 55 met).

Đẹp lãng mạn, nên thơ nhất ở Biên Hòa, theo tui phải kể đến đường Nguyễn văn Trị - con đường dọc theo công viên bờ sông. Thế nhưng đẹp là một nhận định cảm tính, không đo bằng con số, thay đổi theo từng người, do vậy chắc hẳn nhiều người có những ý kiến khác.

Vậy mà có một con đường ở Biên Hòa ngày xưa (trước 1975) được hầu như tất cả mọi người thời đó công nhận là con đường đẹp nhất. Đường nào vậy? Bây giờ còn không?

Đó là con đường ngày xưa mang tên Lê văn Duyệt. Hãy đọc những dòng cảm xúc sau đây của tác giả Nghiêm Hải trên trang web trường Ngô Quyền:

"Ai cũng thế cả! Cái gì thuộc về mình thì luôn luôn đẹp nhất dù nhiều khi, nếu so sánh thật sự thì chưa chắc! Nhưng, Tôi có thể nói chắc như đinh đóng cột là: chỉ có con đường của cái xóm Bắc dốc Tòa của chúng tôi là đẹp nhất tỉnh Biên Hòa ngày đó mà thôi! Nó sống mãi trong tâm hồn ấu thơ, thời kỳ 1959-1965 và lụi tàn dần vì chặt bỏ do sợ bão lớn gây đổ chết người ... Đó là hai hàng cây sao cổ thụ dọc hai bên đường, đã sống từ rất lâu đời, khi chúng tôi di cư vào Nam và chúng đã hiện hữu! Cứ cách khoảng nhau từ 10 m đến 15 m lại có một cây, xanh mát quanh năm và là nơi tuổi thơ của xóm đã gắn liền vào gốc rễ!"

Hình ảnh con đường Lê văn Duyệt thời ấy (cũng trên trang web trường Ngô Quyền) đây:



Nhà của cô Duyên, nhân vật "cô Bắc kỳ" trong nhiều bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên ở trên đường này. Cuối đường là bờ sông, xưa Nguyễn Tất Nhiên đã cùng Duyên đi học về, đưa Duyên từ bờ sông về nhà, để rồi sau đó ông sáng tác nên Khúc tình buồn (mà Phạm Duy đã phổ nhạc thành Thà như giọt mưa):

Người từ trăm năm
Về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng

(Về chi tiết này, xin xem bài Người từ trăm năm - Về qua sông rộng)

Trên trang web Ngô Quyền, cô Duyên (không ghi rõ, nhưng tôi đoán là cô Duyên bạn học của Nguyễn Tất Nhiên ngày xưa) nhớ lại:

" ... hình ảnh con đường Lê Văn Duyệt đẹp cổ kính với những cây cổ thụ to cao... cuối con đường là bờ sông Đồng Nai nhẹ nhàng uốn qua thành phố, của một thời mới lớn... "

Hàng cổ thụ đã bị đốn từ lâu. Sau 1975, đường Lê văn Duyệt đổi tên thành Bùi văn Hòa, rồi từ 2013 đổi thành Hoàng Minh Châu cho đến bây giờ.

Đường Hoàng Minh Châu bây giờ dài 320 met, rộng 9 met, lộ giới 19 met. Đường đặt theo tên Hoàng Minh Châu, chủ tịch tỉnh Biên Hòa đầu tiên sau 1945. Con đường ngắn, bình thường, không đẹp, không xấu. Còn chút nên thơ là cuối đường hướng ra bờ sông.

Đường Hoàng Minh Châu, hướng từ bờ sông nhìn ra

Đường Hoàng Minh Châu, hướng từ đường Cách mạng Tháng 8 nhìn về bờ sông

Những hình ảnh ngày xưa đã phai nhạt mất rồi, nhưng người xưa nếu có về lại Biên Hòa ắt sẽ đi lại con đường này để nghe lòng xao xuyến, nhớ thuở nào...

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét